Công dụng chữa bệnh của rau bợ | Vinmec

Rau bợ không chỉ là món ăn ngon bổ dưỡng mà còn là một vị thuốc tốt. Có nhiều cách sử dụng rau bợ khác nhau tùy theo từng mục đích điều trị.

Một số cách dùng rau bợ phổ biến:

Với rau bợ khô:

  • Chữa bệnh đái tháo đường dùng 15g rau bợ với 15g thiên hoa phấn, trộn lẫn sấy khô rồi tán nhỏ pha với sữa uống mỗi ngày sẽ cho hiệu quả kiểm soát đường huyết rất tốt.
  • Điều trị tắc tia sữa ở phụ nữ đang cho con bú: dùng 15 đến 20g rau bợ sắc cùng 1 lít nước đến khi còn 250ml chia uống ngày 2 lần, mỗi lần cách nhau 4 giờ. Bã rau bợ lấy chườm vào vú bị tắc tia sữa theo chiều xuôi từ trên xuống dưới.
  • Bài chữa bí tiểu, tiểu nóng buốt: dùng 10 – 15g rau bợ khô đem sắc với 1 lít nước đến khi còn 250ml chia ngày 3 lần, uống mỗi lần cách nhau 3 giờ, dùng khoảng 3 ngày liên tiếp nếu thấy đỡ thì dùng cách 2 ngày.

Với rau bợ tươi:

  • Trị sỏi tiết niệu: giã nát rau bợ, lọc lấy nước, mỗi ngày uống 250ml (uống tốt nhất vào buổi sáng sớm), dùng trong 5 ngày liên tiếp. Ngoài ra có thể sắc chung với búp non dứa dại, phèn đen và ngải cứu để tăng hiệu quả điều trị.
  • Lấy rau bợ tươi giã nát, vắt lấy nước bôi lên vùng da điều trị sẽ giảm các triệu chứng sưng lở ngoài da.
  • Người bị nóng trong mụn nhọt, giã lấy nước uống, còn bã đem đắp vào mụn cho hiệu quả cải thiện rất tốt.
  • Rau bợ tươi giã nát đem đắp lên vết bỏng cũng có tác dụng dịu da rất tốt.

Một số món ăn từ rau bợ tốt cho sức khỏe:

  • Canh cua đồng rau bợ: đây là món ăn phù hợp với trẻ còi xương, chậm phát triển hay người gãy xương.
  • Cỏ bợ xào với lá sen và cỏ nhọ nồi. Ăn món này mỗi ngày giúp hỗ trợ điều trị bệnh suy tĩnh mạch chi dưới, rong kinh, đại tiểu tiện ra máu.
  • Nấu rau muống với cỏ bợ có tác dụng thanh nhiệt giảm viêm rất tốt. Ngoài ra, món ăn còn giúp hỗ trợ điều trị triệu chứng phù trong bệnh suy thận cấp hay suy tim.
  • Lá sen nấu với rau bợ làm món canh, không những ngon, mát mà còn giảm triệu chứng rôm sảy mày đay rất hiệu quả.

Một số lưu ý khi dùng cỏ bợ làm thuốc và nấu ăn:

  • Do rau bợ mọc sâu dưới bùn nên sẽ tốt hơn nếu chỉ dùng phần lá non và phần trên của cây rau bợ. Trước khi dùng nên ngâm với nước muối loãng để làm sạch đồng thời loại bỏ mùi tanh do bùn để lại.
  • Lưu ý sử dụng ở những người có tỳ thận dương hư, tỳ vị hư hàn vì cỏ bợ có tính hàn.
  • Cây rau bợ gần giống với cây me đất nên cần lưu ý phân biệt rõ 2 loại cây, tránh nhầm lẫn khi sử dụng.
  • Đặc biệt lưu ý, không tự ý dùng rau bợ làm thuốc điều trị bệnh khi chưa có chỉ định hay tư vấn của bác sĩ.

Rau bợ không chỉ là một món ăn ngon mà còn có rất nhiều tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, để sử dụng có hiệu quả cần phải biết dùng rau bợ đúng cách, đúng liều lượng và phối hợp vị thuốc khác khi cần. Hãy liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, chỉ định cụ thể theo từng tình trạng sức khoẻ.