Gãy xương mắt cá chân: Làm sao để chóng phục hồi?

Gãy xương mắt cá chân là một tổn thương của xương. Bạn có thể bị gãy xương từ một bước chân bị hụt, một chấn thương trực tiếp… Mức độ nặng của gãy xương rất đa dạng. Gãy xương có thể là những vết nứt nhỏ cho đến gãy xương trầm trọng. Việc điều trị còn phụ thuộc vào vị trí tổn thương và mức độ gãy xương.

Vì vậy, trang bị những kiến thức cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị gãy xương mắt cá chân là vô cùng quan trọng. Hãy cùng Youmed tìm hiểu những thông tin đó trong bài viết sau đây nhé!

1. Gãy xương mắt cá chân là gì?

Gãy xương mắt cá chân
Gãy xương mắt cá chân

Gãy xương mắt cá chân xảy ra khi một hoặc nhiều xương ở phức hợp xương mắt cá chân bị gãy.

Cổ chân của chúng ta là một cấu trúc xương khá phức tạp. Nó chứa nhiều xương, dây chằng, gân cơ giúp cho chúng ta có những chuyển động trơn tru, linh hoạt. Khớp cổ chân được hình thành bởi những cấu trúc xương là:

  • Đầu dưới xương chày: Xương chày là một xương dài, lớn ở vùng cẳng chân. Phần trong đầu dưới xương chày tạo nên mắt cá trong. Mắt cá trong dễ dàng thấy và sờ ngay dưới da của bạn.
  • Đầu dưới xương mác: Xương mác là một xương nhỏ hơn ở vùng cẳng chân. Đầu dưới xương mác dẹp và nhọn, tạo nên mắt cá ngoài. Tương tự, mắt cá ngoài cũng dễ dàng thấy và sờ được ngay dưới da.
  • Xương sên: Xương sên là một xương nhỏ nằm giữa xương gót chân và xương chày và xương mác. Xương sên có những mặt khớp để khớp với xương chày và xương mác.

2. Nguyên nhân gãy xương mắt cá chân

Bước hụt chân, té ngã khiến cổ chân xoắn vặn có thể gây gãy xương mắt cá chân
Bước hụt chân, té ngã khiến cổ chân xoắn vặn có thể gây gãy xương mắt cá chân

Gãy xương mắt cá chân xảy ra khi có quá nhiều lực đặt lên vùng xương mắt cá chân. Những nguyên nhân thường gặp là:

Bước hụt chân và té ngã

Mất thăng bằng có thể dẫn đến bước hụt chân và té ngã. Điều này có thể đặt quá nhiều lực lên mắt cá chân của bạn. Điều này có thể xảy ra nếu:

  • Bước đi trên mặt phẳng gồ ghề
  • Mang đôi giày không vừa chân
  • Đi lại mà không có ánh sáng thích hợp

Nếu bạn đặt bước chân tiếp đất một cách vụng về, mắt cá chân có thể bị xoắn vặn. Khi đó, gãy xương có thể xảy ra.

Lực tác động lớn

Lực tác động lớn từ một cú nhảy hoặc té ngã có thể dẫn đến gãy xương cổ chân. Nó có thể xảy ra thậm chí chỉ là một cú nhảy nhẹ.

Chơi thể thao

Những môn thể thao liên quan đến những chuyển động cường độ mạnh sẽ tạo nhiều áp lực lên cổ chân. Ví dụ như bóng đá, bóng chày, bóng chuyền, tennis…

Tai nạn giao thông

Những lực tác động lớn và đột ngột từ tai nạn giao thông có thể gây vỡ xương mắt cá chân. Thông thường, những kiểu chẩn thương này cần đến phẫu thuật để điều trị.

3. Đối tượng dễ bị gãy xương mắt cá chân

Ai cũng có thể bị gãy xương mắt cá chân. Tuy vậy, bạn có thể có nguy cơ cao bị gãy xương mắt cá chân hơn nếu:

Tham gia những môn thể thao có cường độ cao

Những môn thể thao cường độ cao như bóng đá, bóng chày, tennis, bóng chuyền… Chúng có thể gây nên những chấn thương xoắn vặn, những đòn đánh trực tiếp, áp lực lên xương khớp.

Dụng cụ hay kĩ thuật chơi thể thao không đúng cách

Mang giày không vừa chân hay quá mòn có thể dẫn đến té ngã và gãy xương. Kĩ thuật tập luyện không đúng như không khởi động hay kéo dãn cũng có thể gây gãy xương.

Hoạt động thể chất tăng đột ngột

Cho dù bạn là một vận động viên chuyên nghiệp hay mới được đào tào, cũng cần có một chương trình tập luyện hợp lí. Việc đột ngột tăng tần suất hoặc thời gian các buổi tập có thể làm tăng nguy cơ chấn thương hay gãy xương.

Bệnh lý xương khớp

Sự suy giảm mật độ xương (loãng xương) có thể khiến bạn dễ bị gãy xương hơn ngườ khác.

Hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ loãng xương. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc lành xương sau gãy xương có thể kéo dài hơn ở người hút thuốc lá.

4. Triệu chứng gãy xương mắt cá

Vùng cổ chân đau dữ dội, sưng, bầm tím có thể là triệu chứng của gãy xương mắt cá chân
Vùng cổ chân đau dữ dội, sưng, bầm tím có thể là triệu chứng của gãy xương mắt cá chân

Bạn có thể nghe tiếng xương gãy khi bị chấn thương. Những triệu chứng khác bao gồm:

  • Sưng
  • Đau dữ dội
  • Vết bầm tím trên da
  • Đi lại hoặc di chuyển bàn chân một cách khó khăn
  • Khó khăn trong việc chịu lực tải lên chân
  • Biến dạng bàn chân
  • Cảm thấy chóng mặt (do đau)
  • Nhìn thấy đầu xương xuyên qua da
  • Chảy máu (nếu xương xuyên qua da)

5. Cách chẩn đoán gãy xương mắt cá

Thăm khám lâm sàng

Đầu tiên, bác sĩ của bạn sẽ hỏi bạn một số câu hỏi về bệnh. Ví dụ như:

  • Bạn bị chấn thương trong hoàn cảnh nào? Thời gian, địa điểm, lực tác động, cơ chế tác động đều rất quan trọng cho việc chẩn đoán.
  • Những triệu chứng mà bạn đã và đang trải qua
  • Mức độ cơn đau mà bạn đang trải qua?
  • Những động tác nào làm cơn đau trầm trọng hơn?
  • Bạn đã được sơ cứu hay điều trị gì chưa?
  • Hiện tại bạn đang bị bệnh hay uống thuốc gì không?
  • Trước đây bạn có bị chấn thương gì không?

Sau đó, bác sĩ cũng sẽ tiến hành thăm khám cho bạn. Mục đích để đánh giá mức độ đau, sưng, sự biến dạng, mức độ hoạt động tại khớp.

Xét nghiệm

Hình ảnh X quang cho thấy gãy mắt cá ngoài ở cổ chân
Hình ảnh X quang cho thấy gãy mắt cá ngoài ở cổ chân

Một số xét nghiệm hình ảnh học được chỉ định để giúp chẩn đoán gãy xương.

  • X quang: Hầu hết các tình trạng gãy xương đều quan sát được trên X quang. Kĩ thuật viên có thể cần phải chụp tia X từ nhiều góc độ khác nhau. Mục đích để đảm bảo hình ảnh xương không bị chồng chéo quá nhiều.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): CT scan chụp tia X từ nhiều góc độ khác nhau. Sau đó chúng kết hợp lại để xây dựng nên hình ảnh cắt ngang qua cấu trúc bên trong cơ thể của bạn. Vì vậy, CT scan có thể cung cấp những hình ảnh chi tiết về xương hay mô mềm quanh xương.
  • Cộng hưởng từ (MRI): Cộng hưởng từ sử dụng những sống radio và từ trường mạnh để tạo nên những hình ảnh chi tiết về các cấu trúc trong cơ thể. MRI cung cấp những hình ảnh về dây chằng và xương. Và nó có thể nhận diện được những gãy xương không nhìn thấy trên X quang.

6. Cách điều trị gãy xương mắt cá chân

Việc điều trị gãy xương mắt cá chân là đa dạng. Nó phụ thuộc vào kiểu gãy, mức độ gãy như thế nào.

  • Thuốc

Bác sĩ có thể kê cho bạn những loại thuốc để giảm viêm, giảm đau.

  • Chườm đá

Vài ngày đầu sau chấn thương, bạn nên chườm đá để giảm đau, giảm sưng. Hãy bọc đá trong một chiếc khăn ẩm. Sau đó chườm leenda vùng xương gãy. Không chườm đá lạnh trực tiếp lên da vì có thể gây bỏng lạnh. Thực hiện 3-4 lần/ngày. Mỗi lần 20 phút.

  • Bó bột, mang nẹp

Những tổn thương nhẹ có thể được điều trị bằng bó bột, mang nẹp. Mục đích để giữ xương ổn định, đúng vị trí khi lành xương. Với những tổn thương nghiêm trọng, bạn sẽ cần đến phẫu thuật trước khi bó bột hoặc mang nẹp.

  • Nạng
Sau khi bó bột, bạn có thể cần nạng để di chuyển dễ dàng hơn, tránh tạo nhiều áp lực lên cổ chân.
Sau khi bó bột, bạn có thể cần nạng để di chuyển dễ dàng hơn, tránh tạo nhiều áp lực lên cổ chân.

Nạng giúp bạn đi lại mà không tải lực lên vùng cổ chân bị thương. Nó được dùng trong khi bạn mang nẹp hoặc bó bột.

  • Nắn xương

Nếu xương gãy của bạn bị di lệch khỏi vị trí của nó, bác sĩ có thể cần phải đưa nó về lại vị trí đúng. Đây được gọi là nắn kín.

Trước khi thực hiện, bạn có thể cần đến thuốc giãn cơ, giảm đau hoặc thuốc tê để kiểm soát cơn đau.

  • Phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật thường được khuyến cáo cho những trường hợp gãy xương nghiêm trọng, mà không thể lành với điều trị bảo tồn.

Một phẫu thuật có thể sử dụng những dụng cụ bằng kim loại như đinh, ốc vít… để căn chỉnh lại xương. Điều này giúp giữ xương đúng chố khi xương lành.

7. Thời gian hồi phục gãy xương mắt cá

Thông thường, gãy xương mắt cá chân có thể lành từ 6-12 tuần. Những tổn thương không cần phẫu thuật có thể lành trong 6 tuần. Trong suốt thời gian này, bác sĩ của bạn có thể chỉ định chụp X quang lại để kiểm tra xương. Những tổn thương cần phẫu thuật co thể cần 12 tuần để lành.

Tuy nhiên, tổng thời gian lành xương của mỗi người là không giống nhau. Nó còn phụ thuộc vào mức độ tổn thương, tuổi, tổng trạng sức khỏe của bạn. Những con số đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo.

8. Lưu ý khi bị gãy xương mắt cá chân

Hút thuốc lá có thể làm chậm quá trình lành xương
Hút thuốc lá có thể làm chậm quá trình lành xương

Trong suốt quá trình hồi phục, điều quan trọng là cần tuân thủ những khuyến cáo của bác sĩ. Điều này giúp xương lành đúng cách. Sau đây là một số gợi ý bạn có thể làm để quá trình hồi phục dễ dàng hơn.

  • Tránh tạo áp lực: Cố gắng không dùng chân bị thương của bạn. Khi đi bộ hoặc di chuyển, không chống chân chịu lực chân bị thương cho đến khi bác sĩ của bạn cho phép.
  • Nghỉ ngơi: Không mang vật nặng hoặc chơi thể thao. Nếu ban cần phải đi đâu đó, hãy nhờ gia đình hoặc bạn bè. Bác sĩ sẽ nói cho bạn khi nào thì an toàn để bạn sử dụng cổ chân của mình.
  • Vật lí trị liệu: Khi xương bắt đầu lành, bác sĩ của bạn có thể yêu cầu bạn thực hiện vật lí trị liệu hoặc hoạt động trị liệu. Các chuyên gia trị liệu sẽ chỉ bạn cách tập luyện với cổ chân của bạn. Những chuyển động này sẽ làm mạnh cho cổ chân của bạn.
  • Ăn uống lành mạnh: Xương gãy cần đủ dinh dưỡng để lành thương. Vì vậy, bạn cần ăn uống lành mạnh, đủ dưỡng chất.
  • Tái khám đúng hẹn: Bác sĩ cần kiểm tra xương bạn có lành tốt không trong mỗi lần tái khám. Vì vậy, cần tái khám đúng hẹn với bác sĩ của bạn.

Gãy xương mắt cá chân là tình trạng gãy xương ở phức hợp mắt cá chân. Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin hữu ích về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị gãy xương mắt cá chân. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. Youmed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân