Giáo án tạo hình: Nặn con vật sống trong rừng ( 5-6 tuổi)

HOẠT ĐỘNG HỌC: Nặn một số con vật sống trong rừng

(Đề tài)

I. Mục đích yêu cầu:

1, Thái độ:

– Giáo dục trẻ trật tự trong giờ học, hứng thú tham gia hoạt động.

– Giáo dục trẻ tập trung, kiên nhẫn hoàn thành sản phẩm.

– Biết yêu quý sản phẩm của mình và các bạn.

– Trẻ biết yêu quý các con vật hiền lành; tránh xa con vật hung dữ.

2, Kỹ năng:

– Biết sử dụng các kỹ năng: xoay tròn, lăn dọc, ấn dẹt, uốn cong, vuốt nhọn để nặn các con vật theo đặc điểm đặc trưng của chúng.

– Trẻ biết gắn kết, gắn đính các bộ phận để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

– Rèn sự khéo léo của đôi bàn tay.

3, Kiến thức:

– Trẻ biết được tên gọi, đặc điểm cấu tạo của một số con vật sống trong rừng.

– Biết nặn một số con vật đẹp, sáng tạo.

– Phát triển thị giác, khả năng quan sát, chú ý, năng lực cảm thụ và sáng tạo cái đẹp.

II. Chuẩn bị:

* Đồ dùng của cô:

– Một số con vật nặn sẵn (Con voi, con gấu, con nhím).

– Mô hình khu rừng.

– Máy vi tính, loa, bài hát “ Ta đi vào rừng xanh ”, “ Chú voi con ở Bản Đôn’’

– Nhạc không lời bài một số bài hát về động vật sống trong rừng

* Đồ dùng của trẻ:

– Đất nặn, bảng con.

– Bàn ghế, khăn lau tay.

– Một số nguyên vật liệu khác: tăm tre, hạt cườm

III. Phương pháp:

– Quan sát

– Đàm thoại

– Thực hành

IV. Cách tiến hành:

* Hoạt động 1: Cho trẻ hát bài “ Ta đi vào rừng xanh ”

– Cho trẻ tham quan mô hình khu rừng. Hỏi trẻ về các con vật sống trong rừng.

– Giáo dục trẻ biết yêu quý một số con vật hiền lành và tránh xa con vật hung dữ.

* Hoạt động 2: Quan sát mẫu

– Cho trẻ xem mẫu nặn của cô ( Con voi, con gấu, con nhím).

+ Trong khu rừng nhỏ của lớp mình hôm nay có những con vật nào?

* Cô cho trẻ quan sát mẫu nặn con voi:

– Con gì đây các con?

– Bằng cách nào cô nặn được con voi? (Chọn đất, nhồi đất, chia đất, lăn dọc, uốn cong, ấn dẹt).

=> Muốn nặn được con voi trước hết các con phải chọn đất, nhồi đất, chia đất, lăn dọc để làm mình con voi, lấy 4 phần đất bằng nhau lăn dọc để làm chân, ấn dẹt để làm 2 cái tai, lăn dọc và uốn cong để tạo thành cái vòi, cái đuôi con voi. Sau đó cô gắn thêm mắt cho con voi.

*Cho trẻ quan sát mẫu nặn con gấu:

– Đây là con gì cả lớp?

– Để nặn được con gấu cô làm gì? (Chọn đất, nhồi đất, xoay tròn, lăn dọc, ấn dẹt ).

=> Để nặn được con gấu trước tiên cô chọn đất, nhồi đất cho mềm, sau đó cô xoay tròn phần đất lớn làm mình, phần đất nhỏ làm đầu con gấu; gắn đầu vào mình gấu; lăn dọc làm chân, ấn dẹt làm tai. Gắn thêm mắt, mũi, miệng để tạo thành con gấu.

+ Cho trẻ quan sát mẫu nặn con nhím:

– Bằng cách nào cô nặn được con nhím? (Chọn đất, nhồi đất, lăn dọc, ấn dẹt và vuốt nhọn).

=> Để nặn được con nhím cô chọn đất, nhồi đất, lăn dọc, ấn dẹt và vuốt nhọn một đầu, sau đó cô vuốt nhọn trên lưng tạo thành nhiều gai nhím; cuối cùng cô nặn thêm tai, mắt tạo thành con nhím.

+ Hỏi ý tưởng trẻ nặn con gì?

+ Nặn như thế nào? (2 – 3 trẻ)

* Hoạt động 3: Sáng tạo của bé

– Cho trẻ thực hiện.

– Cô nhắc trẻ tư thế ngồi nặn.

– Cô gợi ý, đến từng bàn hướng dẫn trẻ nặn.

– Cô mở nhạc nhẹ nhàng cho trẻ thực hiện.

* Hoạt động 4: Bé thích sản phẩm nào?

– Cô nhận xét từng nhóm nhỏ, động viên trẻ.

– Cho một số trẻ lên trưng bày sản phẩm trong mô hình, hỏi trẻ con thích sản phẩm nào? Vì sao? (Hướng trẻ nhắc lại kỹ năng nặn một số con vật).

– Cô cùng trẻ nhận xét, tuyên dương những sản phẩm đẹp, sáng tạo, động viên nhữngtrẻ nặn sản phẩm chưa được đẹp.