‘Dòng chảy’ văn hóa các dân tộc Việt Nam | baotintuc.vn

Kho tàng văn hóa đồ sộ và đặc sắc của 54 dân tộc đã tạo nên bản sắc cho văn hóa Việt Nam, tạo ra những đặc trưng riêng, dấu ấn, điểm nhấn sâu sắc cho nước ta trong bối cảnh giao lưu, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng. Những người yêu thích, mê đắm văn hóa truyền thống các dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số đều ví von đó như một cánh cửa mở ra những khám phá lý thú, càng tìm hiểu càng say mê và càng mong muốn gìn giữ, phát huy giá trị của bản sắc văn hóa Việt.

Dân tộc, miền núi là mảng đề tài thu hút nhiều tác giả theo đuổi, sáng tác, cho ra đời những tác phẩm đặc sắc, làm giàu thêm cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Lực lượng sáng tạo mảng đề tài này ngày càng đông đảo, với sự tham dự của nhiều tác giả là người dân tộc thiểu số cùng đội ngũ người xuôi nặng lòng, tâm huyết với văn hóa và con người vùng cao. Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số là bộ phận không thể tách rời của nên văn học, nghệ thuật Việt Nam, kế thừa và phát huy thành tựu của nền văn nghệ dân gian các dân tộc trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Các văn nghệ sỹ đã sáng tạo những tác phẩm giá trị, nói lên tiếng nói của đồng bào, lịch sử, xây dựng quê hương một cách gần gũi, chân thực, sống động.

“Vợ chồng A Phủ” – tác phẩm văn học về đề tài dân tộc miền núi nổi tiếng đã một lần nữa khẳng định tên tuổi của nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm đã xuất sắc giành giải Nhất ở thể loại truyện ngắn – Giải thưởng do Hội nghệ sỹ Việt Nam trao tặng năm 1954-1955. Tô Hoài được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996 với tác phẩm này. Hơn thế nữa, tác phẩm còn được đưa lên màn ảnh nhỏ, trở thành bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng nước ta. Càng đặc biệt hơn khi “Vợ chồng A Phủ” được chính nhà văn Tô Hoài chuyển thể thành kịch bản. Đạo diễn Mai Lộc cùng ê kíp đã làm thành bộ phim hấp dẫn, cảm động, lôi cuốn người xem bằng hình ảnh đẹp về miền núi Tây Bắc. Phần âm nhạc xuất sắc của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương, ca khúc “Bài ca trên núi” qua giọng hát của nghệ sỹ Kiều Hưng cũng được đông đảo người yêu nhạc đón nhận. Bộ phim đã được trao Giải thưởng Bông sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973…

Đến năm 2019, ca sỹ Hoàng Thùy Linh lại khiến người yêu âm nhạc cả nước xôn xao khi cho ra mắt ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” dựa trên cảm hứng từ tác phẩm văn học “Vợ chồng A Phủ”. Sản phẩm này được đánh giá cao cả nội dung và hình thức, không chỉ làm khuynh đảo thị trường âm nhạc mà còn được khán giả, giới chuyên môn đánh giá cao. “Để Mị nói cho mà nghe” được vinh danh ở Giải Mai Vàng, We Choice; giành chiến thắng ở hầu hết các hạng mục của giải “Làn sóng Xanh” 2019 gồm: “Ca khúc của năm”, “Bài hát hiện tượng”, “Hòa âm phối khí”, “MV của năm”, “Nữ ca sỹ của năm”, “Sự kết hợp xuất sắc” và “Ca sỹ đột phá”…

Nhà văn Đỗ Bích Thúy quê gốc ở Nam Định nhưng sinh ra ở Hà Giang, được đắm mình trong không gian văn hóa của các dân tộc vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc. Dù đã sống và làm việc ở Hà Nội nhiều năm qua nhưng với sức viết bền bỉ, chị đã có gia tài gồm 20 đầu sách về chủ đề miền núi, từ truyện ngắn, truyện vừa, tản văn cho đến cả tiểu thuyết như “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Chúa đất”, “Người yêu ơi”… Tất cả đều mang đậm hơi thở đồng bào, cuộc sống với những con người, số phận ở vùng cao… Đặc biệt, “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” được đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể thành kịch bản và dựng thành bộ phim “Chuyện của Pao” nổi tiếng. Trong lễ trao Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2006, “Chuyện của Pao” đã giành giải “Phim truyện nhựa hay nhất” cùng ba Cánh diều Vàng khác cho “Quay phim xuất sắc nhất”, “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” và “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất”. Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã chọn bộ phim “Chuyện của Pao” đại diện của Việt Nam dự tranh đề cử thể loại “Phim nước ngoài hay nhất” tại Oscar 2007…

Cuối năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sông Thương Garden đã giới thiệu ca kịch “Khát vọng Dam Săn” trên trên nền sử thi Dam Săn của dân tộc Êđê. Ca kịch này do nhạc sỹ Nguyễn Cường viết và làm tổng đạo diễn, Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk biểu diễn. Giới chuyên môn cho rằng, có thể coi là vở nhạc kịch tạo nên bức tranh sinh động về màu sắc âm nhạc, có sự kết hợp giữa âm nhạc cổ điển phương Tây, đan xen với Pop, Rock và âm nhạc của đồng bào Êđê. Có thể nói, ca kịch “Khát vọng Dam Săn” đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay…

Nhạc sỹ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho biết: Trong sự phát triển chung của đất nước, ở vùng dân tộc và miền núi, quốc phòng – an ninh được giữ vững, kinh tế, văn hóa – xã hội có những bước phát triển lớn. Nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đã được triển khai thực hiện. Nhờ đó, đời sống người dân ở nhiều vùng đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt. Công tác xóa đói giảm nghèo thu được nhiều kết quả. Đặc biệt, ở lĩnh vực văn hóa – xã hội, một số đề án về bảo vệ, phát huy văn hóa dân tộc đã và đang được triển khai thực hiện ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam Bộ. Văn hóa truyền thống của dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, phát huy. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

Kho tàng văn hóa của 54 dân tộc đã tạo nên bản sắc cho văn hóa Việt Nam, tạo ra những đặc trưng riêng, dấu ấn, điểm nhấn sâu sắc cho nước ta trong bối cảnh giao lưu, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng. Và đó là “một dòng chảy” liên tục và bất tận.

Gần đây nhất, Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 đã diễn ra vào tháng 3/2022 tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Tại đây, đồng bào các dân tộc ở cả ba miền đất nước đã cống hiến những màn trình diễn văn hóa đắc sắc, thể hiện rõ nét những tinh túy của nghệ thuật truyền thống. Liên hoan được coi là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện văn hóa lớn nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam, thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa trong năm 2022.

Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã xác định, đời sống xã hội, thiên nhiên, con người miền núi, dân tộc là đề tài lớn, chứa đựng nhiều yếu tố của dân tộc và thời đại, đã và đang thu hút sự quan tâm, khám phá, tìm tòi với nhiều biểu đạt hình tượng nghệ thuật, làm phong phú và giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Hội đã phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ dân tộc thiểu số và những người hoạt động văn học, nghệ thuật là người Kinh nhưng gắn bó, tâm huyết với miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác văn học, nghệ thuật và sưu tầm văn hóa văn nghệ dân gian.

Theo ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), không gian diễn xướng mở ra ánh lửa bập bùng ẩn hiện quanh nếp nhà sàn đâu đó của miền trời Đông Bắc, Tây Bắc, qua các huyện Quan Sơn, Bá Thước (Thanh Hóa), Anh Sơn, Kỳ Sơn (Nghệ An), Đak Rông (Quảng Trị), A Lưới (Thừa Thiên – Huế) rồi đến những mái ngói thâm nâu nơi làng quê châu thổ sông Hồng, chứa đựng biết bao trầm tích về văn hóa dân gian. Các tiết mục “Lễ cấp sắc” của đoàn Tuyên Quang; “Mừng nhà mới” của đoàn Nghệ An; “Lễ hội chạy gió” của đoàn Bắc Ninh; “Đào lý một cành” của đoàn Hải Dương; “Cô đôi thượng ngàn” đoàn Vĩnh Phúc; “Xẩm chợ” đoàn Hà Nam; “Tục cưới hỏi người Thái” đoàn Thanh Hóa; “Lễ cúng gọi hồn” đoàn Quảng Trị; “Rước cây nêu” đoàn Thừa Thiên – Huế… đã cho ta thấy mỗi nơi có một phong tục tập quán mà dù có đi, trải nghiệm nhiều cũng khó lòng kể hết.

Đó chính là tính hiện hữu, giản dị đến tự nhiên của các nghi lễ mừng cơm mới, lễ cấp sắc cùng những tập quán chợ phiên, lễ xuống đồng và đỉnh cao là văn hóa trang phục, ẩm thực được gửi gắm qua những câu tục ngữ, hát ru, hát đố, hát yếu… kèm theo những câu chuyện cổ tích huyền thoại của cộng đồng các dân tộc: Dao, Tày, Mông, Thái, Pa Kô, Vân Kiều, Kinh… Ở đó có sự hòa điệu giữa vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên cùng với gốc văn hóa đậm đà bản sắc riêng có.

Phần trình diễn các tích, trò trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội đã khắc họa những tín ngưỡng đặc trưng của từng cộng đồng dân tộc thiểu số tham dự, đảm bảo được tính nguyên bản vốn có. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên cộng đồng các dân tộc thiểu số trình diễn một số loại nhạc cụ bị hạn chế bởi các tập tục. Những điệu nhảy dân ca, dân vũ và trang phục truyền thống của đồng bào đã tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kỳ vọng Liên hoan tiếp theo sẽ đón nhận thêm nhiều nét tươi mới, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, trước sự bùng nổ của mạng internet và hội nhập quốc tế nhanh chóng như hiện nay, văn học nghệ thuật nói chung, văn hóa, văn nghệ dân gian nói riêng đang đối mặt với nguy cơ mai một, thậm chí biến mất. Nhiều bạn trẻ người dân tộc dường như không còn mặn mà với văn hóa, không mặc trang phục, nói tiếng của đồng bào mình, không biết chơi các loại nhạc cụ dân tộc…

Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng: Việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc không thể một sớm một chiều mà phải kiên trì trong thời gian dài. Cần đánh thức, kêu gọi lòng tự hào dân tộc để mỗi người dân tự nguyện tham gia bảo tồn di sản, tạo ra sức sống nội sinh làm nên bản sắc của mỗi dân tộc. Liên hoan, hội thi chỉ là một trong những biện pháp nghiệp vụ, cần khuyến khích các hoạt động văn hóa tại địa phương thông qua các lễ thức vòng đời ở mỗi gia đình, lễ nghi nông nghiệp của buôn làng; tăng cường giảng dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc trong cộng đồng. Bởi lẽ, muốn giữ được những nét đặc sắc nhất trong văn hóa của các dân tộc, chính đồng bào cần tổ chức truyền dạy, phục dựng, thể hiện ngay trong sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng…

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định: Để gìn giữ và bảo tồn văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vai trò của văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng trong quá trình phát triển đất nước. Đảng ta đã xác định văn hóa là nền tảng, là động lực, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển đất nước. Nhận thức này cần phải được thấm nhuần sâu rộng trong toàn bộ xã hội, cụ thể là trong mỗi lĩnh vực kinh tế – xã hội của đất nước.

Việc phát huy giá trị văn hóa các dân tộc gắn với du lịch càng ngày càng thể hiện những ưu thế riêng. Phát triển du lịch từ chính vốn liếng di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả ở nhiều vùng miền, nhất là mô hình du lịch cộng đồng (homestay) ở các bản, buôn làng. Mô hình này thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến trải nghiệm, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người dân bản địa. Người dân có thêm nhiều cơ hội thoát nghèo bền vững, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và đặc biệt là có điều kiện phát huy các giá trị văn hóa bản địa.

Có thể nêu ra ở đây như Lai Châu, nơi đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách bởi khí hậu trong lành, sự thân thiện, mến khách của người dân bản địa. Sở hữu nhiều cảnh quan nguyên sơ, các di tích lịch sử và những đỉnh núi “chỉ nghe tên là muốn khám phá” như Putaleng, Phu Si Lung, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn, Chung Nhía Vũ, Pú Đao hay Pờ Ma Lung…, có thể nói, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ kết hợp với đời sống văn hóa phong phú và những món ăn độc lạ, đậm hương vị miền núi của đồng bào dân tộc thiểu số là những lợi thế để Lai Châu phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Hay tỉnh Kon Tum, nơi sinh sống của 28 dân tộc anh em, trong đó có các dân tộc thiểu số: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm. Sự đa dạng về thành phần dân tộc giúp Kon Tum có một kho tàng văn hóa dân tộc phong phú, đậm đà bản sắc. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành du lịch địa phương phát triển bền vững.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, hệ thống di sản văn hóa của Kon Tum rất đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa. Điều này thể hiện ở các luật tục, cư trú, kiến trúc, lễ hội và các loại nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật dân gian, ẩm thực, trang phục, thổ cẩm… Biết rõ vai trò quan trọng của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đối với cộng đồng, xã hội, các cấp chính quyền và ngành Văn hóa Kon Tum đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số và phát huy giá trị trong hoạt động du lịch…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh, sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với phát triển đất nước. Bác nói: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Văn hóa chính là hồn cốt của một dân tộc, là nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững đất nước. Đảng, Nhà nước ta xác định văn hóa của đồng bào dân tộc là di sản quý báu, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, đặc biệt là văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng, tạo nên sức mạnh bền vững, trường tồn để đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Tại rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước đều khẳng định: Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là một vấn đề cần thiết và cấp bách, đặc biệt là trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Để công tác này đạt hiệu quả mong muốn trong giai đoạn 2021-2030, các cơ quan chức năng cần chú trọng đổi mới chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài; hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch…”.

Chính vì lẽ đó, tháng 3/3022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Đây là dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, triển khai giai đoạn một từ năm 2021 đến năm 2025. Dự án này sẽ góp phần hành động thiết thực nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người. Dự án sẽ thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Các hoạt động của dự án hướng tới bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự án phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Các đơn vị liên quan ưu tiên lựa chọn các nội dung đầu tư có định mức cao hơn để tổ chức thực hiện đối với các đối tượng thụ hưởng; đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp với cùng một địa bàn, đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ việc thực hiện dự án ở các cấp, các ngành sẽ được thực hiện trên cơ sở tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để phòng, chống, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện dự án.

Bài: Thanh Giang Ảnh: TTXVN Biên tập: Hoàng Linh Trình bày: Nguyễn Hà

21/04/2022 05:30