Cao tay trị chồng đánh vợ

– “Suốt 7 năm chung sống, hắn cứ điên lên là đánh, cứ chịu đựng thế này không ổn. Tôi quyết định ra công an phường trình báo việc bị chồng hành hung. Khoảng 2 tiếng sau 3 anh công an đến nhà, hắn nhìn thấy công an là sợ tím mặt”, chị kể.

Đừng âm thầm chịu đựng!

Lấy phải một người chồng có máu vũ phu, chị N. H (Cầu Giấy, Hà Nội) ban đầu cũng nhẫn nhịn chịu đựng. Nhưng một buổi “điên máu” chị cũng chống trả, rồi ra phường trình báo công an, không ngờ lại có hiệu quả. Chị bảo, từ ngày công an đến nhà hỏi thăm, chồng chị “lành tính” hắn, có điên cái gì thì cũng chỉ dám đập bàn, đập ghế chứ không dám động tay, chân với chị nữa.

Chị kể: “Suốt 7 năm chung sống, hắn cứ điên lên là đánh, lúc là cái bạt tai, lúc ném cả bát đĩa, ấm chén vào người mình. Đôi lúc muốn ly hôn quách cho xong, nhưng thương đứa con nhỏ, với lại khi bình thường hắn cũng là người chồng tốt, biết kiếm tiền và quan tâm đến con cái. Thế nên mình chịu đựng. Nhưng càng chịu đựng hắn càng làm quá, điên lên là tát, là đạp mình không thương tiếc, cứ vài ba tuần là người mình lại tím bầm vì chồng đánh.

Một lần hắn đi uống rượu về, gây sự với mình, chửi mình thậm tệ. Mình vừa mở miệng ra là hắn xông vào đánh đấm. Điên quá mình cũng đánh lại, hắn mới lấy cái ghế phang mình rất đau, cảm giác không thở nổi. May mà mình mở cửa chạy ra ngoài được. Bình thường mình nghĩ bị chồng đánh thì im cái miệng chứ nói ra chỉ tổ xấu hổ. Nhưng hôm đó đang trong cơn bực tức, mình ra công an phường trình báo là vừa bị chồng hành hung, nhờ các anh can thiệp. Mình về nhà thì thấy ông ấy leo lên giường ngủ rồi.

Khoảng 2 tiếng sau có 3 anh công an đến nhà, mình mới chỉ lên giường bảo đấy các anh xem chồng đi uống rượu về là đánh em ra nông nỗi này. Xong một anh công an quát: “Mời anh đứng dậy làm việc, anh vừa đánh vợ đúng không”. Vừa nhìn thấy công an là mặt hắn tái mét, lắp bắp thanh minh là vì thế nọ, thế kia. Mấy anh công an bắt hắn làm tường trình và nhắc nhở lần sau không được dùng bạo lực với phụ nữ, nếu còn tái phạm sẽ mời lên phường làm việc.

Từ ngày công an đến thăm nhà, hắn lành tính hẳn. Có lúc điên lắm hắn định đánh mình, mình mới bảo anh đánh đi, tôi gọi công an cho anh lên phường làm việc, cho xã hội này biết là anh đánh vợ, thế là hắn tịt, hắn quay ra ném đồ đạc. Sau đó đợi lúc nguôi nguôi, mình mới gửi cho hắn mấy cái điều luật về bạo lực gia đình, tội hành hung người khác, cho hắn đọc mà biết sợ. Với kẻ vũ phu, mình phải cứng rắn mới được”, chị chia sẻ.

{keywords} Ảnh minh họa

Khi bị đánh, hãy mở cửa ra!

Chuyên gia tâm lý Hoàng Kim Thanh (Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa gia đình, Khoa Văn hóa học, ĐH Văn hóa Hà Nội) cho biết, khi bị bạo lực mà cam chịu, chịu đựng thì bạo lực không bao giờ có thể giải quyết được. Người phụ nữ phải can đảm nói ra để nhờ sự can thiệp của hàng xóm, xã hội.

“Khi bị bạo lực, đầu tiên người phụ nữ phải vượt qua rào cản về bạo lực. Đừng xấu hổ, đừng im lặng, phải tìm ra một cách nào đó nói câu chuyện họ bị bạo lực với người xung quanh như người thân, bạn bè, gia đình, cộng đồng. Bởi vì thực sự câu chuyện bạo lực khó nói nhưng sẽ khó giải quyết hơn rất nhiều nếu không có người khác giúp đỡ.

Đừng bao giờ người phụ nữ nghĩ rằng đó là lỗi tại mình, mình có lỗi gì trong chuyện đó, người gây ra bạo lực mới là người có lỗi. Khi nghĩ được như thế thì họ mới dũng cảm đương đầu với chuyện này”, bà Thanh nói.

“Ngay hàng xóm của tôi cũng bị bạo lực. Khi mà bạo lực xảy ra thì điều đầu tiên tôi thấy người phụ nữ làm là chạy ra đóng cửa lại. Đó là một việc rất nguy hiểm. Họ xấu hổ, họ đóng cửa lại để người ngoài không biết đến, nhưng khi họ đóng cửa lại tức là họ không còn con đường chạy thoát khi chuyện nguy hiểm đến với họ. Như thế là không hiểu biết, bản thân họ phải hiểu là khi bạo lực xảy ra thì người gây ra bạo lực đáng xấu hổ chứ không phải là mình. Cho nên, việc đầu tiên người phụ nữ làm là phải mở cửa ra”, bà Thanh kể.

Bà Thanh cho rằng, bạo lực là vấn đề được hình thành trong máu thịt của người đàn ông, hình thành lâu rồi, để thay đổi người đàn ông phải cho họ thời gian và cần có một sự giáo dục nhất định họ mới thay đổi được hành vi. Tất cả phải kết hợp bằng nhiều biện pháp, tác động đến người gây bạo lực mới có thể giải quyết được vì đây là vấn đề vô cùng khó khăn.

“Cần thiết thì người vợ có thể tìm đến những nơi có thể can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ sự an toàn cho họ như công an, chính quyền, nhà tạm lánh. Bản thân họ cũng phải hiểu được những vấn đề liên quan như họ có quyền gì, làm thế nào để tránh được bạo lực khi bạo lực xảy ra, làm thế nào để ông chồng bớt bạo lực, làm thế nào để bảo vệ được bản thân và con cái của mình.

Phải tác động nhiều phía, tác động tới phụ nữ để họ có hiểu biết để đương đầu, đến người đàn ông để họ điều chỉnh hành vi, tác động đến cộng đồng xung quanh để cộng đồng biết và giúp đỡ những người bị bạo lực chứ không thờ ơ cho đó là chuyện riêng”, bà Thanh nói.

Bà Thanh cũng khẳng định, những việc này mà mình nhân nhượng từ đầu thì chắc chắn sau này sẽ lấn tới. Người phụ nữ cần phải tỉnh táo, cần phải dũng cảm để bảo vệ mình.

“Theo một nghiên cứu mà tôi đọc thì những trường hợp khi yêu nhau, chưa đăng ký kết hôn mà đã gây bạo lực với đối tượng là bạn đời, bạn tình của mình thì chắc chắn 100% khi lấy nhau rồi bạo lực sẽ xảy ra và còn tăng lên rất nhiều lần. Bởi vì khi chưa lấy nhau, họ đang giai đoạn trăng mật, giai đoạn chinh phục nhau mà đã giở cái thói côn đồ như thế rồi thì sau này khi thành vợ chồng rồi, va chạm với nhiều yếu tố khác thì chắc chắn là bạo lực sẽ xảy ra.

Cho nên người phụ nữ phải tỉnh táo, khi yêu có dấu hiệu bạo lực là phải nghĩ đến cuộc sống hôn nhân sau này sẽ có bạo lực gia đình xảy ra khi người chồng có tính đó trong người. Cô ấy dũng cảm là cô ấy có thể cứu vớt được cả cuộc đời mình sau này không phải sống với người gây bạo lực”, bà Thanh chia sẻ.

Kim Minh