Bài 8: Tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác

A. Kiến thức trọng tâm

I. Đặt vấn đề

Gợi ý trả lời câu hỏi:

a) Việt Nam đã có những đóng góp gì đáng tự hào vào nền văn hoá thế giới ? Em hãy nêu thêm một vài ví dụ.

  • Trải qua nhiều năm gây dựng và phát triển, nước ta đã có những đóng góp to lớn và tự hào đối với nền văn hóa thế giới như kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm, truyền thông đạo đức, phong tục tập quán, giá trị văn hóa nghệ thuật…
  • Bên cạnh đó Việt Nam cũng đóng góp thêm những quần thể di sản văn hóa nổi tiếng như: Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Thánh địa Mĩ Sơn, Phong nha – kẻ bàng…

b) Lí do quan trọng nào giúp nền kinh tế Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ ?

Nền kinh tế Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Những năm cuối thế kỉ XX – đầu thế kỉ XXI, Trung Quốc là nước có tốc độ phát triển kinh tế vào loại nhanh nhất thế giới.

Bởi vì:

Trung Quốc mở rộng quan hệ và học tập kinh nghiệm các nước khác như cử người đi du học nước ngoài – cách làm từng được Nhật Bản áp dụng thành công.

Phát triển các ngành công nghiệp mới có nhiều triển vọng như Hàn Quốc…

c) Theo em, chúng ta có cần phải tôn trọng, học hỏi và tiếp thu những thành tựu của các nước trong khu vực và trên thế giới không ? Vì sao ?

Theo em, chúng ta cần phải tôn trọng, học hỏi và tiếp thu những thành tựu của các nước trong khu vực và trên thế giới .

Bởi vì:

  • Ở mỗi dân tộc sẽ có những nền kinh tế – văn hóa khác nhau. Khi chúng ta tôn trọng họ điều đó đồng nghĩa với việc họ cũng phải tôn trọng lại mình.
  • Hơn nữa, những thành tựu của nước khác sẽ là điều kiện để chúng ta, học hỏi, tiếp thu những tinh hoa mới, làm giàu cho dân tộc, giúp dân tộc phát triển.
  • Nước ta là nước đang còn nghèo nàn và lạc hậu. Vì vậy, cần phải học hỏi các nước khác trên thế giới.

II. Nội dung bài học

*Khái niệm:

  • Tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác là tôn trọng chủ quyền , lợi ích và nền văn hóa của các dân tộc ; luôn tìm hiểu và tiếp thu những điều tốt đẹp trong nền kinh tế,văn hóa ,xã hội của các dân tộc; đồng thời thể hiện lòng tự hào dân tộc chính đáng của mình .

*Ý nghĩa:

  • Mỗi dân tộc đều có những thành tựu nổi bật về kinh tế,khoa học-kỹ thuật, văn hóa,nghệ thuật , những công trình đặc sắc,những truyền thống quý báu. Đó là vốn quý của loài người cần được tôn trọng, tiếp thu và phát triển.
  • Tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác sẽ tạo điều kiện để nước ta tiến nhanh trên con đường xây dựng đất nước giàu mạnh và phát triển bản sắc dân tộc .

*Rèn luyện:

  • Chúng ta phải tích cực học tập, tìm hiểu đời sống và nền văn hóa của các dân tộc trên thế giới, tiếp thu một cách có chọn lọc, phù hợp với điều kiện,hoàn cảnh và truyền thống của dân tộc ta.