Đặc điểm tâm lý trẻ 3 tuổi phát triển thông thường

Khi bé yêu của bạn đã ba tuổi, bé sẽ đáng yêu hơn, lém lỉnh hơn, nhưng cũng vô cùng phức tạp, lắm đòi hỏi, nhiều yêu sách, thậm chí đôi lúc còn có những hành vi khiến bạn không thể chấp nhận được. Khi nói đến tâm lý trẻ 3 tuổi, người ta thường quen với cụm từ “khủng hoảng tuổi lên ba”, bởi bé của bạn có lúc là một thiên thần đáng yêu, nhưng có lúc làm cho bạn có thể tức điên lên vì những đòi hỏi hay những phản ứng không thể ngờ được của bé.

Để nuôi dạy con tốt, bố mẹ cần tìm hiểu những đặc trưng phát triển tâm lý của con trong độ tuổi này, thông qua 5 lĩnh vực: nhận thức, ngôn ngữ, hoạt động chủ đạo, và ý thức bản thân. Hãy cùng tìm hiểu tâm lý trẻ 3 tuổi qua các khoá học nuôi dạy con để từ đó lựa chọn phương pháp giáo dục con phù hợp, định hướng sự phát triển nhân cách toàn diện cho bé.

Sau đây là một số đặc điểm của tâm lý trẻ 3 tuổi:

Thích học theo, bắt chước

Ở tuổi này, trẻ bắt đầu hoàn thiện về thể chất và khả năng hoạt động, trẻ có thể nghe và hiểu hầu hết những điều mà người lớn nói với mình. Trẻ thích tham gia vào nhiều loại hình hoạt động khác nhau. Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu hình thành tính cách, nhận thức, nhân cách của bản thân. Vì vậy, môi trường xung quanh và cách dạy dỗ của bố mẹ chính là những tấm gương, có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, nhân cách tâm lý trẻ 3 tuổi trong tương lai.

Ở giai đoạn này, người gần gũi với bé nhiều nhất, sẽ là người có sức ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý trẻ 3 tuổi. Bé có thể bắt chước người lớn tất cả mọi thứ, từ lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, hành động; cho đến cách biểu hiện cảm xúc, cách ứng xử với người khác. Có đôi khi ta phải giật mình khi thấy trẻ bắt chước những câu nói, những hành động giống y hệt bố hoặc mẹ.

Thích tìm tòi, khám phá

Theo tâm lý trẻ 3 tuổi, trẻ phát triển mạnh mẽ về thể chất và nhận thức. Trẻ bắt đầu tìm, khám phá về những điều mới lạ trong cuộc sống, đây chính là giai đoạn trẻ liên tục đặt ra cho bố mẹ và những người xung quanh trăm ngàn câu hỏi vì sao.

Trẻ cảm thấy điều gì cũng vô cùng mới lạ và thú vị. Điều này, thể hiện sự tích cực tương tác và phát triển bình thường ở trẻ.

Thích tự lập

Khi con lên 3, bé đã có thể tự mình dọn dẹp đồ chơi, thích tự chải tóc, tự mang giày, dép, tự lựa chọn và mặc quần áo… Theo tâm lý trẻ 3 tuổi, bé còn thích dọn mâm bát khi ăn cơm, giúp mẹ úp bát sau khi rửa, bé có thể nhặt rau, phơi và xếp quần áo, quét nhà, tưới cây… nhưng bé chỉ có thể chăm chỉ làm một chút thôi, vì ở độ tuổi này, khả năng tập trung của trẻ chưa cao, nên trẻ sẽ nhanh chán, bên cạnh đó do trẻ chưa có nhiều kỹ năng và sự khéo léo, nên khi làm mọi việc hầu hết đều không tốt.

Tuy nhiên, đó lại là đặc trưng của lứa tuổi, trẻ đang muốn tự lập, muốn được làm việc giống như người lớn. Bố mẹ đừng ngăn cản khi trẻ muốn làm giúp, mà nên khuyến khích trẻ, vừa làm, vừa chỉ dạy thêm cho trẻ, đảm bảo trẻ sẽ rất hào hứng và có thể phát triển kỹ năng một cách tốt nhất.

Khả năng ghi nhớ và giao tiếp

Theo tâm lý trẻ 3 tuổi, khả năng ghi nhớ của trẻ cũng phát triển mạnh mẽ hơn. Trẻ có thể nhớ được những vần thơ, bài hát rất nhanh và thậm chí trẻ có thể đọc lại, hát lại cho người khác nghe. Trẻ cũng bắt đầu ghi nhớ được màu sắc và hình dạng. Thực tế ta thấy, ở một số các bé được học thêm ngoại ngữ ở độ tuổi này, các bé tiếp thu rất nhanh, nhớ rất lâu, tuy phát âm vẫn còn ngọng ngịu.

Trẻ bắt đầu thể hiện sự quan tâm của mình nhiều hơn thông qua giao tiếp, thích nói chuyện với người khác. Trẻ rất dễ làm quen với các bạn cùng tuổi. Trẻ có thể hiểu hầu hết những gì bố mẹ nói, thậm chí có thể đoán được những từ mình chưa biết. Nói chung, trẻ hiểu biết nhiều từ hơn khả năng nói.

Trẻ rất hay đòi hỏi, thích hờn dỗi và khóc lóc

Ở giai đoạn này, tâm lý trẻ 3 tuổi thường tỏ ra rất ngang bướng, thích đòi hỏi và hay hờn dỗi, thậm chí một số trẻ còn có những phản ứng như khóc lóc, lăn lộn,vật vã để đòi cho được một thứ đồ chơi gì đó… Hầu như, ở đứa trẻ nào cũng có những phản ứng như vậy, chỉ khác nhau là ít hay nhiều. Trẻ ăn vạ, hờn dỗi như vậy một phần là để được người lớn đáp ứng nhu cầu của mình; hai nữa là để nhận được sự quan tâm, vỗ về từ bố mẹ hay mọi người xung quanh. Nếu như bố mẹ có cách ứng xử phù hợp, giai đoạn này sẽ nhanh chóng qua đi và đứa trẻ có thể phát triển với tâm sinh lý bình thường.

Cho dù tâm lý trẻ 3 tuổi có phức tạp đến đâu, thì với tình yêu thương, chở che, sự nêu gương dạy dỗ của cha mẹ vẫn là điều quan trọng nhất để giúp trẻ định hình, phát triển một cách tốt nhất cảm xúc và nhân cách của trẻ trong tương lai.