Tác dụng chữa bệnh của cây hậu phác | Vinmec

Cách lấy phần vỏ ở thân cây hậu phác dùng làm dược liệu tương tự như cây quế. Sau khi thu được, đem phơi mát trong bóng râm, khi vỏ cây khô lại thì cán thẳng hoặc cuộn thành ống, bảo quản kín để dùng. Hoặc cũng có thể cho vỏ cây đã phơi khô vào nước sôi, sau đó vớt ra để ráo nước rồi tiếp tục phơi khô, hấp mềm, cuối cùng cuộn lại và phơi mát một lần nữa trước khi dùng. Dưới đây là một số bài thuốc từ cây hậu phác thường dùng:

  • Chữa đau bụng vì lạnh: Sắc lấy nước uống các loại dược liệu gồm hậu phác, xích phục linh, gừng tươi, đại táo (mỗi loại 12g), trần bì (8g), thảo đậu khấu (6g), gừng khô, cam thảo, mộc hương (mỗi loại 4g), mỗi ngày 1 thang.
  • Chữa tiêu chảy do cảm: Tán thành bột mịn các loại dược liệu gồm thương truật (10g), hậu phác và trần bì (mỗi loại 6g), chích thảo (3g), sau đó sắc với gừng tươi và đại táo để lấy nước uống 2 lần/ngày.
  • Chữa táo bón kèm chướng bụng: Sắc lấy nước uống các loại dược liệu gồm hậu phác, đại hoàng (mỗi loại 12g), chỉ thực (8g), uống 3 lần/ngày.
  • Chữa chướng bụng do tỳ vị hư hàn: Sắc lấy nước uống các loại dược liệu gồm đảng sâm, bán hạ (mỗi loại 12g), hậu phác, sinh khương, cam thảo (mỗi loại 8g), uống 1 thang/ngày, nên uống lúc còn ấm.
  • Chữa chướng bụng, táo bón, ăn không ngon: Tán thành bột mịn các loại dược liệu gồm chỉ thực, hoàng liên (mỗi loại 15g), hậu phác (12g), bán hạ khúc, nhân sâm (mỗi loại 9g), chích cam thảo, phục linh, bạch truật, mầm mạch (mỗi loại 6g), gừng khô (3g), dùng 3 lần.
  • Chữa hen suyễn, viêm phế quản mạn tính: Sắc lấy nước uống các loại dược liệu gồm thạch cao sống (20g), tiểu mạch (16g), hạnh nhân, bán hạ (12g), hậu phác (8g), ma hoàng, ngũ vị tử (mỗi loại 4g), gừng khô, tế tân (mỗi loại 2g), uống 1 thang/ngày khi nước còn ấm.
  • Chữa ra mồ hôi, sợ lạnh: Sắc lấy nước uống các loại dược liệu gồm hậu phác, quế chi, bạch thược, gừng tươi, đại táo, hạnh nhân (mỗi loại 12g) và cam thảo (4g), uống 1 thang/ngày.
  • Chữa đau bụng: Tẩm hậu phác với nước gừng rồi nướng hoặc sao vàng, sau đó tán mịn. Pha với nước sôi ấm để uống khoảng từ 2 – 3 lần/ngày.
  • Chữa đau bụng, viêm ruột: Sắc lấy nước uống các loại dược liệu gồm hậu phác (6g), chỉ thực và đại hoàng (mỗi loại 3g), nước (600ml), đến khi còn 300ml thì chia uống 3 lần/ngày, 1 thang/ngày.
  • Chữa khó tiêu: Tán bột mịn các loại dược liệu gồm hậu phác, thủy xương bồ, củ sả, cỏ gấu sao, vỏ quýt (mỗi loại 100g), gừng khô và quế khâu (mỗi loại 50g), mỗi lần pha 1 muỗng cà phê với nước để uống, uống sau khi ăn và trước lúc ngủ, uống 2 – 3 lần/ngày.
  • Chữa chứng hay táo bón: Tán bột mịn hậu phác sau đó trộn với ruột heo đã nấu chín, vo tròn thành viên cỡ bằng hạt bắp. Sắc với nước gừng, uống 30 viên/lần.
  • Chữa tiêu chảy, đau bụng: Tán bột mịn can khương và hậu phác, sau đó trộn với mật rồi vo viên, uống chung với nước cơm mỗi 50 viên/lần.
  • Chữa tắc kinh: Sao hậu phác (120g), sau đó thái lát, sắc lấy nước (300ml) đến khi còn 100ml, uống 2 lần/ngày khi bụng đói, liều dùng 1 thang/ngày.
  • Chữa thổ tả, đau bụng: Sao hậu phác với nước gừng, sau đó tán bột mịn. Pha với nước giếng để uống, 8g/lần.
  • Chữa đau bụng hay đi ngoài: Sắc lấy nước uống các loại dược liệu gồm hậu phác, đại hoàng (mỗi loại 12g), chỉ xác (8g), uống 1 thang/ngày khi nước còn nóng.
  • Chữa rối loạn tiêu hóa: Sắc lấy nước uống các loại dược liệu gồm hậu phác, xích phục linh, đại táo, sinh khương (mỗi loại 10g), trần bì (6g), thảo khấu (5g), cam thảo, mộc hương, can khương (mỗi loại 3g), uống 1 thang/ngày.
  • Chữa phân lổn nhổn thức ăn, kiết lỵ: Sắc lấy nước uống hậu phác và hoàng liên (mỗi loại 120g), nước 300ml, đến khi còn 100ml thì để ấm và uống 1 thang/ngày.