Đây là thời điểm vàng để cai bú bình cho trẻ nếu không muốn con bị sâu răng hay răng hô

Nhà Xinh Plaza mời các bạn xem ngay kiến thức rất hay về Khi nào nên cai bú bình cho bé hay nhất được tổng hợp bởi Nhà Xinh Plaza, đừng quên chia sẻ bài viết thú vị này nhé!

Chúng ta đều biết rằng, sữa là một nguồn dinh dưỡng quan trọng cho bé đặc biệt là trong những năm tháng đầu đời. Trẻ cần được bú sữa mẹ, sữa công thức hoặc kết hợp cả 2 loại này để có đủ dinh dưỡng phát triển cơ thể và não bộ nhất là trong 12 tháng đầu khi hệ răng và hệ tiêu hóa của bé chưa sẵn sàng để cung cấp các dưỡng chất cho bé thông qua việc ăn dặm. Mặc dù nhiều bé đặc biệt yêu thích việc bú bình và coi đây là nguồn dinh dưỡng chính của mình nhưng cũng sẽ đến lúc mẹ phải thực hiện cai bú bình cho bé. Thế nhưng khi nào thì cần cai bú bình cho bé là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ.

Theo các chuyên gia về vấn đề cho con bú thì việc cai bú bình quá sớm hay quá muộn đều không tốt cho trẻ. Bác sĩ Emily Silver, một chuyên gia tư vấn về vấn đề cho con bú tại Boston (Mỹ) đã viện dẫn khuyến nghị của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ về việc hãy bắt đầu cai bú bình cho bé khi trẻ được 12 tháng tuổi và kết thúc quá trình này khi trẻ được ít nhất 18 tháng tuổi. Thông thường, các bác sĩ nhi khoa sẽ khuyên các mẹ bắt đầu dừng cho con bú bình khi trẻ được 1 tuổi bằng cách cho con bạn thử với một chiếc cốc (ca) tập uống khi bé được 6 – 9 tháng tuổi trong đó có đổ đầy sữa mẹ, sữa công thức hoặc nước. Bé sẽ quen dần với việc sử dụng loại cốc này thay vì bình sữa.

Bác sĩ nhi khoa Gina Posner hiện đang làm việc ở California (Mỹ) cũng đồng ý rằng, sau khoảng tháng thứ 6, việc cho bé làm quen dần với cốc tập uống là một ý tưởng tuyệt vời. Theo bà, trẻ càng cảm thấy thoải mái với việc sử dụng cốc khi được 1 tuổi thì quá trình cai bình sữa của trẻ sẽ càng dễ dàng hơn. Và cũng giống như bác sĩ Silver, bác sĩ Posner đồng ý rằng mẹ nên kết thúc quá trình cai bú bình cho bé khi trẻ được 18 tháng tuổi.

Quá trình cai bình của trẻ không hề dễ dàng vì nó phụ thuộc vào từng đứa trẻ. Một số đứa trẻ cảm thấy vô cùng yêu thích và gắn bó với bình sữa của mình và chúng sẵn sàng chiến đấu vì nó trong khi những đứa trẻ khác thì vẫn cảm thấy rất ổn khi bỏ bình. Và để làm cho giai đoạn này trở nên dễ dàng hơn, các chuyên gia khuyên mẹ hãy bắt đầu bằng cách sử dụng những chiếc cốc tập uống tương tự như bình sữa. Một số bé sẽ thích loại có ống hút, nhưng một số khác lại không biết cách phải dùng chúng như thế nào. Vì vậy, mẹ hãy chịu khó thử một vài loại khác nhau để xem em bé của bạn thích loại nào nhất nhé.

Muốn quá trình cai bú bình thành công, bố mẹ cũng không nên vội vàng. Hãy từ từ giảm dần số lượng bình sữa bạn cho bé bú trong ngày và bắt đầu thay thế những lần đó bằng một cốc sữa hoặc một bữa ăn dặm nhẹ. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, mẹ nên lựa chọn thay thế một số bữa sữa trong ngày trước vì nó ít quan trọng hơn và nhiều trẻ có xu hướng thích bú bình vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Dần dần, mẹ có thể bỏ những bình buổi sáng hoặc buổi tối cho đến khi bé có thể bỏ bú bình hoàn toàn.

Nếu việc cai sữa quá sớm có thể cắt mất nguồn dinh dưỡng quan trọng của trẻ thì việc cho con bú bình khi trẻ qua 18 tháng tuổi cũng gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe của trẻ. Tiến sĩ Erin Issac, một nha sĩ nhi khoa làm việc tại Pittsburgh (Mỹ) đã giải thích rằng, việc cho trẻ bú bình kéo dài, đặc biệt là việc cho bé bú bình về ban đêm, dù trong bình có bất kỳ thứ gì ngoài nước (như sữa, nước hoa quả…) thì đều có thể làm tăng nguy cơ sâu răng cho trẻ.

Ban đêm là khoảng thời gian mà vi khuẩn hoạt động mạnh trong khoang miệng, trong khi đó, dù sữa mẹ, sữa công thức hay nước hoa quả đều có chứa lượng đường nhất định và nó có thể khiến trẻ bị hỏng men răng, sâu răng. Tất nhiên là những rủi ro không chỉ có vậy. Việc trẻ bú bình quá lâu còn có thể ảnh hưởng tới cấu trúc và hình dạng của xương hàm trên và vòm miệng. Và vì thế, nhiều trẻ có nguy cơ bị răng hô do bú bình quá lâu.

Như vậy, nếu con bạn đã được một tuổi và vẫn đang bú bình thì đây chính là thời điểm bạn phải lên kế hoạch về việc cai bú bình cho trẻ. Với mỗi một đứa trẻ mẹ nên áp dụng cách thức khác nhau cho phù hợp và quá trình cai bình cần được tiến hành dần dần từng bước một để tránh gây sốc cho trẻ đặc biệt khi chúng chưa thực sự sẵn sàng. Và dù đây là một giai đoạn khá khó khăn nhưng mẹ hãy tin rằng bé nào cũng sẽ vượt qua và việc trải qua giai đoạn này còn dễ chịu hơn rất nhiều so với việc trả tiền cho việc chỉnh nha của bé sau này.

Nguồn: Romper