Giới thiệu khái quát thị xã Vĩnh Châu

Các xã thuộc huyện vĩnh châu sóc trăng hay nhất được tổng hợp bởi chúng tôi, đừng quên chia sẻ bài viết này nhé

Lĩnh vực nông nghiệp là kinh tế mũi nhọn (chiếm tỷ trọng 72%), công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (chiếm 11%), thương mại và dịch vụ (chiếm 17%). Với vị trí đắc địa ở vùng cửa sông giáp biển nên Vĩnh Châu có lợi thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản, nổi bật là tôm sú, Artemia, cá kèo … kế đến là trồng hoa màu trên vùng đất cát pha, đất giồng ven biển với sản phẩm nổi tiếng là hành tím, củ cải, tỏi …là nguồn hàng chủ lực tiêu thụ mạnh trong cả nước và xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.

Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng của thị xã Vĩnh Châu mới phát triển, trọng điểm là công nghiệp chế biến nông, thủy sản và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thị xã đang tiếp tục xúc tiến thực hiện các dự án phát triển công nghiệp ở khu vực vùng ven Phường 1 và khu vực cầu Mỹ Thanh 2 (xã Vĩnh Hải). Ngành nghề tiểu thủ công trước hết là nghề dệt chiếu truyền thống của đồng bào Khmer ở Cà Săng, Soài Côn (Phường 2), Tầng Dù ( xã Lạc Hòa), một số địa phương còn giữ được nghề đan lát, thủ công mỹ nghệ hết sức phong phú. Chế biến nông thủy sản phải kể đến mặt hàng Xá bấu mặn (củ cải muối), Xá bấu ngọt, các loại tôm, cá khô, khô cá mặn đặc trưng của miền biển Vĩnh Châu.

Tuyến bờ biển dài và Quốc lộ Nam Sông Hậu đi ngang qua, trục Tỉnh lộ 935 và 940 đi từ trung tâm thành phố Sóc Trăng về thị xã khá thuận lợi cùng với tốc độ phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng giao thông đã mở ra cho Vĩnh Châu những tiềm năng mới để phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch. Sinh cảnh nổi bật ở Vĩnh Châu là có rất nhiều chùa chiền của đồng bào Khmer phân bố đều khắp các tuyến giồng cát với 51 cơ sở thờ tự, 21 chùa Khmer và 17 miếu thờ tự của người Hoa, trong số đó có 3 cơ sở được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa. Ngoài ra thị xã còn có nhiều di tích lịch sử trong công cuộc kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân như di tích Đồng khởi Trà Teo, di tích Giầy Lăng (xã Hòa Đông), Chiến thắng Xẻo Me (Phường Vĩnh Phước) …

Cũng như truyền thống của người Khmer Nam bộ, Vĩnh Châu có rất nhiều lễ hội truyền thống trong năm mà phần lớn đều gắn với lễ nghi tôn giáo và sinh hoạt cộng đồng đồng bào Khmer như lễ hội Ooc Oom Boc, Chôl Chnăm Thơ mây, lễ dâng y Cà Sa… Đặc biệt ở Vĩnh Châu có lễ hội cúng phước biển giàu tính nhân văn được tổ chức hàng năm, thu hút khoảng 15.000 lượt người đến tham dự.

Du lịch sinh thái gắn với sinh hoạt cộng đồng cũng là một tiềm năng mới mẻ ở Vĩnh Châu, Khu du lịch sinh cảnh biển đang được đầu tư tại khu vực bãi biển Hồ Bể (xã Vĩnh Hải) nằm trên tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu, rừng sinh thái ngập mặn ven biển trải dài trên 40 km có nhiều cảnh quan và nguồn lợi thủy sản tự nhiên phong phú; du lịch sinh hoạt cộng đồng với tuyến đường lộ Giồng Nhãn có những vườn nhãn cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đi vào cộng đồng nông thôn có rất nhiều loại hình sinh hoạt theo tập quán địa phương hết sức hấp dẫn, ngoài việc tham quan, tìm hiểu nét riêng của cư dân địa phương, mọi người sẽ được thâm nhập vào đời sống, công việc lao động thường nhật của nông dân trồng hành tím, nghề nuôi tôm, học cách chế biến thủy sản, cũng như tự nấu những món ăn ngon rất đặc thù của người dân địa phương.