TỰ CHẾ KÍNH THIÊN VĂN KHÚC XẠ D60f900

Theo các Nhà thiên văn nghiệp dư thì đâu sẽ là phương án để “đến bầu trời” ít tốn kém nhất. Tự làm ra một chiếc kính thiên văn hay mua một chiếc kính thiên văn được sản xuất hoàn chỉnh.

“Tự làm thì ghé Thế Giới Thiên Văn, không tự làm thì ghé Thế Giới Thiên Văn.”

Mua một chiếc kính thiên văn hoàn chỉnh, chỉ cần ghé Thế Giới Thiên Văn lựa ra một chiếc phù hợp nhất và liên hệ:

Hotline: 0987.9977.69 – 0936.197.577 Zalo: 0987997769 Email: [email protected] Chi nhánh 1: Số 8, ngách 39, ngõ 68, Q.Cầu Giấy, Hà Nội Chi nhánh 2: 86/7, Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận, Tp.HCM

Và tự làm kính thiên văn cũng chỉ cần ghé Thế Giới Thiên Văn và làm theo hướng dẫn dưới đây:

Hỗ trợ tư vấn: Hotline: 0987.9977.69 – 0936.197.577 Zalo: 0987997769 Email: [email protected] Chi nhánh 1: Số 8, ngách 39, ngõ 68, Q.Cầu Giấy, Hà Nội Chi nhánh 2: Hẻm 86/7, Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận, Tp.HCM ——————————————————————————-

Hướng dẫn tự làm ra 1 chiếc kính thiên văn (Anh Chương – Hội Thiên Văn Nghiệp Dư Hà Nội HAS)

Bao gồm các loại kính: D60f900 – D70f900 – D80f900

Bài viết hôm nay chỉ cập nhật Kính thiên văn khúc xạ D60F900

Đôi điều về … ống nhựa PVC: Ống nhựa PVC là một loại nguyên vật liệu khá lý tưởng để chế tạo Kính thiên văn kiểu handmade vì nó rẻ tiền, dễ kiếm, dễ gia công. Ống PVC được nhiều hãng khác nhau sản xuất và có nhiều cỡ khác nhau, nhưng đều có chuẩn (kích thước) chung là 21 – 27 – 34 – 42 – 48 – 60 – 76 – 90 – 110 – 140 – 160… (mm). Với mỗi một chuẩn lại có nhiều cỡ dày mỏng khác nhau, ký hiệu là C0 – C1 – C2… Để có thể lắp ghép thành công 1 kính thiên văn chắc chắn và … đẹp, chúng ta cần nắm rõ độ dày mỏng của các cỡ ống khác nhau và phối ghép chúng với nhau một cách hợp lý.

Phần I. Chuẩn bị dụng cụ và hướng dẫn Kỹ thuật cắt, ghép ống nhựa PVC

1. Chuẩn bị các loại dụng cụ, nguyên vật liệu cơ bản: Để tự làm Kính thiên văn, chúng ta cần khá nhiều loại dụng cụ, nguyên liệu khác nhau, nói chung là có càng nhiều dụng cụ thì việc làm kính càng thuận tiện. Làm kính thiên văn Khúc xạ thì yêu cầu về dụng cụ đơn giản hơn so với kính thiên văn Phản xạ. Để làm kính thiên văn khúc xạ, các bạn cần chuẩn bị một số dụng cụ, nguyên vật liệu sau: – 1 cái Thước nhỏ (khoảng 20-25cm) – 1 cái Cưa sắt (hoặc lưỡi cưa sắt) – 1 cái Giũa (loại to càng tốt) – 1 Dùi nhọn (hoặc khoan tay càng tốt) – 1 Con dao nhỏ + 1 Cái kéo nhỏ – 25cm giấy ráp cốt vải (lưu ý không nên dùng giấy ráp thường vì không bền, mau rách) – 1 Dải bìa cứng rộng khoảng 4-5cm (tốt nhất là màu trắng) dài khoảng 25cm – 1 Bút dạ dầu đầu kim cỡ 0,7mm – 01 bình xịt sơn đen không bóng Hình ảnh:

2. Hướng dẫn kỹ thuật cắt ống nhựa PVC: Để có được 1 chiếc kính thiên văn đẹp, hoàn chỉnh, chúng ta cần phải cắt ống nhựa sao cho vết cắt phải mịn, phẳng, đảm bảo vuông góc với thân ống nhựa. Sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn kỹ thuật cắt ống nhựa PVC cơ bản, phương pháp này được sử dụng chung cho hầu hết mọi loại ống nhựa PVC và cũng được giới thiệu cho mọi học viên trong các lớp dạy chế tạo kính thiên văn của HAS. Bước 1: Vệ sinh, lau chùi sạch sẽ ống nhựa. Bước 2. Xác định vị trí cắt ống, sau đó vẽ 1 vòng tròn lấy dấu trên thân ống tại vị trí cắt ống như minh hoạ trong hình:

Lấy dấu là công đoạn vô cùng quan trọng khi cắt ống, nó đảm bảo cho việc cắt ống được phẳng và chính xác. Để lấy được dấu như hình trên, chúng ta cần 1 dải bìa và 1 bút dạ dầu đầu kim, cách làm tuần tự như sau:

+ Dùng dải bìa quấn 1 vòng quanh thân ống nhựa như trong hình, đặc biệt lưu ý mép dải bìa chỗ tiếp ráp nhau phải thẳng hàng, ngay ngắn, không bị xô lệch.

+ Giữ chặt dải bìa, lấy mép dải bìa làm điểm tựa, dùng bút dạ kim vẽ một vòng tròn quanh thân ống nhựa:

+ Bỏ tờ bìa ra, ta được một vòng tròn hoàn chỉnh như dưới hình:

Bước 3: Cắt ống nhựa. Đối với những bạn mới làm kính lần đầu, đây là công đoạn khó nhất. Các bạn nên chuẩn bị một chiếc ghế (hoặc tấm gỗ) có gờ vuông góc như trong hình trên cùng để làm điểm tựa chắc chắn cho dễ cắt ống. Đầu tiên đặt lưỡi cưa sát vạch dấu, cách khoảng 1-2mm (tuyệt đối không được cưa đè lên vạch dấu đó). Sau đó kéo nhẹ lưỡi cưa để lưỡi cưa “ăn” dần vào ống nhựa. Sau khi đã cưa sâu vào khoảng 0,5mm, các bạn vừa xoay ống nhựa vừa cưa dần tạo “rãnh” cho đến khi nào hết 1 vòng ống thì thôi, sau đó mới cưa đứt ống theo vệt cưa ban đầu. Lưu ý không được giữ nguyên ống và cưa thẳng một mạch từ trên xuống dưới vì làm như vậy rất dễ bị lệch đường cắt.

Sau khi cưa đứt ống, chúng ta sẽ có đoạn ống mới nham nhở như ở dưới đây, các bạn có thể thấy vạch dấu vẫn còn nguyên vẹn sau khi cắt ống, như vậy là OK.

Để loại bỏ những vết nham nhở trên, các bạn sẽ dùng giũa sắt để giũa chúng đi. Nhựa PVC là chất liệu khá mềm để mài giũa, sau khi đã giũa hết vết nham nhở đến sát vạch dấu như hình dưới đây là công việc cắt ống đã đạt yêu cầu.

Để vết cắt mịn và phẳng tuyệt đối, các bạn nên mài lại lần nữa trên giấy ráp. Muốn biết vết cắt có thẳng góc hay không, các bạn nên quấn dải bìa giấy như hướng dẫn ở trên để kiểm tra lại.

3. Hướng dẫn kỹ thuật khoan lỗ, bắt vít ghép nối các bộ phận với nhau

Muốn có được lỗ khoan đẹp, tốt nhất là sử dụng khoan tay cùng bộ mũi khoan nhiều cỡ khác nhau. Nếu không có điều kiện thì đành phải dùng dùi nhọn để dùi lỗ, các bạn cũng nên chuẩn bị 2-3 cái dùi có kích thước khác nhau, tuỳ thuộc vào kích thước của ốc vít định sử dụng. Đối với ống nhựa PVC, các bạn nên dùng nan hoa xe đạp, xe máy giũa hoặc mài thật nhọn, sắc để làm dùi. Với những loại ống dày khó dùi, các bạn có thể hơ nóng dùi trên lửa trước rồi mới dùi sẽ dễ dàng hơn, tuy nhiên cũng không nên quá lạm dụng phương pháp hơ nóng vì trong một số trường hợp, việc hơ nóng dùi để dùi lỗ có thể làm biến dạng bề mặt ống PVC.

Sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu phương pháp bắt vít ghép 2 bộ phận khác nhau của kính thiên văn lại với nhau. Mục tiêu đặt ra là phải làm thế nào để ghép 2 bộ phận cố định chặt, khít với nhau, nhưng khi cần thiết, chúng ta vẫn có thể tháo ra và lắp lại một cách dễ dàng (vì đó là việc thường xuyên phải làm). Chúng tôi sẽ hướng dẫn ghép bộ chỉnh nét vào thân ống kính để làm ví dụ:

Trước tiên, chúng ta phải chọn loại vít có kích thước, chiều dài phù hợp cho việc bắt vít 2 bộ phận trên. Những vít này có kích thước khá nhỏ nên cũng hơi khó kiếm, các bạn có thể tận dụng các loại vít gỡ ra từ đồ chơi trẻ em. Tiếp theo là chọn mũi khoan: Các bạn lưu ý, trong trường hợp này, thân ống kính bọc ra ngoài bộ chỉnh nét, vì vậy chúng ta sẽ phải khoan lỗ to trên thân ống kính và lỗ nhỏ trên thân bộ chỉnh nét, sao cho chiếc vit đút lọt thoải mái qua thân ống kính, sau đó sẽ bắt ren trực tiếp vào bộ chỉnh nét. Muốn thế cần có 2 mũi khoan, 1 chiếc nhỏ hơn mấy cái vít trên, chiếc còn lại thì phải có kích thước to hơn mấy cái vít một tí.

Bước tiếp theo, gá chặt bộ chỉnh nét vào thân ống kính, nếu nó không chặt thì có thế dán băng dính cố định 2 bộ phận lại với nhau, dùng búi dạ đánh dấu vị trí khoan lỗ (thường là 3 vị trí chia đều trên chu vi ống kính), sau đó dùng mũi khoan nhỏ để khoan thẳng qua 2 lớp nhựa. Các bạn nhớ phải đánh dấu vị trí 2 bộ phận trên sao cho khi gỡ ra rồi lắp lại mấy cái lỗ khoan của 2 bộ phận đó phải hoàn toàn khớp với nhau

Tiếp theo, gỡ 2 bộ phận ra, dùng mũi khoan to khoan lại vào 3 lỗ nhỏ của thân ống kính sao cho có thể đút lọt thỏm con vít vào đó:

Cuối cùng, ghép 2 bộ phận lại với nhau theo đánh dấu ban đầu, lắp 3 con vít vào, vặn tạo ren trực tiếp lên bộ chỉnh nét, như vậy là ta đã ghép hoàn chỉnh 2 bộ phận lại với nhau.

Phần II. Hướng dẫn làm Kính thiên văn khúc xạ D60f900mm từ bộ linh phụ kiện của HAS:

1. Nguyên vật liệu: – Bộ vật kính D60f900mm kèm giá đỡ – Bộ chỉnh nét (focuser) dành cho kính KX 60mm – Kính tìm mục tiêu (finder scope) 5×24 – Gương chéo đổi góc chuẩn 1,25″ – 1 hoặc 2 thị kính chuẩn 1,25″ tiêu cự 20mm hoặc 12,5mm (càng nhiều càng tốt) – 1 đoạn ống PVC 60 loại C1 dài khoảng 70cm (làm thân ống kính) – 1 đoạn ống PVC 60 loại C0 (mỏng) dài 5cm. Lưu ý ống 60-C0 chỉ dày dưới 1mm, nếu không sẽ không sử dụng được. – 1 đoạn ống PVC cỡ 76-C2 (dày 2mm) dài 17cm (làm choá chống loá) – 1 đoạn ống PVC 76-C0 (dày 1mm) dài 5cm – 02 bộ ốc vít cỡ 4mm dài 3cm (để gắn finder) – 04 hoặc 06 con vít nhỏ, tốt nhất nên chọn vít có mũ hình nón ngược để có thể bắt chìm vào ống nhựa – 01 tuýp Keo dán ống nhựa PVC – 1 hoặc 2 đai xiết kim loại cỡ (đường kính) 65mm hoặc lớn hơn một tí

2. Hướng dẫn làm Kính thiên văn Trước tiên các bạn sẽ cắt ống 60-C1 thành 1 đoạn dài 67cm và 1 đoạn ống 60-C0 dài 5cm. Sau đó, câc bạn cắt ống 70-C2 thành 2 đoạn lần lượt có chiều dài 4-5cm và10-12cmcm; cắt ống 70C0 thành 1 đoạn dài 5cm. Sau khi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ và cắt xong ống, chúng ta có những thứ sau:

Trong hình trên, ống 76-C2 được tôi cắt thành 2 đoạn dài 11cm và 5cm, đoạn 76-C2 hơi bị loe ra một tí vì đó là phần đầu của cây ống nhựa, nó được dùng làm choá chống loá nên loe ra càng đẹp.

Nhiệm vụ tiếp theo là ghép bộ vật kính D60f900 và bộ chỉnh nét (focuser) vào 2 đầu của đoạn ống 60-C1 dài 67cm. Do đặc điểm kích thước của bộ vật kính D60f900 và bộ chỉnh nét không thể gắn trực tiếp vào ống PVC 60, chúng ta cần đoạn ống 60-C0 5cm và đoạn ống 76-C0 5cm làm “cầu nối” để lắp ghép chúng với nhau. Với đoạn ống 60-C0 dài 5cm, các bạn cắt đứt nó ra và lồng vào 1 đầu của đoạn ống 60-C1 dài 67cm, chừa ra một đoạn khoảng 1,5cm như hình dưới.

Với đoạn ống 76-C0 dài 5cm, các bạn cắt đứt nó ra, sau đó cắt bỏ đi một đoạn sao cho phần kia có thể bọc vừa khít vào đầu còn lại của đoạn ống 60 dài 67cm (chừa ra 1 đoạn 1cm).

Với phần thừa còn lại của đoạn 70-C0 dài 5cm, chúng ta sẽ cắt 1 dải mỏng vừa đủ để ghép vào chỗ trống ở đầu kia của ống 60-C1 (xem hình minh hoạ ở dưới, chỗ khoanh tròn màu đỏ):

Tiếp theo, các bạn sẽ dùng keo dán nhựa PVC để dán các chi tiết đó vào với nhau, dùng đai xiết để xiết chặt chúng lại và chờ khoảng 15-20 phút để keo khô. Lưu ý chỗ vết đứt của 2 đoạn ống bọc ngoài ống 60-C1 nên để cùng bên đối diện nhau.

Trong lúc chờ keo khô, các bạn sẽ làm tiếp choá chống loá cho kính thiên văn, từ 2 đoạn ống 76-C2 dài 11cm và 5cm. Ta cắt đứt đoạn 76-C2 dài 5cm, cưa đi 1 đoạn ngắn sao cho phần kia nhét vừa vào đầu nhỏ của ống 76-C2 dài 11cm.

Ướm thử bộ vật kính D60f900mm vào xem có vừa không, nếu vừa thì bôi keo dán 2 đoạn ống đó vào nhau.

Sau khi keo khô, các bạn sẽ gá lắp các bộ phận chính lại với nhau như hình dưới đây, như vậy là ta sắp có 1 chiếc kính thiên văn D60f900mm hoàn chỉnh:

– Khoan (dùi) lỗ để bắt ốc ghép cố định bộ vật kính và focuser vào ống 60-C1: Chi tiết cách khoan lỗ bắt vít, xin mời các bạn xem phần hướng dẫn kỹ thuật cơ bản ở trên (Phần I, Mục 3: Hướng dẫn kỹ thuật khoan lỗ, bắt vít ghép nối các bộ phận với nhau).

Bây giờ, chúng ta sẽ lắp bộ Vật kính vào đầu thân ống kính, lấy bút dạ đánh dấu chỗ cần khoan, sau đó tháo bộ vật kính ra để khoan một lỗ nhỏ.

Thành trong của ống nhựa khá mỏng, vì vậy, chúng ta sẽ cắt 2 mẩu nhựa nhỏ rồi dán vào bên trong để gia cố cho nó, chú ý lấy 2 cái kẹp kẹp chúng lại cho khỏi rơi (vì keo ướt). Chờ một lúc cho khô keo thì khoan lại lần nữa cho thủng cả 2 lớp nhựa:

– Tiếp theo, các bạn gắn bộ chỉnh nét (focuser) vào đầu kia của ống 60-C1, đánh dấu 3 vị trí cần bắt vít rồi khoan trực tiếp qua 2 lớp nhựa.

– Khoan lỗ bắt vít cho kính tìm mục tiêu (finder scope): Kính tìm mục tiêu thường được gắn chếch 45 độ (so với đỉnh của bộ chỉnh nét) sang bên trái hoặc bên phải. Nếu bạn thuận mắt trái thì nên gắn nó sang bên phải và ngược lại, nếu bạn thuận mắt phải thì gắn nó sang bên trái. Gắn lệch như vậy sẽ giúp việc tìm mục tiêu được thuận tiện hơn. Trước tiên, các bạn gá finder lên thân ống, dùng bút hoặc dùi nhọn lấy dấu để khoan lỗ.

Các bạn nên chế thêm 1 miếng đệm lót bên trong thành ống như thế này để việc gá lắp 2 con vít giữ scope finder được chắc chắn:

Chọn mũi khoan có kích thước vừa với ốc số 4, khoan 2 lỗ tại vị trí đánh dấu, sau đó luồn 2 con vít từ bên trong thân ống ra ngoài rồi bắt ốc cố định nó lại. Cuối cùng gá finder vào và bắt ốc.

Xong xuôi đâu đó, ghép các bộ phận lại với nhau, ta có 1 Kính thiên văn loại D60f900 hoàn chỉnh. Việc tiếp theo là lắp gương chéo + thị kính vào để test. Nếu thấy chất lượng ảnh nét, focuser vận hảnh trơn tru là đạt yêu cầu.

Sơn chống phản quang bên trong lòng ống kính và choá chống loá. Lòng trong ống PVC thường khá nhẵn, bóng, nếu không sơn chống phản quang bên trong, các tia sáng chiếu xiên sẽ có điều kiện để phản xạ lung tung trong lòng ống và gây mờ, nhiễu hình ảnh, làm giảm độ tương phản của hình ảnh. Có rất nhiều phương pháp chống loá khác nhau, nhưng phương pháp cơ bản nhất là dùng sơn đen không bóng để sơn bên trong lòng ống kính thiên văn. Các bạn cũng có thể dùng giấy ráp đen dán bên trong ống kính thay cho việc sơn đen bên trong.

Sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn cách sơn đen bên trong lòng ống. Các bạn lưu ý phải dùng loại sơn đen không bóng (vì nếu dùng sơn đen bóng thì không có tác dụng gì cả), chúng tôi thường dùng loại sơn xịt loại Pylox hiệu Lazer của hãng Nippon (nếu ở Hà Nội có thể mua ở phố Hàng Quạt , 27k/lọ).

Chúng ta sẽ phải sơn đen bên trong 2 bộ phận là thân ống kính và choá chống loá. Trước khí sơn, phải dùng giấy ráp đánh xước bên trong lòng ống kính để tăng độ bám dính cho sơn. Để đánh xước bên trong ống 60, các bạn dùng giấy ráp quấn quanh đầu 1 đoạn ống 48 (hoặc 1 cái que gỗ), sau đó luồn vào trong ống 60 để chà nhám.

Sau khi đánh xước xong, dùng khăn lau sạch bụi trước rồi mới xịt sơn vào bên trong thân ống kính và choá chống loá.

Sơn trang trí bên ngoài ống kính: Sau khi sơn chống loá bên trong, các bạn nên để khoảng 1 buổi hoặc 1 ngày để sơn khô (tuỳ thời tiết), sau đó chúng ta sẽ sơn trang trí bên ngoài ống kính. Trước khi sơn, các bạn nên tháo rời các bộ phận của kính ra, dùng giấy ráp thật mịn để đánh xước nhẹ thân ống kính để tăng độ bám cho sơn (không dùng giấy ráp thô vì sẽ tạo vết xước to, sơn lên cũng không che hết được). Tiếp theo, dùng bìa cứng bọc lót, che chắn cẩn thận những chi tiết không cần sơn rồi mới tiến hành sơn. Khi sơn, các bạn lưu ý để đầu ống xịt cách xa thân ống nhựa từ 10 đến 20cm, xịt nhẹ và đều lên thân ống. Các bạn có thể sơn mỗi bộ phận một màu khác nhau tuỳ ý.

Tuỳ vào thời tiết, nên chờ cho sơn khô hẳn mới lắp ghép các bộ phận lại với nhau. Khi đó ta sẽ có một thân ống KTV D60f900mm hoàn chỉnh:

NHỮNG CHIẾC KÍNH THIÊN VĂN TỰ CHẾ CỦA CÁC NHÀ THIÊN VĂN NGHIỆP DƯ NHƯ THẾ NÀO.

Đâu sẽ là chiếc kính thiên văn tự chế “nhất”, cùng chia sẻ nào:

Có Nhà Thiên Văn Học Nghiệp Dư nào mong chờ cuộc thi “Bình chọn Kính Thiên Văn Tự Chế” từ Thế Giới Thiên Văn ?

Thegioithienvan.com Facebook.com/thegioithienvan/ Instagram.com/thegioithienvan/