Cạo gió thế nào cho đúng? | Báo Dân trí

Cách giật gió ở trán hay nhất được tổng hợp bởi chúng tôi, đừng quên chia sẻ bài viết này nhé

Khi nhức đầu, tôi cạo vùng cổ và bứt gió vùng trán và thái dương, và cơn đau dịu hẳn… Thế nhưng, gần đây, lại có người cho rằng nếu cạo gió không đúng sẽ… chết. Tôi nghe mà… hãi, không biết đúng – sai thế nào”, chị Minh Nga, Q.3, TPHCM thắc mắc.

Cạo gió thế nào cho đúng? - 1

Trả lời:

Dù Tây y phát triển với nhiều loại thuốc chữa cảm cúm nhưng bà con vẫn thích cạo gió, giác hơi… Đây là phương cách trị bệnh dân gian được sử dụng khi bệnh nhân thình lình cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, xây xẩm…

Để cạo gió, người ta dùng dầu và đồ cạo gió. Trong đó dầu cù là tốt nhất, vì có độ trơn, không làm rách da. “Đồ nghề” cạo gió có thể là chiếc muỗng sứ, thẻ bài. Theo giải thích của các “lương y tay ngang” thì cạo gió nhằm trục xuất gió độc ra khỏi cơ thể. Các vị trí thường được cạo gió là lưng, ngực, gáy, bụng, cánh tay, cẳng tay. Nếu sau khi cạo, vết đỏ nổi những hạt đậm, thì được coi là trúng nước, còn chỉ là những mảng đỏ bầm thì được cho là trúng gió. Ở những nơi không cạo gió được như trán, cổ, người ta dùng hai ngón tay giật mạnh vào da cho đến khi đỏ ửng mới ngưng – gọi là giật gió. Với quan niệm gió độc gây bệnh, cạo gió được thực hiện ở những địa điểm ấm áp, kín gió, để người bệnh không tiếp tục bị nhiễm lạnh.

Cạo gió có phải là phương pháp điều trị của Đông y? Nếu đúng thì cạo thế nào mới đúng? Theo lương y Đinh Công Bảy – Hội Dược liệu TPHCM, cạo gió là liệu pháp điều trị trong dân gian, tuy không chính thống nhưng Đông y vẫn chấp nhận. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cảnh báo rằng, cạo gió chỉ đúng khi thực hiện theo đường kinh mạch âm dương. Điều này đòi hỏi người cạo gió cần có kiến thức về y lý, để thực hiện theo chiều từ trên xuống và từ trong ra ngoài. Cạo vào những vị trí không cho phép như: cột sống, ngực, mắt, cổ là sai. Đây là những vùng gây kích thích nhiều nơi trên cơ thể. Ví dụ như sau khi “bị” cạo gió vùng ngực, bạn sẽ cảm thấy cơ thể mỏi nhừ, đau nhức…Còn nếu cạo gió quá mạnh tay, chẳng những không giúp tăng cường tuần hoàn mà còn làm trầy xước da.

Cầm thẳng đồ cạo gió, thay vì cầm nghiêng còn làm vỡ mạch máu li ti, kiểu cạo này không ra gió mà ra… huyết (xuất huyết dưới da) “bệnh nhân” sau đó sẽ cảm thấy đau như bị đánh. Cạo đúng, “bệnh nhân” sẽ thấy khỏe hẳn ra, cơ thể ấm nóng, người giảm dần cơn đau nhức. Trong trường hợp không nắm vững cách cạo gió thì nên dùng ống giác. Qua nhiệt, ống giác cũng kích thích các huyệt đạo giúp cơ thể “vùng dậy” kháng lại bệnh tật. Sau khi cạo gió, giác hơi cần thay quần áo ấm, tăng cường đề kháng bằng cách uống trà gừng, nước chanh nóng, ăn cháo, xúp hành để cơ thể tiết mồ hôi… trục xuất hàn khí.

Cũng theo lời khuyên của lương y Đinh Công Bảy, những người bị bệnh tim mạch, huyết áp không nên cạo gió.

Trẻ con và phụ nữ có thai có nên cạo gió? Câu trả lời từ các nhà chuyên môn là không nên cạo gió cho phụ nữ mang thai, vì những động tác này gây kích ứng quá mạnh ảnh hưởng đến thai nhi. Trẻ em cũng không nên cạo gió, vì da của trẻ còn non nớt và dễ lầm lẫn khó phát hiện khi bị sốt xuất huyết.

Theo Phương Nam

Phụ nữ online