Bông trang vàng và bông trang trắng có dùng làm thuốc được không?

Cây bông trang đỏ thì đã quá quen thuộc với nhiều công dụng làm thuốc nhưng bông trang vàng và bông trang trắng thì như thế nào? Chúng có tác dụng dược lý không?

Hơn nữa, trong xu thế quay trở về với y học truyền thống thì việc nghiên cứu dược tính của hai loại cây này đã đạt được những kết quả nào? Mời các bạn cùng mình tìm hiểu nhé.

Vài nét về bông trang vàng và bông trang trắng

Nhìn chung, hai loại bông trang này không phổ biến bằng bông trang đỏ nhưng trong trồng cây trang trí và nghệ thuật thì chúng lại rất được ưa chuộng, đặc biệt là cây trang vàng.

1. Bông trang vàng có tên khoa học là Ixora coccinea L. var. lutea, thuộc dạng cây bụi, lá thon dài và có các cánh hoa với màu vàng tươi sáng, rất đẹp (cánh hoa thường dài khoảng 1, 2 cm). Quả của cây là quả hạch.

2. Bông trang trắng (hay còn gọi là cây đơn trắng), có tên khoa học là Ixora nigricans R. Br. ex. Wight. et. Arn (1). Đây là cây gỗ nhỡ, vỏ cây màu đen xám. Lá trang trắng có hình bầu dục, thuôn và có lá kèm.

Hoa trang trắng mọc thành chùm dưới dạng hình xim ở đầu cành hay nách lá, tràng hoa hình ống, thuôn dài và cánh hoa xẻ làm 4 thùy. Quả trang trắng khi chín có màu đen bóng và chứa 2 hạt bên trong.

Công dụng làm thuốc của bông trang vàng và bông trang trắng

Nhìn chung, công dụng làm thuốc của hai loại này không nhiều và cũng không phổ biến như cây trang đỏ. Tuy nhiên, theo tư liệu y học cổ truyền, ta có thể ghi nhận các công dụng sau:

  • Cây trang vàng: giúp an thần, giảm buồn nôn (lấy rễ cây rửa sạch, xắt nhỏ, phơi khô rồi nấu lấy nước uống).
  • Cây trang trắng: giúp an thai, mát máu, điều trị bạch đới (dùng hoa). Ngoài ra, cây trang trắng còn giúp bổ gân xương và điều trị suy thận. Được biết, danh y Việt Cúc có ghi lại công dụng của cây trang trắng thành dạng vần vè cho dễ nhớ như sau:

“Trang trắng lạt, bình, vị chát ngơ

Điều kinh, nhuận huyết, chữa gân đơ

Lưng đau, thận yếu cùng bạch đới

Mát mẻ thai bào, giải phóng ho”.

Các nghiên cứu về cây trang trắng

Y học cổ truyền ghi nhận cây trang trắng có tác dụng bổ gân xương và điều này được củng cố thêm khi ta biết rằng kết quả thí nghiệm về lá trang trắng cũng cho thấy nó có tác dụng chống viêm khớp.

Cụ thể, theo tạp chí Journal of Medicinal plants research thì chiết xuất methanolic từ lá trang trắng có hoạt tính chống viêm khớp đáng kể – gần bằng thuốc tiêu chuẩn – với hiệu suất 79,35% ở nồng độ 1000 ug / ml và 46,77% ở nồng độ 31,25g / ml (trong khi hiệu suất của thuốc tiêu chuẩn là 85,49% ở nồng độ 1000 ug / ml và 51,61% ở nồng độ 31,25g / ml) (3).

Như vậy, có thể thấy các nghiên cứu dược lý về cây trang trắng và cây trang vàng còn rất ít ỏi. Điều này cũng xuất phát từ thực tế hiển nhiên vì có nhiều thảo dược khác giàu hoạt tính hơn.

Cuối cùng, cần chú ý phân biệt hai loại này với nhiều loài khác cùng chi, tránh nhầm lẫn cây trang vàng với cây trang cam (Ixora coccinea var. caudata, hoa có màu vàng đậm hơn) và cũng tránh nhầm lẫn giữa cây trang trắng với cây hé mọ (Psychotria reevesii, nhìn cũng như bông trang đỏ nhưng có màu trắng).