Khi nào nên thở bằng miệng? – VnExpress Sức khỏe

Theo WebMD, thở bằng mũi có nhiều lợi ích hơn thở bằng miệng bởi giúp làm ẩm không khí hít vào. Trong quá trình thở, mũi sẽ giải phóng ra oxit nitric (NO). NO là một chất giãn mạch, giúp mở rộng các mạch máu. Điều này có thể giúp cải thiện lưu thông oxy trong cơ thể. Miệng thường không làm điều này, đó là lý do tại sao một số người thở bằng miệng thường thức dậy với tình trạng khô miệng hoặc đau họng.

Các cấu trúc nhỏ giống như sợi tóc được gọi là lông mao trong mũi lọc ra chất độc, các mảnh vụn khi thở. Mũi có thể ngửi thấy các chất độc hại trong không khí hoặc thức ăn. Miệng không thể tìm thấy những chất độc này một cách hiệu quả.

Người khỏe mạnh dùng cả mũi, miệng để thở. Theo các chuyên gia, thời điểm duy nhất thực sự cần thiết để thở bằng miệng là khi đang tập thể dục cường độ cao hoặc nếu mũi bị tắc nghẽn do cảm lạnh hoặc dị ứng. Lúc này, thở bằng miệng tạm thời có thể giúp đưa không khí vào phổi nhanh hơn.

Tác hại khi thở bằng miệng

Thở bằng miệng có thể làm khô nướu, mô lót trong miệng. Điều này có thể làm thay đổi vi khuẩn tự nhiên trong miệng, dẫn đến bệnh nướu răng hoặc sâu răng, gây hôi miệng.

Bên cạnh đó, phương pháp thở có thể dẫn đến nồng độ oxy trong máu thấp. Điều này có liên quan đến huyết áp cao và suy tim. Các nghiên cứu cho thấy thở bằng miệng cũng làm giảm chức năng phổi, làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người bị hen suyễn. Ở trẻ em, thở bằng miệng có thể gây ra răng khấp khểnh, dị dạng khuôn mặt hoặc kém phát triển.

Thở bằng mũi có nhiều lợi ích hơn thở bằng miệng. Ảnh: Freepik

Nguyên nhân dẫn đến thở bằng miệng

Tắc nghẽn mũi là một lý do phổ biến khiến bạn thở bằng miệng. Bạn có thể bị nghẹt mũi do dị ứng, khối u, Polyp mũi – là những khối mềm, không đau, không phải ung thư, hình thành do quá trình viêm lâu dài của niêm mạc mũi xoang, xuất hiện ở những xoang phía trên dẫn lưu về mũi.

Ngoài ra, các tình trạng khác như ngưng thở khi ngủ có thể gây thở bằng miệng khi bạn ngủ. Khi cơn ngưng thở khi ngủ xảy ra, bạn sẽ ngừng thở. Điều này khiến não bộ hoảng loạn, dẫn đến tiếng ngáy to khi cơ thể đột ngột thở hổn hển. Điều tạo thói quen thở bằng miệng để cơ thể nhận đủ oxy

Đối với chứng ngưng thở khi ngủ vừa phải,các chuyên gia có thể khuyên bạn nên giảm cân, tránh uống rượu và một số loại thuốc ngủ, sử dụng gối đặc biệt hoặc dùng thuốc điều trị các vấn đề về xoang, tắc nghẽn.

Đối với những trường hợp nặng hơn, bạn có thể cần phải đeo mặt nạ đặc biệt trên mũi hoặc miệng khi ngủ. Liệu pháp này gọi là thở áp lực dương liên tục – một trong những phương pháp hỗ trợ thở cho những bệnh nhân bị suy hô hấp bằng cách duy trì một áp lực dương liên tục trong suốt chu kỳ thở.

Để hạn chế thở bằng miệng, mỗi người thử một số biện pháp phòng ngừa tại nhà: tập thở vào thở ra bằng mũi, giữ mũi sạch sẽ, giảm căng thẳng để không thở hổn hển bằng miệng, sử dụng một chiếc gối lớn hơn để kê đầu khi bạn ngủ, tập thể dục.

Lê Nguyễn