Công dụng thuốc Trimeseptol | Vinmec

Cách dùng: Đường uống. Bệnh nhân nên uống viên thuốc với 1 cốc nước lọc 150 – 250ml. Thuốc trimeseptol uống khi nào? Để hạn chế nguy cơ kích ứng đường tiêu hóa, người bệnh nên uống thuốc trong bữa ăn.

Liều dùng:

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới không có biến chứng:
    • Người lớn: 2 viên/lần x 2 lần/ngày, điều trị trong 10 ngày hoặc dùng 1 liều 4 viên/ngày, điều trị tối thiểu 3 hoặc 7 ngày;
    • Trẻ em: 8mg trimethoprim/kg + 40mg sulfamethoxazol/kg, chia làm 2 lần, điều trị trong 10 ngày;
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu mạn tính tái phát: Dùng liều thấp 40mg trimethoprim + 200mg sulfamethoxazol mỗi ngày hoặc uống 1 – 2 viên x 1 hoặc 2 lần/tuần;
  • Viêm phế quản mãn tính ở người lớn: 2 – 3 viên/lần x 2 lần/ngày, điều trị trong 10 ngày;
  • Viêm tai giữa cấp, viêm phổi cấp ở trẻ em: 8mg trimethoprim/kg + 40mg sulfamethoxazol/kg, chia làm 2 lần, điều trị trong 5 – 10 ngày;
  • Viêm phổi do Pneumocystis carinii ở trẻ em và người lớn: 20mg trimethoprim/kg + 100mg sulfamethoxazol/kg/ngày, chia làm 4 lần, điều trị trong 14 – 21 ngày;
  • Lỵ trực khuẩn:
    • Người lớn: 2 viên/lần x 2 lần/ngày, điều trị trong 5 ngày;
    • Trẻ em: 8mg trimethoprim/kg + 40mg sulfamethoxazol/kg, chia làm 2 lần, điều trị trong 5 ngày.

*Liều dùng cho bệnh nhân suy thận: Điều chỉnh theo độ thanh thải creatinin:

  • Trên 30ml/phút: Dùng liều thông thường;
  • Từ 15 – 30ml/phút: Giảm 1⁄2 liều dùng so với thông thường;
  • Dưới 15ml/phút: Không dùng thuốc.

Quá liều: Khi sử dụng thuốc Trimeseptol quá liều, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng chán ăn, buồn nôn, nôn ói, đau đầu (thậm chí bất tỉnh), rối loạn hệ tạo máu, vàng da, ức chế tủy,… Trước tình trạng quá liều, người bệnh cần được đưa vào nhập viện, cấp cứu ngay. Các biện pháp xử trí gồm gây nôn, rửa dạ dày, acid hóa nước tiểu nhằm tăng đào thải trimethoprim. Không chỉ vậy, nếu có dấu hiệu ức chế tủy, bệnh nhân nên sử dụng leucovorin (acid folinic) 5 – 15mg/ngày cho tới khi hồi phục hệ tạo máu.

Quên liều: Khi quên dùng 1 liều thuốc Trimeseptol, bệnh nhân nên dùng ngay lập tức. Nếu đã gần thời gian dùng liều kế tiếp thì bỏ qua liều đã quên, dùng liều tiếp theo đúng như lịch trình ban đầu.

3. Tác dụng phụ của thuốc Trimeseptol

Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Trimeseptol gồm:

  • Thường gặp: Sốt, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, viêm lưỡi, ngứa da, ngoại ban, giảm bạch cầu trung tính, tăng bạch cầu ưa eosin, ban xuất huyết, nổi mày đay;
  • Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ, bệnh huyết thanh, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, giảm tiểu cầu, thiếu máu tan huyết, giảm bạch cầu hạt, viêm màng não vô khuẩn, hoại tử biểu bì nhiễm độc, hội chứng Stevens-Johnson, phù mạch, mẫn cảm với ánh sáng, tăng kali huyết, giảm đường huyết, vàng da, ứ mật ở gan, hoại tử gan, ảo giác, sỏi thận, suy thận, viêm thận kẽ, ù tai,…

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Trimeseptol, bệnh nhân nên thông báo ngay cho bác sĩ để nhận được lời khuyên về cách xử trí phù hợp.

4. Thận trọng khi dùng thuốc Trimeseptol

Một số lưu ý cần nhớ khi dùng thuốc Trimeseptol:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận;
  • Thận trọng khi sử dụng Trimeseptol trên những đối tượng dễ bị thiếu hụt acid folic như người cao tuổi và khi dùng thuốc với liều cao trong thời gian dài;
  • Lưu ý khi dùng thuốc ở người bị thiếu hụt men G6PD bởi thuốc có thể gây thiếu máu tán huyết ở nhóm đối tượng này;
  • Trimethoprim và Sulfamethoxazol có thể cản trở quá trình chuyển hóa acid folic nên chỉ sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai khi thực sự cần thiết. Nếu phải dùng thuốc trong thời kỳ có thai, nên dùng thêm acid folic theo chỉ định của bác sĩ;
  • Phụ nữ trong thời kỳ cho con bú không được sử dụng thuốc Trimeseptol vì trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với độc tính của thuốc;
  • Thuốc Trimeseptol không gây tác động có hại lên thần kinh trung ương nên có thể sử dụng ở người lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Trimeseptol

Một số thuốc có thể tương tác với thuốc Trimeseptol gồm:

  • Các thuốc lợi tiểu, đặc biệt là thuốc thiazid: Dùng đồng thời 2 thuốc làm tăng nguy cơ giảm tiểu cầu ở người cao tuổi;
  • Giảm tốc độ thải trừ, làm tăng tác dụng của Methotrexat do Sulfonamid gây ức chế sự gắn protein và bài tiết qua ống thận của Methotrexat;
  • Pyrimethamine 25mg: Sử dụng đồng thời 2 thuốc làm tăng nguy cơ thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ;
  • Phenytoin: Thuốc Trimeseptol ức chế quá trình chuyển hóa Phenytoin ở gan, có thể làm tăng quá mức tác dụng của Phenytoin;
  • Warfarin: Sử dụng đồng thời với Trimeseptol có thể kéo dài thời gian prothrombin ở bệnh nhân.

Để tránh các tương tác thuốc bất lợi gây ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc và tác động xấu tới sức khỏe, khi dùng thuốc Trimeseptol, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ về các loại dược phẩm bản thân đang sử dụng. Đồng thời, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều dùng nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất.