Nguyên nhân, phòng ngừa chứng nói nhảm ở người già

noi-nham-o-nguoi-gia

Nguyên nhân chứng “nói nhảm” ở người già

Theo các bác sĩ, hiện tượng “nói nhảm” ở người lớn tuổi là do các rối loạn về tâm thần. Trong số các biểu hiện của chứng này, nhẹ thì bệnh nhân cảm thấy khó chịu, lo lắng, rối loạn giấc ngủ; nặng hơn là suy nhược cơ thể, lo âu, ám ảnh bệnh tật, nói năng lảm nhảm; có người còn xuất hiện trạng thái loạn thần, biểu hiện bằng các hoang tưởng, ảo giác và rối loạn ý thức.Hiện tượng loạn thần có thể xuất hiện ở tuổi già và trước tuổi già, còn ở những người trên 70 tuổi thường xuất hiện chứng mất trí.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do khi lớn tuổi, cơ thể ít tạo ra các chất trung gian cần thiết cho não bộ hoạt động, hệ thần kinh dần bị thoái hóa và trí nhớ giảm sút, não không còn hoạt động bình thường được nữa. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thuốc trong thời gian dài, đặc biệt là nhóm thuốc trợ tim, thuốc điều trị cao huyết áp cũng là một trong những tác nhân gây ra bệnh nói nhảm ở người già.

Theo một số tài liệu y khoa nước ngoài, một trong những nguyên nhân khiến hệ thần kinh ở người già hoạt động không ổn định nữa là do sự tấn công của các gốc tự do. Gốc tự do làm xơ hóa các bao myelin và các đầu sợi trục tế bào thần kinh, khiến liên kết giữa các tế bào này với nhau bị giảm cả về số lượng lẫn chất lượng, từ đó các chức năng não dần rối loạn.

Điều trị bệnh “nói nhảm” ở người già như thế nào?

Bệnh “nói nhảm” thực chất là bệnh của tuổi già, do đó không có cách điều trị nào hiệu quả tuyệt đối. Gia đình và những người chăm sóc chỉ có thể dành thời gian quan tâm đến người bệnh, trò chuyện, lắng nghe họ nói, giải tỏa tinh thần. Bên cạnh đó cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng lành mạnh, không để người lớn tuổi hút thuốc lá, uống rượu bia vì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thần kinh cũng như sức khỏe tim mạch.

Cách phòng ngừa bệnh “nói nhảm” ở người già

Đầu tiên là sự gần gũi, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Con cháu gần gũi ông bà SẼ RẤT dễ dàng phát hiện các triệu chứng ban đầu của bệnh và đưa bệnh nhân đến khám bác sĩ. Nên chú ý quan tâm đến cảm xúc của người già để họ không cảm thấy cô đơn, góp phần ổn định tâm lý. Bác sĩ Nguyễn Lang Tùng, chuyên khoa Tâm thần đưa ra lời khuyên cho bạn như sau: “Nên treo một tập lịch trong phòng, mỗi tuần vài lần con cháu xé lịch, nhắc ông bà nhớ hôm nay có sự kiện gì, điều này giúp cho bộ não của người già được “kích hoạt” trở lại và luyện tập trí nhớ tốt hơn.

Tiếp theo là chế độ dinh dưỡng: Như đã chia sẻ trong bài “Giúp cha mẹ có một thực đơn hoàn hảo” thói quen uống trà, ăn nhiều rau củ, cá, hạn chế ăn thịt, nhất là các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt dê rất tốt cho sức khỏe của người cao tuổi. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng ăn nhiều cá chính là bí quyết kéo dài tuổi thọ và sự minh mẫn của người dân Nhật Bản. Ngoài ra, không nên để người lớn tuổi uống bia rượu, hút thuốc lá nhiều để bảo vệ sức khỏe cho phổi và hạn chế các gốc tự do trong cơ thể.