Liệu pháp oxy: Dễ mà khó

CN Trịnh Thị Xuân Thúy- Khoa Cấp cứu

Đối với một người bệnh bị suy hô hấp (dù bất kỳ nguyên nhân gì), cấp tính hay mạn tính thì phản xạ đầu tiên của người thầy thuốc là cung cấp oxy cho người bệnh đó. Trong phần lớn các trường hợp, việc thở oxy sẽ mang lại kết quả tốt, giải quyết được tình trạng thiếu oxy nhất thời và cứu sống được người bệnh. Tuy nhiên, với các trường hợp suy hô hấp mạn tính, nếu thở oxy không đúng cách thì sẽ không đạt mục đích điều trị mà còn có nguy cơ gây ngưng thở.

ox3

Để hiểu rõ vấn đề này, chúng ta hãy tìm hiểu quá trình điều hòa hô hấp:

ox1

1. Trung tâm hô hấp:

Trung tâm hô hấp là những nhóm tế bào thần kinh đối xứng hai bên và nằm rải rác ở hành não và cầu não. Mỗi bên có 3 nhóm điều khiển hô hấp của nửa lồng ngực cùng bên:

– Nhóm nơron hô hấp lưng gây hít vào.

– Nhóm nơron hô hấp bụng gây thở ra hoặc hít vào tùy nơron

– Trung tâm điều chỉnh nằm ở phần lưng và trên của cầu não.

Giữa 2 nhóm có sự liên hệ ngang để 2 nửa lồng ngực có cùng một nhịp thở.

Trung tâm hô hấp được điều chỉnh kịp thời tùy theo tình trạng của cơ thể theo 2 cơ chế: Cơ chế thể dịch và cơ chế thần kinh.

2. Điều hòa hô hấp theo cơ chế thể dịch:

Có 3 yếu tố tham gia điều hòa hô hấp theo cơ chế thể dịch:

– Nồng độ CO2 máu.

– Nồng độ H+ máu.

– Nồng độ O2 máu.

Các yếu tố này điều hòa hô hấp thông qua các receptor hóa học để tác động lên trung tâm hô hấp nằm ở hành não.

2.1. Điều hòa hô hấp do nồng độ CO2 máu:

Nồng độ CO2 máu đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình điều hòa hô hấp bằng đường thể dịch. Khi nồng độ CO2 máu tăng sẽ kích thích hô hấp theo 2 cơ chế: Cơ chế trực tiếp và cơ chế gián tiếp, trong đó cơ chế gián tiếp là chủ yếu: CO2 kích thích gián tiếp lên trung tâm hô hấp thông qua ion H+ theo cơ chế như sau: CO2 dễ dàng đi qua hàng rào máu não vào trong dịch kẽ, ở đó CO2 kết hợp với nước tạo thành H2 CO3 , H2 CO3 phân ly và H+ sẽ kích thích lên các receptor hóa học nằm ở hành não, từ đây có luồng xung động đi đến kích thích trung tâm hít vào làm tăng thông khí. Vì CO2 đi qua hàng rào máu não rất dễ dàng nên cơ chế gián tiếp này đóng vai trò quan trọng.

Nồng độ CO2 bình thường trong máu có tác dụng duy trì hoạt động của trung tâm hít vào. Khi nồng độ CO2 giảm thấp dưới mức bình thường sẽ ức chế trung tâm hít vào làm giảm thông khí và có thể gây ngừng thở.

ox2

Điều hòa hô hấp theo cơ chế gián tiếp của CO2

2.2. Điều hòa hô hấp do nồng độ O2 máu:

Ở người khỏe mạnh bình thường, nồng độ O2 không có tác dụng điều hòa hô hấp, nó chỉ tác động đến hô hấp khi phân áp trong máu giảm thấp (<60mmHg trong máu động mạch). Khi đó sẽ kích thích vào các receptor hóa học ở ngoại vi làm tăng cường hô hấp.

Cơ chế điều hòa hô hấp của O2 có ý nghĩa quan trọng ở những người bệnh suy hô hấp mạn tính. Những người bệnh này, vai trò kích thích hô hấp của CO2 và H+ đã mất do các receptor hóa học bị liệt không đáp ứng với CO2 và H+ nữa. Khi đó vai trò điều hòa hô hấp của O2 là rất quan trọng. Vì vậy, khi thở O2 nên cho liều thấp lúc bắt đầu (1 – 3 lít/phút) và tăng lên dần dần. Nếu cho thở liều cao ngay từ đầu sẽ làm O2 trong máu đột ngột tăng lên, mất tác dụng kích thích hô hấp của O2 làm người bệnh có thể ngưng thở.

Trong thực hành lâm sàng, đôi khi ta chủ quan không chú ý đến liều lượng oxy cho từng trường hợp bệnh lý cụ thể. Nắm được cơ chế trên sẽ giúp cho việc sử dụng oxy an toàn, tiết kiệm và hiệu quả hơn./.