Trí tuệ cổ nhân: Người quân tử không lợi dụng lúc người khác nguy khốn

“Thừa nhân chi nguy” hay “Giậu đổ bìm leo” là câu thành ngữ chỉ việc thừa lúc người khác gặp khó khăn, trắc trở để tấn công, lấy được lợi ích cho bản thân mình, hoặc vì tư thù mà hãm hại người ta. Cổ nhân coi lợi dụng nguy khốn của người khác là việc làm của kẻ tiểu nhân, người có đạo đức, có tu dưỡng nhất định không thể làm.

Trí tuệ cổ nhân: Người quân tử không lợi dụng lúc người khác nguy khốn
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Thành ngữ “Thừa nhân chi nguy” này xuất phát từ “Hậu Hán Thư. Cái Huân truyện”. Cái Huân là người thời Đông Hán, trưởng sử của quận Hán Dương. Ông rất có tài năng, nghiêm túc ngay thẳng, không a dua nịnh bợ. Đương thời, Hán Dương là địa phương thuộc quản lý của Lương Châu. Thứ sử Lương Châu là Lương Hộc, cũng là bạn tốt của Cái Huân.

Thuộc hạ của Lương Hộc là Tô Chính Hòa, cũng là vị quan chính trực, không sợ cường bá. Ông luôn tuân thủ pháp luật, điều tra xử lý quan lại tham ô, động chạm đến cả thế lực tại Kinh thành, khiến Lương Hộc e sợ.

Vì chuyện của Tô Chính Hòa, Lương Hộc tìm đến Cái Huân để hỏi ý kiến. Cái Huân và Tô Chính Hòa vốn có hiềm khích, có người khuyên ông nên thừa cơ, nhưng Cái Huân trước sau đều kiên quyết cự tuyệt: “Vì tư thù mà sát hại người hiền lương thì đó là bất trung. Thừa lúc người khác gặp nguy khốn mà mưu hại thì đó là bất nhân. Tô Chính Hòa tuy rằng có oán thù với ta, nhưng ta không thể trở thành người như vậy.”

Thời Hoàng đế Đường Thái Tông, khả hãn của tộc Đột Quyết là Đốt Tất cho cải biến rất nhiều thói quen phong tục, chế định luật lệnh hà khắc, làm người Đột Quyết bất mãn. Đốt Tất còn tín nhiệm người khác tộc. Thêm vào mấy năm mất mùa, thuế nặng, làm dân khổ cực, khắp nơi lòng người ly tán, binh lực của Đốt Tất ngày càng suy yếu.

Nhân dịp đó nhiều quan đại thần triều Đường thỉnh cầu xuất binh chinh phạt. Nhưng nhà Đường đã đạt được hiệp ước với Đột Quyết nên Hoàng đế Đường Thái Tông thiết triều hỏi: “Xuất binh chinh phạt, ta không thể không lưu tâm đến hiệp ước. Nhưng không xuất binh thì lại sợ để mất cơ hội. Các khanh nói xem phải làm sao?”

Tiêu Vũ thỉnh cầu xuất binh, nhưng Trưởng Tôn Vô Kỵ phản đối. Trưởng Tôn Vô Kỵ nói: “Đột Quyết không gây rối vùng biên cương, trong tình huống này mà xuất binh thảo phạt là thất tín bội nghĩa, ngoài ra còn tốn công tốn của. Đây không phải việc làm chính nghĩa”. Đường Thái Tông nghe theo ý kiến của Trưởng Tôn Vô Kỵ, không cho xuất binh.

Sau này Đốt Tất càng ngày càng suy bại, bách tính ly tán. Không những thế thiên tai liên tục làm vô số gia súc bị chết, người dân vừa thiếu ăn vừa thiếu mặc. Đốt Tất lo lắng nhà Đường sẽ thừa cơ hội xuất binh liền đích thân dẫn binh mã đến vùng biên cương, bên ngoài nói là đi săn nhưng kỳ thực là đề phòng triều Đường.

Sứ nhà Đường trở về bẩm tấu rằng: “Hiện bách tính Đột Quyết bị nạn đói kém, gia súc gầy ốm, dấu hiệu diệt vong thấy rõ. Có lẽ không còn tồn tại được quá 3 năm”.

Đa số đại thần trong triều đều khuyên Đường Thái Tông nhân cơ hội này tấn công Đột Quyết. Nhưng Hoàng đế kiên quyết phản đối: “Chúng ta đã ký hiệp ước, nếu bội ước là bất tín. Lợi dụng lúc họ đang gặp thiên tai nhân họa là bất nhân bất nghĩa. Lợi dụng lúc người khác nguy khốn mà ra tay cũng không phải hành vi võ dũng. Ta chỉ có thể xuất binh thảo phạt khi nhìn họ đắc tội”.

Ở vào thời kỳ yên ổn bình hòa thì rất khó để phân biệt ra một người là gian trá hay chân thật, nhân phẩm là cao hay thấp. Trong hoàn cảnh hỗn loạn, người ta thường vì cám dỗ mà vứt bỏ đạo đức của bản thân mình. Cho nên, càng ở vào hoàn cảnh động chạm đến lợi ích, đến tâm linh, càng dễ nhìn ra nhân phẩm của một người là tốt hay xấu.

Theo Vision Times tiếng TrungAn Hòa biên tập

Xem thêm:

  • Câu chuyện thành ngữ: Lời nói ngay thẳng thường khó nghe
  • Nguồn gốc và nội hàm bác đại tinh thâm của Cờ Vây

Mời xem video: