Khổ vì ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, bên cạnh những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội tăng cao như biến đổi khí hậu, xả thải từ phương tiện giao thông; tình trạng đốt rơm rạ còn nhiều; thu gom rác thải, bùn thải chưa được xử lý… còn có một nguyên nhân quan trọng, đó là bụi từ các công trình xây dựng hoặc các hoạt động vận chuyển khiến vật liệu xây dựng rơi vãi trên đường do không được che chắn và xử lý kịp thời. Qua khảo sát thực tế tại một số tuyến đường, phố như: Đại lộ Thăng Long, Phạm Hùng, Trường Chinh, Tố Hữu, Nguyễn Trãi, quốc lộ 32, Phạm Ngọc Thạch… đang có nhiều công trình xây dựng trọng điểm thi công, đường phố thường xuyên bụi, bẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông và đời sống người dân. Chị Nguyễn Thị Minh, nhà sát mặt đường Lê Văn Lương chia sẻ: “Gần một năm nay, nhà tôi lúc nào cũng phải đóng kín cửa vì khói bụi và ô nhiễm. Hơn nữa, các xe chở vật liệu xây dựng ra, vào công trường lại không được che chắn cẩn thận, đất cát rơi vãi bừa bãi khiến mặt đường nhiều chỗ như được phủ lớp thảm bằng bụi. Những hôm trời mưa, các xe chở đất đào móng từ các công trình xây dựng khiến nước bẩn chảy đầy ra đường, gây trơn trượt cho người tham gia giao thông”. Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Hoàng Lâm, cán bộ hưu trí tại khu chung cư trên đường Nguyễn Xiển bức xúc nói: “Bụi từ công trình xây dựng, từ xe chở vật liệu rơi vãi cũng là tác nhân gây ô nhiễm không khí. Trong đó, các công trình xây dựng hạ tầng thường gây tiếng ồn và vương vãi đất, bụi bẩn; các công trình xây dựng tòa nhà, chung cư thiếu rào che chắn, vật liệu tập kết không đúng nơi quy định, chưa bố trí điểm rửa xe trước khi ra, vào công trình”. Mới đây, qua công tác kiểm tra trên tuyến Đại lộ Thăng Long, Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội, chi nhánh Cầu Diễn cùng các ngành chức năng, đã phát hiện và lập biên bản nhiều xe ô-tô tải chở vật liệu, phế thải xây dựng, nhưng không có biện pháp che chắn, làm rơi vãi một lượng lớn phế thải đất đá xuống đường, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các công trình xây dựng, đề nghị các ban, ngành chức năng cần hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; giảm nguồn phát sinh, phát tán bụi, đầu tư hệ thống quan trắc môi trường không khí, nhằm kiểm soát, giảm đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường không khí. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý, giám sát các nguồn thải và trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định trước khi cấp phép xây dựng. Yêu cầu chủ đầu tư cần thực hiện đúng, đủ các biện pháp giảm đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường trong các giai đoạn phá dỡ, thi công. Công trình xây dựng phải được che chắn bảo đảm chống bụi và mỹ quan đô thị.