Nguyên mẫu lịch sử của nhân vật Mị Nguyệt trong phim “Mị Nguyệt Truyện”: Từ một sủng phi từng bước trở thành vị Thái hậu quyền khuynh thiên hạ

Nguyên mẫu của nhân vật Mị Nguyệt chính là cao tổ mẫu (bà sơ) của Tần Thủy Hoàng, và cũng là bà nội của ông nội Tần Thủy Hoàng. Trong lịch sử Trung Hoa, bà vốn là phi tần của Tần Huệ Văn vương Doanh Tứ, về sau trở thành Tần Tuyên Thái hậu nắm trong tay quyền lực vô cùng lớn.

Thông tin của bà không được chính sử ghi chép quá nhiều, chỉ biết bà xuất thân từ Mị thị, dòng dõi tôn thất nước Sở – một nước chư hầu thời Xuân Thu Chiến Quốc. Bà là một trong những sủng phi của Tần Huệ Văn vương với hiệu là “Bát Tử”, nên thường được gọi là Mị Bát Tử.

Cũng không rõ Mị Bát Tử bước vào hậu cung của Tần Huệ Văn vương vào thời điểm nào nhưng năm 325 trước Công nguyên, bà hạ sinh Doanh Tắc, về sau là Tần Chiêu Tương vương. Sau đó liên tiếp sinh hạ thêm 2 người con trai nữa.

Ảnh minh họa.

Năm 311 trước Công nguyên, Tần Huệ Văn vương qua đời, Thái tử Doanh Đãng (con trai của Huệ Văn Hậu) kế vị, tức Tần Vũ vương nhưng chỉ tại vị khoảng 4 năm thì chết. Lúc đó, vì Tần Vũ vương không có con trai kế vị nên các huynh đệ của ông bắt đầu tranh đoạt ngôi báu. Kết quả là Doanh Tắc, một công tử đang làm con tin ở nước Yên đã trở thành người đứng đầu nước Tần.

Năm 17 tuổi, Doanh Tắc lên ngôi, tức Tần Chiêu Tương vương. Sau đó, ông tôn mẹ ruột là Mị Bát Tử làm Tần Tuyên Thái hậu và lần lượt phong 2 em trai cùng mẹ làm Cao Lăng quân và Kính Dương quân. 4 người một nhà thâu tóm quyền lực nhà Tần.

Năm 305, Tần Tuyên Thái hậu xử tử Huệ Văn Hậu (mẹ ruột của Tần Vũ vương). Vì con trai còn nhỏ tuổi, bà đứng ra phụ trách triều chính. Trong lịch sử Trung Hoa, bà là người phụ nữ đầu tiên lấy thân phận mẹ ruột của vua để ra mặt nhiếp chính công khai.

Ảnh minh họa.

Có người cho rằng, sự nhạy bén chính trị của Tần Thủy Hoàng đều là được thừa hưởng từ gen của bà sơ. Khi trở thành người có quyền lực tối cao trong triều nhà Tần, Tuyên Thái hậu xử lý chính trị 1 cách tài tình, hô mưa gọi gió trong hơn 40 năm sau đó.

Năm 271 trước Công nguyên, sứ thần nước Ngụy tâu lên Tần Chiêu Tương vương rằng người ngoài chỉ nghe đến tiếng tăm của Thái hậu nhưng không hề biết đến thanh danh của Tần vương. Vì tức giận trước lời tâu này, Tần Chiêu Tương vương hạ lệnh phế quyền lực của mẹ ruột, đuổi 2 em trai ra biên cương.

Năm 265 trước Công nguyên, Tần Tuyên Thái hậu bệnh nặng. Tháng 7 cùng năm bà qua đời. Theo sử sách ghi nhận, thời gian từ khi sinh Tần Chiêu Tương vương đến lúc bà mất là 59 năm, nhưng không rõ bà thọ bao nhiêu tuổi.

Nguồn: Sohu, Baidu