Cách trang trí bàn thờ ngày Tết và những kiêng kỵ cần tránh

Khi trang trí nhà ngày Tết cần chú ý những nguyên tắc phong thủy để giúp gia chủ có được nhiều tài lộc cho cuộc sống gia đình trong năm mới.

Ý nghĩa của việc trang trí bàn thờ ngày Tết

Bài trí bàn thờ là công việc được ưu tiên hàng đầu trong dịp Tết. Thông thường công việc này do chính gia chủ thực hiện để tỏ lòng hiếu kính với những người đã khuất.

Sau lễ cúng “ông Công, ông táo” vào ngày 23 tháng Chạp thì công việc dọn dẹp, trang hoàng bàn thờ thường được bắt đầu thực hiện.

Vì quan niệm rằng đây là thời điểm “thần linh đi vắng”, nên gia chủ tranh thủ sửa sang nơi thờ cúng đón Tết sao cho đến đêm Giao thừa, khi các vị thần linh trở về thì mọi việc đã hoàn tất xong xuôi, đẹp đẽ.

Công việc chủ yếu là dọn dẹp, lau chùi lư đèn, bàn thờ, hóa chân nhang (đốt các chân nhang cũ), treo đèn, kết hoa, bày biện đồ lễ. Các đồ thờ tự lúc này có thể hạ xuống để lau chùi, đánh bóng.

Việc trang trí bàn thờ ngày Tết mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên rất cao quý

Sau khi hoàn tất, gia chủ nấu nước thơm (thường là ngũ vị) để lau lại một lần nữa gọi là “tẩy uế”. Tất cả được sắp đặt lên bàn thờ theo thứ tự, tùy quan niệm từng vùng nhưng tựu chung đều hướng tới mục đích giao hòa, tạo sự gắn kết giữa hai thế giới trần gian hữu hình và tâm linh thiêng liêng. Việc lau dọn, bài trí bàn thờ gia tiên thể hiện sự hiếu kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên.

Đặc biệt, đây cũng là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn, thấm đượm tính nhân văn và đạo lý của người Việt.

>>> Bạn có thể tham khảo: Cách hóa giải vận xui khi lỡ tay làm vỡ gương ngày Tết

Thời điểm thực hiện việc trang trí bàn thờ gia tiên

Theo quan niệm văn hóa Á Đông, nhiều người quan niệm rằng dọn nhà ngày Tết nên thực hiện vào tuần cuối cùng của năm để đưa ông Táo về Trời và chuẩn bị đón các bậc tổ tiên về vui Tết.

Tuy nhiên, chuyên gia phong thủy Phạm Cương lại cho rằng đây chỉ là một trong những quan niệm dân gian. Nếu có thời gian, bạn có thể dọn nhà vào bất kỳ ngày nào cho ngôi nhà luôn gọn gàng, ngăn nắp.

Công việc trang trí bàn thờ gia tiên nên tiến hành từ 23 tháng Chạp đến trước đêm giao thừa

Trong khoảng thời gian từ 23 đến 29 Tết, các gia đình sẽ tiến hànhlau dọn bàn thờ, sửa soạn mâm ngũ quả để mời ông bà tổ tiên về chung vui với cháu con dịp đầu năm mới.

Cách trang trí bàn thờ ngày Tết hợp phong thủy

Bố mẹ nên lưu ý những vấn đề sau để trang trí bàn thờ gia tiên trang trọng và phù hợp nhất.

1. Làm sạch bàn thờ tổ tiên

Việc đầu tiên khi trang trí bàn thờ ngày Tết là vệ sinh làm sạch bàn thờ tổ tiên. Công việc chăm chút bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Vì vậy, bạn cũng nên cẩn thận và tỉ mỉ hơn với các dụng cụ làm sạch bàn thờ.

  • Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng
  • Nước lau bàn thờ bạn nên sử dụng nguồn nước sạch sẽ (có thể dùng nước mưa vì được xem là tinh túy của trời)
Bàn giờ tổ tiên cần bày biện đầy đủ bát hương, hoa quả tươi và đồ cúng

2. Trang trí bàn thờ chính

Trên bàn thờ gia tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ), hai bát hương khác đặt ở bên trái và bên phải tạo nên tư thế tam tài.