Siêu âm tuyến giáp: Quy trình, ở đâu và giá bao nhiêu? Tâm Anh

Siêu âm tuyến giáp là kỹ thuật sử dụng sóng âm tần số cao để ghi nhận hình ảnh của tuyến giáp ở cổ. Kỹ thuật này được sử dụng để đánh giá các cấu trúc dạng nang hay nhân đặc trong tuyến giáp được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ hay trên các bệnh nhân có triệu chứng liên quan tuyến giáp. Trường hợp nghi ngờ có khối u ác tính, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm các xét nghiệm nhằm xác định chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Siêu âm tuyến giáp là gì?

Siêu âm tuyến giáp là kỹ thuật siêu âm ghi nhận hình ảnh của tuyến giáp và các cấu trúc lân cận ở cổ. Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ ngay trên xương đòn, có hình dạng giống như con bướm; mỗi thùy nằm ở hai bên cổ và được nối với nhau bởi một dải mô hẹp (eo tuyến giáp). Đây là một trong các tuyến nội tiết nằm rải khắp cơ thể sản xuất và phóng thích các hormone tuyến giáp vào máu. (1)

Lợi ích của siêu âm tuyến giáp

Tuyến giáp tạo ra hormone tuyến giáp, giúp điều chỉnh những chức năng khác nhau của cơ thể, bao gồm cả nhịp tim đập. Khoảng 5 – 10% người lớn sẽ có những nốt nhỏ trong tuyến giáp mà bác sĩ có thể phát hiện được khi khám. Trường hợp, các nốt này có kích thước quá nhỏ, không thể sờ thấy thì siêu âm sẽ giúp phát hiện chúng. Đa số các nốt tuyến giáp là lành tính và không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Chỉ có phần nhỏ trong số này là u ác tính, cần chẩn đoán hoặc điều trị thêm.

Các lợi ích khác của siêu âm tuyến giáp bao gồm:

    • Là một kỹ thuật không xâm lấn (không dùng kim tiêm hoặc thuốc tiêm), an toàn và không sử dụng bức xạ
    • Cho hình ảnh rõ ràng về các mô mềm không hiển thị rõ trên hình ảnh X quang
    • Cung cấp hình ảnh thời gian thực, hữu ích trong việc hướng dẫn các thủ thuật xâm lấn tối thiểu như sinh thiết bằng kim nhỏ hay chọc hút.

Những hạn chế của siêu âm tuyến giáp

Kỹ thuật siêu âm tuyến giáp có mặt hạn chế trong việc đánh giá phân biệt nốt hay khối ở tuyến giáp là lành tính hay ác tính. Khi ấy, bác sĩ sẽ yêu cầu sinh thiết bằng kim nhỏ để đánh giá thêm. Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ được theo dõi và chỉ định thực hiện siêu âm lại sau một vài tháng để chắc chắn tuyến giáp đang ổn định.

Không thể xác định chức năng tuyến giáp đang hoạt động ở tình trạng kém, bình thường hay hoạt động quá mức. Để xác định điều này, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm định lượng hormone tuyến giáp hoặc xét nghiệm hấp thu iốt phóng xạ.

Khi nào nên siêu âm tuyến giáp?

Siêu âm tuyến giáp thường được sử dụng nhằm mục đích:

    • Xác định một khối u ở cổ do tuyến giáp hay một cấu trúc lân cận tạo ra
    • Phân tích sự xuất hiện của các u tuyến giáp và xác định u đó là lành tính hay có nguy cơ ác tính cần phải thực hiện sinh thiết
    • Tìm kiếm thêm các nốt ở những người có một hoặc nhiều nốt được tìm thấy khi khám sức khỏe
    • Theo dõi đánh giá kích thước khối u tuyến giáp
    • Sử dụng để hướng dẫn việc đặt ống thông hoặc thiết bị dẫn lưu khác nhằm đảm bảo sự an toàn và vị trí chính xác

Đối tượng chỉ định

Việc tầm soát định kỳ để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời cần phải được thực hiện với các đối tượng có nguy cơ cao:

  • Phụ nữ từ sau độ tuổi 30 cần tầm soát ung thư tuyến giáp theo định kỳ đầy đủ và thường xuyên.
  • Người có chế độ ăn uống “vắng bóng” i-ốt
  • Người bị khàn tiếng, đau họng, thay đổi giọng nói đột ngột
  • Người có người thân trong gia đình mắc bệnh về tuyến giáp như ung thư biểu mô tuyến giáp…
  • Người có những dấu hiệu nghi ngờ ung thư tuyến giáp như hạch/u ở cổ, khó nuốt, khó thở…
  • Người bị phơi nhiễm các chất phóng xạ, chất độc hóa học ở mức cao.

Ngoài ra, bạn cũng cần chủ động thực hiện siêu âm tuyến giáp khi cơ thể có các biểu hiện sau:

    • Ngón tay run rẩy, trạng thái kích thích, căng thẳng… dấu hiệu của tăng chức năng tuyến giáp
    • Khả năng tập trung kém, rối loạn tri giác: nồng độ hormon tuyến giáp gia tăng (cường giáp) hay giảm (suy giáp) có thể làm ảnh hưởng đến chức năng thần kinh. Nếu suy giáp khiến người bệnh thường cảm thấy buồn rầu và chán nản thì cường giáp có thể dẫn đến kém tập trung.
    • Rối loạn kinh nguyệt: suy giáp thường đi kèm biểu hiện rong kinh còn cường giáp lại được đặc trưng bởi tình trạng thiếu kinh.
    • Tăng cân: Tình trạng này xảy ra là do chức năng tuyến giáp hoạt động kém, gây trì hoãn quá trình chuyển hóa và trao đổi chất.
    • Cholesterol cao trong máu có thể xảy ra ở những người bị suy giáp
    • Cơ thể phù nề, xuất hiện tình trạng giữ nước
    • Nhịp tim tăng nhanh, cảm giác hồi hộp có thể là biểu hiện của cường giáp
    • Đau nhức cơ
    • Khả năng chịu nóng kém (cường giáp), không thể chịu lạnh (suy giáp)

Quy trình siêu âm tuyến giáp

1. Chuẩn bị trước khi siêu âm

Thủ tục này yêu cầu ít hoặc không cần chuẩn bị đặc biệt. Để đồ trang sức ở nhà và mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.

2. Tiến hành siêu âm tuyến giáp

    • Bạn nằm ngửa trên bàn khám, có thể nghiêng người qua trái-phải hoặc thay đổi tư thế theo yêu cầu của bác sĩ. Điều này nhằm mục đích có được hình ảnh chất lượng tốt nhất.
    • Bác sĩ thoa một lớp gel lên vùng cần kiểm tra và đặt đầu dò tại vị trí đó. Gel cho phép sóng âm truyền qua lại giữa đầu dò và khu vực được kiểm tra.
    • Hình ảnh siêu âm được hiển thị trên màn hình.

3. Đọc kết quả

    • Khi quá trình siêu âm hoàn tất, lớp gel sẽ được lau sạch. Phần gel chưa được lau sẽ khô ngay sau đó. Bạn không lo gel làm ố màu quần áo.
    • Bạn sẽ ra ngoài ngồi chờ nhận kết quả hình ảnh siêu âm.
    • Khi hình ảnh được in ra, bác sĩ tờ giấy kết quả có chữ ký của mình.
    • Bạn sẽ đem kết quả này cho bác sĩ khám bệnh ban đầu và bác sĩ điều trị sẽ tư vấn về kết quả siêu âm với bạn.
    • Trường hợp có bất thường xảy ra, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện các kỹ thuật kiểm tra khác để chắc chắn về tình trạng mà bạn đang mắc phải.

Câu hỏi liên quan đến siêu âm tuyến giáp

1. Giá siêu âm tuyến giáp là bao nhiêu?

Siêu âm tuyến giáp có mức giá thông thường khoảng 800.000-1.000.000 đồng. Tuy nhiên, tại các bệnh viện có hệ thống máy móc hiện đại, dịch vụ thăm khám cao cấp thì mức giá có thể cao hơn. Ngoài ra, nếu cần phải thực hiện các xét nghiệm bổ sung thì người bệnh cần phải dự trù thêm một khoản phí cho những xét nghiệm này.

2. Siêu âm tuyến giáp ở đâu?

Tại các bệnh viện lớn có chuyên khoa Chẩn đoán Hình ảnh đều có dịch vụ siêu âm tuyến giáp. Không chỉ sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, những bệnh viện này còn có đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên dày dặn kinh nghiệm trong việc xử lý và đọc hình ảnh. Qua đó, người bệnh có thể dễ dàng và nhanh chóng biết được tình hình sức khỏe hiện tại của tuyến giáp.

Hệ thống máy siêu âm Acuson Sequoia tại Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh BVĐK Tâm Anh còn hỗ trợ những tính năng siêu âm cao cấp như đàn hồi mô với công nghệ xung lực bức xạ âm ARFI gồm định lượng đơn điểm pSWE và đa điểm 2D SWE, giúp đánh giá nhanh chóng độ đàn hồi của tổn thương tuyến giáp, mô vú cũng như mức độ xơ hóa gan không xâm lấn, bổ sung thông tin hỗ trợ chẩn đoán của bác sĩ lâm sàng.

3. Siêu âm tuyến giáp có đau không?

Hầu hết các kỹ thuật kiểm tra siêu âm không đau, nhanh chóng và dễ dàng. Quá trình siêu âm tuyến giáp thường diễn ra trong khoảng 10-15 phút.

Trong khi siêu âm, bạn có thể phải ngửa cổ cao hay nghiêng sang phải hoặc trái giúp bác sĩ thực hiện thao tác dễ dàng và chẩn đoán chính xác hơn. Nếu bạn cảm thấy đau ở cổ, hãy thông báo cho họ để điều chỉnh tư thế thoải mái nhất cho bạn trong lúc siêu âm.