Điều trị tràn khí màng phổi ở trẻ sơ sinh | Vinmec

Khi nghi ngờ trẻ sơ sinh bị tràn khí màng phổi, bác sĩ sẽ hỏi phụ huynh về tiền sử bệnh lý, khám lâm sàng và chụp X-quang ngực để chẩn đoán xác định. Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán tràn khí màng phổi khác như kiểm tra lượng oxy trong máu và kiểm tra tim bằng điện tâm đồ.

Khi đã xác định trẻ sơ sinh bị tràn khí màng phổi, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng của triệu chứng và lượng khí bị rò rỉ. Với những trẻ bị tràn khí ít, có thể không có triệu chứng thì không cần điều trị vì cơ thể có thể hấp thu lại không khí. Với những trẻ bị tràn khí nhiều thì có thể gặp khó khăn trong việc hít thở, thậm chí đẩy tim, khí quản hay các mạch lớn lệch khỏi vị trí, gây đe dọa tính mạng.

Trong trường hợp tràn khí màng phổi nặng, nguyên tắc điều trị gồm: Điều trị cấp cứu, điều trị tràn khí màng phổi và điều trị nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể là:

3.1 Điều trị cấp cứu

  • Xử trí suy hô hấp;
  • Thực hiện chọc hút khí màng phổi khẩn cấp khi trẻ sơ sinh bị suy hô hấp đi kèm với lượng khí tràn nhiều hoặc có nghi ngờ tràn khí màng phổi áp lực;

3.2 Điều trị tràn khí màng phổi

  • Bổ sung oxy: Trong một số trường hợp, cho trẻ thở 100% có thể giúp cơ thể trẻ tái hấp thu lại không khí từ vùng bị tràn khí;
  • Chọc hút khí màng phổi: Lựa chọn chọc hút đơn thuần (cho các trường hợp tràn khí lượng ít, bệnh nhân không bị khó thở) hoặc chọc hút kèm dẫn lưu (chọc hút để thăm dò trước cho mọi trường hợp cần dẫn lưu). Kỹ thuật thực hiện là đưa một chiếc kim gắn với ống tiêm qua thành ngực để dẫn không khí bị tích tụ trong khoang màng phổi ra. Sau đó, kim được rút ra và băng vùng da lại;
  • Đặt ống dẫn lưu: Trong trường hợp tràn khí màng phổi tự phát với lượng ít, trẻ không bị khó thở thì cần theo dõi, chụp X-quang sau 6 giờ và nếu thấy lượng khí tràn tăng thì chọc hút và đặt ống dẫn lưu. Các trường hợp tràn khí màng phổi khác hoặc tràn khí tăng thêm, tràn khí tái phát, tràn khí nặng, tràn khí ở trẻ sinh non có thở máy, cần chọc hút rồi đặt ống dẫn lưu. Kỹ thuật này sử dụng một ống nhựa nhỏ đưa qua ngực và cố định lại rồi nối với máy hút. Máy hút sẽ loại bỏ khí bị tích tụ trong khoang màng phổi. Sau khi khí được rút ra, ống ngực sẽ được lấy ra, lỗ rò lành lại.

Sau khi điều trị tràn khí màng phổi ở trẻ sơ sinh, bác sĩ sẽ chụp X-quang phổi để chắc chắn lỗ rò đã lành lại và không còn khí tích tụ ở khoang màng phổi.