Món ngon đất Bắc dùng mắm tôm – VnExpress Cooking

Nếu như mắm tôm chua Huế nổi bật với màu cam hồng từ tôm chua muối lâu ngày; mắm chà Nam bộ thu hút bởi nước cốt màu đỏ tươi gạch son từ tôm đất quết nhuyễn thì mắm tôm Bắc lại gây thương nhớ bởi nét mộc, màu sim chín, vị nồng đượm.

Với những ai lỡ bén duyên các món có hương vị mắm tôm rồi thì nếu thiếu sẽ thấy bứt rứt như: Bún đậu mắm tôm, giả cầy Bắc, bún riêu cua đồng, ba chỉ om chuối đậu, bún thang… Và ở mỗi món ăn, mắm tôm ”biến hóa” lúc đưa đẩy đậm đà, lúc lắng xuống, lúc thoảng hương thôi mà ngon đến lạ.

1. Bún đậu mắm tôm

Từng miếng đậu vàng ươm, béo ngậy chấm ngập trong mắm tôm đằm đặm, gắp chút bún lá trắng nõn nà, vài cọng rau thơm nữa là trọn bộ quyến rũ cho bất kể mùa nào.

>> Xem cách làm Bún đậu mắm tôm

Để pha mắm tôm ngon theo vị mộc truyền thống công thức là: Mắm – đường – chanh (hoặc quất) với tỷ lệ 2:1:1.

Cho vào bát 2 thìa canh mắm tôm ngon, 1 thìa canh đường, 1 thìa canh rượu trắng để khử mùi tanh và giảm vị mặn của mắm tôm, khuấy đều để tan đường. Khi ăn thì cho 1 thìa canh nước cốt quất (hoặc chanh) vào và đánh đều cho tới khi nổi bông dày là được. Thêm ớt nếu ăn được cay. Thêm tỏi (tùy theo khẩu vị).

>> Xem cách pha mắm tôm đơn giản mà ngon

2. Bún riêu cua đồng

Trong thức quà về bún Hà Nội thì bún riêu là phổ thông, bình dân nhưng lại gây thương nhớ bởi nét chất phác của ruộng đồng. Nhà văn Vũ Bằng từng đưa vào top các món ngon Hà Nội: ”Bún óng mướt, chan riêu nóng lên trên, lấp la lấp lánh màu gạch cua sắc tím điểm những chấm vàng kim nhũ li ti giữa vài cái rong cà chua hồng tái; rồi gia một tý mắm tôm vào, ăn với rau diếp non thái nhỏ như những sợi chỉ xanh… Tôi đố ai trông thấy mà lại không thèm”.

Bún riêu cua chỉ điểm xuyết chút mắm tôm nhưng làm hài hòa cân bằng mọi vị, khiến người sành ăn thỏa mãn.

>> Xem cách làm Bún riêu cua đồng

3. Giả cầy

Nếu như giả cầy kiểu Tây Nam Bộ ấn tượng bởi vị tương hột quyện chao trong nước dừa sóng sánh; giả cầy xứ Nghệ quyến luyến bởi vị ngọt từ mật mía thì giả cầy kiểu Bắc lại gây thương nhớ bởi vị chua dịu từ mẻ quyện vị đậm nồng từ mắm tôm.

Từng miếng giả cầy thịt mềm đậm vị nhưng bì vẫn còn chút giòn, nước sóng sánh vàng, dậy mùi thơm của mắm tôm, riềng mẻ rất hấp dẫn. Món này ăn cùng bún rất ngon nhất là trong tiết trời lạnh.

>> Xem cách làm Giả cầy thơm ngon tại nhà

4. Ba chỉ om chuối đậu

Trong ẩm thực Việt, các món om, nấu cùng chuối đậu thể hiện nét đặc trưng nhất của vùng quê đồng bằng Bắc bộ như: Ba chỉ om chuối đậu, ốc nấu chuối đậu, ếch om chuối đậu…

Từng miếng thịt ba chỉ săn, béo ngậy, chuối chín mềm mà không bở, đậu giòn, nước sánh vàng ươm tự nhiên, vị chua dịu thanh, dậy mùi thơm của mắm tôm gây ấn tượng với bất cứ ai ngay lần đầu thưởng thức. Món này ăn cùng cơm nóng và bún đều rất ngon.

>> Xem cách làm Ba chỉ om chuối đậu

5. Bún thang

Bún thang là một trong những món ăn thể hiện rõ phong cách tinh tế, thanh tao của ẩm thực Hà thành bởi sự kết hợp của sắc, hương và vị vẹn tròn.

Được làm từ gần 20 nguyên liệu một cách tỉ mỉ, một bát bún thang như một bức tranh nhiều sắc màu: màu trắng nõn nà từ bún, màu vàng nhẹ từ thịt gà xé sợi, màu vàng non từ trứng tráng, màu hồng nhạt từ giò lụa đan xen củ cải khô, nấm hương… Tất cả hòa quyện trong nước dùng thanh trong, ngọt tự nhiên. Nhưng ăn bún thang phải kèm chút tinh dầu cà cuống và mắm tôm mới trọn vị. Chính mắm tôm đẩy đưa, liên kết tổng hòa giúp cho nước dùng dậy mùi quyến rũ.

>> Xem cách làm Bún thang

Bùi Thủy

  • Cách làm bún giả cầy thơm ngon tại nhà
  • Cuốn hành – món ngon ‘vạn người mê’ sau Tết
  • Cách làm bún cá ngon như ngoài hàng
  • Lá lốt – dấu ấn hương vị ẩm thực Thái Bình
  • Bún riêu cua truyền thống Hà Nội