Miệng Đắng và Hôi Là Bị Gì? Gây Ra Ảnh Hưởng Gì?

Miệng đắng và hôi là triệu chứng thường gặp khi mắc các bệnh lý ở tuyến nước bọt, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm nấm hay tổn thương thần kinh. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra nhiều hệ lụy, khiến người bệnh chán ăn, mệt mỏi, chất lượng sống giảm sút và mất tự tin trong giao tiếp hàng ngày.

Triệu chứng miệng đắng và hôi

Nhiều người luôn có cảm giác hơi thở và khoang miệng có mùi hôi kèm theo tình trạng đắng miệng vô cùng khó chịu. Một số trường hợp chỉ bị đắng miệng khi ăn một số thực phẩm nhất định nhưng có người lại xuất hiện cảm giác này với mọi đồ ăn. Chính vì điều này, bữa ăn dù có mỹ vị đến đâu cũng không khơi dậy được cảm giác ngon miệng.

Miệng Đắng và Hôi
Miệng đắng và hôi khiến bạn khó chịu cũng như mất cảm giác ăn uống ngon miệng

Tình trạng đắng và hôi miệng đôi khi còn xuất hiện kèm theo các triệu chứng khác như:

  • Đau đầu
  • Ợ nóng, ợ chua
  • Chóng mặt
  • Đỏ mặt
  • Rêu lưỡi vàng
  • Nước tiểu có màu đỏ
  • Táo bón
  • Buồn nôn hoặc nôn ói
  • Chán ăn
  • Ăn không tiêu…

Hiện tượng đắng miệng hôi miệng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến việc ăn uống mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như chất lượng sống của bạn. Cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và khắc phục tình trạng này càng sớm càng tốt.

Miệng đắng và hôi là bệnh gì?

Các nguyên nhân gây miệng đắng hơi thở thôi khá phong phú. Đây có thể là triệu chứng cảnh báo các bệnh lý sau:

Các vấn đề ở tuyến nước bọt:

Nhiễm trùng tuyến nước bọt, u tuyến và nhiều vấn đề khác đều có thể làm giảm tiết nước bọt. Tình trạng này khiến cho miệng bị khô và hôi do khoang miệng không được làm sạch trong khi hại khuẩn cũng có cơ hội phát triển mạnh. Ngoài ra, một số người còn thường xuyên cảm nhận được vị đắng trong miệng, nhất là khi sử dụng một loại thực phẩm, đồ uống nhất định.

Rối loạn nội tiết:

Tình trạng rối loạn nội tiết thường xảy ra ở phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh hay thanh thiếu niên tuổi dậy thì. Sự biến đổi của hormone trong cơ thể làm ảnh hưởng đến các giác quan khiến nhiều người cảm thấy có vị đắng hoặc vị kim loại trong miệng.

Ngoài ra, rối loạn hormone còn gây rối loạn hoạt động bài tiết nước bọt và làm giảm sức đề kháng khiến cho vi khuẩn trong khoang miệng sinh sôi mạnh hơn. Điều này dẫn đến hôi miệng và nhiều vấn đề khác như viêm nha chu, sưng nướu răng, viêm lợi… Tuy nhiên, chị em không nên quá lo lắng vì tình trạng này thường được cải thiện sau khi nội tiết tố ổn định trở lại.

Hội chứng bỏng rát miệng

Ở những người mắc hội chứng này, niêm mạc miệng thường xuyên có cảm giác bỏng rát như mới ăn đồ cay. Kèm theo đó còn xuất hiện tình trạng miệng đắng và hôi. Các triệu chứng trên có thể chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn nhưng đôi khi lại trở thành mãn tính.

Mãn kinh:

Đắng miệng hôi miệng có thể là dấu hiệu cảnh báo phụ nữ trung niên đã bước vào giai đoạn mãn kinh. Lúc này, nồng độ nội tiết tố estrogen bị suy giảm mạnh dẫn đến nhiều triệu chứng bất thường như khô miệng, hôi miệng, đắng miệng, rụng tóc, bốc hỏa trong người, da khô sạm, bỏng rát miệng…

Nhiễm nấm gây miệng đắng hơi thở hôi:

Bệnh nấm miệng do nấm men gây ra. Chúng khiến niêm mạc miệng, lưỡi hay cổ họng bị viêm đỏ, xuất hiện nhiều đốm trắng. Các triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện, bao gồm đắng miệng, hơi thở có mùi hôi, nhai nuốt thức ăn thấy đau.

nguyên nhân đắng miệng hôi miệng
Nhiễm nấm có thể gây đắng miệng hôi miệng và nhiều triệu chứng bất thường khác

Bệnh ở thần kinh:

Tình trạng viêm nhiễm, tổn thương ở một số dây thần kinh kết nối trực tiếp với vị giác hay tuyến nước bọt có thể gây rối loạn vị giác và giảm tiết nước bọt. Đắng miệng, hôi miệng được xem là một hậu quả tất yếu, nhất là khi mắc các bệnh lý như u não, đa xơ cứng, liệt mặt, viêm dây thần kinh, động kinh…

Trào ngược dạ dày thực quản:

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi axit cùng dịch vị trong dạ dày bị trào ngược lên trên thực quản hoặc lên miệng. Hiện tượng này khiến bệnh nhân phải đối mặt với nhiều triệu chứng khó chịu như:

  • Nóng rát ở ngực và bụng
  • Đau thượng vị
  • Đắng miệng hoặc có vị chua trong miệng
  • Buồn nôn hoặc nôn ói
  • Ợ chua
  • Ăn không tiêu
  • Hôi miệng.

Bệnh ở đường hô hấp

Đôi khi, tình trạng miệng đắng, hơi thở hôi có thể xuất phát từ các bệnh lý ở đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh hay viêm xoang… Người bệnh nên cảnh giác với các bệnh lý ở đường hô hấp khi có các triệu chứng khác như nghẹt mũi, đau họng, ho, nhức đầu, chảy nhiều nước mũi.

Nguyên nhân gây miệng đắng hơi thở hôi khác

Bên cạnh các bệnh lý, tình trạng đắng miệng hôi miệng có thể khởi phát do những nguyên nhân khác như:

  • Căng thẳng quá mức: Stress kéo dài làm rối loạn hoạt động bài tiết nước bọt và khiến bị giác bị thay đổi, từ đó dẫn đến cảm giác đắng miệng, miệng khô và có mùi hôi.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Bao gồm thuốc tim mạch, thuốc lithium, kháng sinh, các chế phẩm bổ sung sắt, kẽm, đồng… Thành phần của thuốc có thể đi vào tuyến nước bọt, làm vị giác thay đổi. Bản chất một số loại thuốc cũng có sẵn vị đắng khiến bạn khó chịu.
  • Điều trị ung thư: Một số bệnh nhân có miệng đắng và hôi sau khi dùng thuốc hóa trị, xạ trị ung thư. Đây chính là lý do khiến người bệnh chán ăn, ăn uống không ngon miệng.
  • Chăm sóc, vệ sinh răng miệng kém: Răng miệng hay lưỡi không được vệ sinh sạch sẽ có thể gây hình thành mảng bám, vôi răng, sâu răng, nhiễm trùng nha chu, miệng đắng, hơi thở hôi và nhiều vấn đề khác về nha khoa.
  • Ăn nhiều thực phẩm nặng mùi và có vị đắng: Cảm giác đắng và hôi miệng có thể xuất hiện sau khi bạn ăn các thực phẩm nặng mùi kết hợp với đồ ăn có vị đắng, chẳng hạn như hành, tỏi, mướp đắng.
  • Uống ít nước: Thiếu nước khiến nước bọt tiết ra ít dẫn đến khô miệng, hôi miệng, đắng miệng. Ngoài việc uống ít nước, cơ thể bạn có thể bị thiếu nước do nôn ói, tiêu chảy nhiều.
  • Hút thuốc lá: Đây chính là thủ phạm gây ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả tình trạng đắng miệng hôi miệng.

Miệng đắng và hôi có sao không?

Tình trạng miệng đắng hơi thở thôi nếu chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi biến mất thì không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này kéo dài, bạn nên tìm đến bệnh viện thăm khám sớm vì đây có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh lý cần được điều trị sớm. Chưa kể, tình trạng miệng đắng và hôi còn gây ra nhiều hệ lụy như:

miệng đắng hơi thở hôi có ảnh hưởng gì không
Miệng đắng và hôi khiến bạn mất tự tin trong giao tiếp và không thể cảm nhận được mùi vị thơm ngon của thức ăn
  • Ảnh hưởng đến vị giác dẫn đến ăn uống không ngon miệng, chán ăn và thiếu chất dinh dưỡng. Tình trạng này càng trở nên nguy hiểm hơn nếu như đối tượng bị bệnh là trẻ nhỏ.
  • Làm giảm chất lượng sống và sự tự tin trong giao tiếp hàng ngày.
  • Ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người bệnh.

Cách khắc phục đắng miệng hôi miệng

Miệng đắng và hôi phải làm sao cho nhanh hết? Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm. Để nhanh chóng khắc phục được tình trạng miệng đắng hơi thở hôi, trước tiên bạn cần xác định được chính xác “thủ phạm” gây bệnh.

Thông thường, đối với tình trạng đắng miệng hôi miệng xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bằng phương pháp nội khoa hay ngoại khoa tùy theo vấn đề đang gặp phải. Bạn nên tích cực chữa trị bệnh theo đúng phác đồ. Một khi các vấn đề này được kiểm soát thì khoang miệng cũng sẽ dần bớt cảm giác đắng và hôi. Hãy tái khám thường xuyên cho đến khi bệnh được chữa khỏi hoàn toàn.

Khi miệng đắng và hôi, bạn cũng có thể áp dụng các mẹo tự nhiên dưới đây để cải thiện:

  • Uống nhiều nước, nhất là sau khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi, bị nôn ói hoặc tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
  • Dùng nước muối sinh lý súc miệng 2- 3 lần trong ngày để diệt khuẩn, giảm bớt mùi hôi và vị đắng trong miệng.
  • Loại bỏ các thực phẩm có vị đắng và gây mùi hôi ra khỏi thực đơn. Thay vào đó, bạn nên tăng cường bổ sung các thực phẩm có khả năng khử mùi, kích thích vị giác như gừng, giấm táo, bạc hà, ngò gai, quế, chanh, mật ong…
  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để giảm trào ngược axit. Không ăn quá nhiều hay quá no trong một bữa. Tránh dùng các thức ăn nhiều dầu mỡ gây khó tiêu, trào ngược dạ dày thực quản.
  • Ngừng hút thuốc lá
miệng đắng và hôi phải làm sao?
Ngưng hút thuốc lá có thể giúp cải thiện tình trạng miệng đắng và có mùi hôi
  • Không lạm dụng bia, rượu
  • Hạn chế sử dụng nước ngọt có gas, cà phê, trà đặc hay các thức uống có tính chất lợi tiểu.
  • Đánh chải răng thường xuyên, sạch sẽ.
  • Tránh để căng thẳng kéo dài.
  • Tập thể dục hàng ngày để cải thiện tâm trạng, thúc đẩy tiêu hóa, nâng cao sức đề kháng và tăng cường tuần hoàn máu đến nuôi dưỡng khoang miệng cũng như các cơ quan khác trong cơ thể. Điều này cũng góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa, cải thiện tình trạng miệng đắng và hôi.

Có thể bạn quan tâm

  • Miệng Bị Khô và Hôi: Nguyên Nhân, Hướng Chữa Trị, Xử Lý
  • Chai Xịt Thơm Miệng Có Tốt Không? Nên Dùng Loại Nào?