[ToMo] Học Thụ Động, Học Chủ Động và Học Thực Nghiệm (13 Phương Pháp Học Tập Thú Vị Dành Cho Bạn) – YBOX

Để tôi hỏi bạn một câu này

Hôm qua bạn đã học những gì?

Không thể nhớ đúng không?

Okay, vậy hôm nay bạn đã học được gì?

Vẫn không chắc đúng không?

Chào mừng bạn đến với cái bẫy của kỷ nguyên thông tin. Chúng ta rất may mắn khi có cơ hội để học tất cả những điều chúng ta muốn chỉ với một cú nhấp chuột. Nhưng nó cũng có những mặt trái.

Theo tờ The Telegraph, chúng ta tiếp thu lượng thông tin tương đương 174 tờ báo một ngày ở thời đại này. Lượng thông tin đó có thể khác nhau tùy vào từng người, nhưng có một điều chắc chắn là chúng ta đang bị quá tải thông tin. Nó ảnh hưởng đến khả năng học tập bởi vì não của chúng ta không được thiết kế để xử lý lượng thông tin nhiều như vậy mỗi ngày. Thực tế đáng buồn là hầu hết chúng ta đã trở thành những người học thụ động vì lý do đó. Và nó không phải là lỗi của bạn.

[ToMo] Học Thụ Động, Học Chủ Động và Học Thực Nghiệm (13 Phương Pháp Học Tập Thú Vị Dành Cho Bạn) - YBOX

Khi mọi thứ chỉ là một cú nhấp chuột, não của bạn quen với việc quên và lờ đi thông tin bạn học được. Não của bạn không còn thấy thông tin giá trị nữa và nó lãng quên những kiến thức trong vòng một giờ hay tương tự.

Kết quả là chúng ta tự huyễn hoặc bản thân rằng chúng ta đang học và phát triển. Chúng ta nâng cao sự tự tin không có thật dựa trên những thông tin mà chúng ta thậm chí không thể nhớ lại.

Tin tốt là bạn có thể thay đổi cách học của mình và trở thành chuyên gia về học suốt đời để đạt được những thứ bạn mơ ước.

Học thụ động là gì?

Học thụ động là hình thức học mà người học đón nhận và xử lý thông tin mà không nhận lại bất kỳ phản hồi hay sự rèn luyện nào. Nó là cách nhanh nhất để học và đòi hỏi ít sự nỗ lực nhất, đó là lý do đây là cách học phổ biến nhất.

Đáng buồn thay, đây là hình thức học tệ nhất vì nó làm suy giảm đáng kể khả năng lĩnh hội và phần lớn việc học bị lãng phí. Đó là những gì bạn đã làm trong suốt thời thơ ấu khi ở trường học nên bạn vẫn tiếp tục thực hiện nó mà không nhận ra hậu quả.

Học chủ động là gì?

Học chủ động là hình thức học mà người học chủ động tham gia vào quá trình học và nhận lại phản hồi gần như ngay lúc đó.

Vậy đâu là sự khác biệt giữa học chủ động và học bị động?

Học chủ động không giống như học thụ động bao gồm đọc, nghe hoặc xem một cách thụ động để tiếp thu thông tin. Học chủ động yêu cầu sự tương tác, và nó thực sự hiếm. Những người học suốt đời thực sự hiểu được nguyên lí này, vì vậy họ có được lợi thế “bất công” để thành công trong cuộc sống.

[ToMo] Học Thụ Động, Học Chủ Động và Học Thực Nghiệm (13 Phương Pháp Học Tập Thú Vị Dành Cho Bạn) - YBOX

Những hình thức và ví dụ của học chủ động là gì?

Học để phát triển chủ động đòi hỏi bạn phải biết cách lựa chọn đúng hình thức học dựa trên nhu cầu của bạn. Tôi sẽ trình bày 13 phương pháp học dưới đây, một số ví dụ bao gồm kỹ thuật Richard Feynman, tìm một người hướng dẫn, theo dõi và bám sát lộ trình học, phương pháp động não (brainstorming), ghi chú, gợi nhớ, luyện tập…

Khi nói về luyện tập…

Phương pháp học thực nghiệm là gì?

Học thực nghiệm là hình thức học mà người học học bằng cách thực hành và kết quả được phản ánh qua sự thể hiện của họ. Nó là sự kết hợp giữa luyện tập và hình thức phản ánh của học chủ động. Bạn bước ra thế giới thực, bắt tay vào làm và học từ trải nghiệm của bạn. David Kolb đã giới thiệu mô hình của chu kì học thực nghiệm như sau:

[ToMo] Học Thụ Động, Học Chủ Động và Học Thực Nghiệm (13 Phương Pháp Học Tập Thú Vị Dành Cho Bạn) - YBOX

Vậy lợi ích của việc học thực nghiệm là gì?

Học thực nghiệm là hình thức học tự nhiên nhất bởi vì đó là việc bạn đã làm khi còn là con nít. Bạn quan sát và trải nghiệm thế giới và sau đó sự thông minh có được từ trải nghiệm đó giúp bạn trở nên tiến bộ.

Bây giờ hãy thảo luận về các phương pháp học tốt nhất.

13 phương pháp học để biến học thụ động thành học chủ động

Bước đầu tiên để xác định cách học tốt nhất phụ thuộc vào mục tiêu và chủ đề bạn muốn học. Như những gì đã được giải thích trong nghiên cứu này, cách tốt nhất thường là phối hợp các hình thức học khác nhau để tìm ra sự kết hợp hoàn hảo nhất. Bạn có thể chọn các phương pháp học khác nhau dưới đây:

1. Đánh dấu và chú thích

Trong lúc đọc, bạn có thể đánh dấu, ghi chú, viết nhận xét riêng của bạn, và cứ tiếp tục như vậy. Khi bạn làm cách này, việc học sẽ trở thành hoạt động hai chiều thay vì tiếp thu thụ động.

[ToMo] Học Thụ Động, Học Chủ Động và Học Thực Nghiệm (13 Phương Pháp Học Tập Thú Vị Dành Cho Bạn) - YBOX

2. Suy ngẫm và đặt câu hỏi

Sau khi học, bạn có thể dành thời gian để suy nghĩ về cách áp dụng những thông tin đã học vào cuộc sống hoặc suy ngẫm về ý nghĩa của nó. Bạn có thể tự hỏi bản thân những câu hỏi hay để trích xuất những gì bạn đã học. Các câu hỏi như “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu”, “làm thế nào tôi có thể”, “tại sao” là những ví dụ.

3. Động não và tưởng tượng

Đôi khi cách tốt nhất là hãy sử dụng trí tưởng tượng của bạn để nghĩ ra những ý tưởng liên quan đến chủ đề bạn học. Để bắt đầu, hãy biến việc viết ý tưởng thành một phần cuộc sống của bạn. Bạn luyện tập càng nhiều, bạn càng trở nên sáng tạo hơn. Bạn có thể sử dụng sơ đồ tư duy để liên tưởng và chắt lọc mọi thứ thành ý chính, từ khóa quan trọng.

4. Bám sát lộ trình học và học qua trò chơi

Khi bạn đang muốn hình thành một thói quen, tính cách hay có bài học cho riêng mình, đây là phương pháp tốt nhất. Bạn có thể sử dụng bút và giấy, một ứng dụng, hoặc một bảng tính (tùy thuộc vào mức độ phức tạp của công việc).

Nếu bạn muốn tiến xa hơn, bạn có thể sử dụng phương pháp trò chơi hóa và tính điểm, huy hiệu, phần thưởng, cuộc thi,….Nhưng bạn cần nhớ rằng trò chơi hóa không chỉ nhờ vào động lực bên ngoài, mà bạn nên suy nghĩ về nội lực bên trong bạn để cảm thấy yêu thích việc học.

5. Kỹ thuật Feynman

a) Chọn một chủ đề và bắt đầu tìm hiểu.

b) Giải thích nó cho một đứa trẻ hoặc ai đó không biết về chủ đề theo cách dễ hiểu nhất.

c) Xác định những lỗ hổng kiến thức khi bạn không giải thích được.

d) Tìm hiểu lại những lỗ hổng đó để học tốt hơn.

e) Thực hành lại cho tới khi bạn nắm rõ chủ đề đó.

Bạn có thể gọi kỹ thuật này là sự mở rộng của hoạt động giảng dạy, giải thích, hoặc tóm tắt.

6. Thảo luận và ôn tập với những người cùng trình độ chuyên môn

[ToMo] Học Thụ Động, Học Chủ Động và Học Thực Nghiệm (13 Phương Pháp Học Tập Thú Vị Dành Cho Bạn) - YBOX

Thảo luận một chủ đề bạn đã học với một nhóm hoặc một người bạn cũng có kiến thức về nó sẽ giúp bạn đào sâu kiến thức và khám phá kiến thức mới. Bạn có thể tìm một cộng đồng trực tuyến hứng thú cùng chủ đề và nhận sự hỗ trợ, giải thích, giúp đỡ…

Cách học tương tự là ôn tập với nhóm những người cùng trình độ chuyên môn, nơi bạn có thể đánh giá lẫn nhau và cho nhận xét.

7. Tìm một người hướng dẫn và chủ động thực hành

Một huấn luyện viên hoặc một người hướng dẫn có thể giúp bạn vạch ra lộ trình học nhanh chóng bởi vì họ có thể cho bạn nhận xét ngay tức khắc để bạn sửa lỗi sai. Một huấn luyện viên có thể giúp bạn điều chỉnh những điều mà có thể mất vài năm bạn mới nhận ra.

Những người hướng dẫn có thể biến việc luyện tập thụ động từ trước đến giờ thành luyện tập có chủ ý. Luyện tập có chủ ý là khi bạn có một lộ trình và mục đích đằng sau nhiều giờ luyện tập. Thay vì lặp lại vô nghĩa, phương pháp này cần nỗ lực tập trung cải thiện hiệu suất và kĩ năng với mỗi lần luyện tập.

8. Học thực nghiệm

Như tôi đã giải thích, học thực nghiệm là bước ra ngoài thế giới thực và áp dụng triết lý “sẵn sàng, bắn, ngắm” trái ngược với kỹ thuật “sẵn sàng, ngắm, bắn”. Có nhiều lúc, bạn cần kiến thức từ trải nghiệm riêng của bạn chứ không phải từ sách vở hay nghe giảng.

Vì vậy đừng đợi đến khi bạn tổng hợp được tất cả thông tin ngoài kia. Thay vào đó, hãy ra ngoài thế giới thực ngay cả khi bạn không có đầy đủ kiến thức và học từ trải nghiệm.

[ToMo] Học Thụ Động, Học Chủ Động và Học Thực Nghiệm (13 Phương Pháp Học Tập Thú Vị Dành Cho Bạn) - YBOX

9. Lặp đi lặp lại

Dựa vào mức độ phức tạp của một chủ đề hoặc là mức độ đam mê bạn dành cho nó, bạn sẽ muốn học về chủ đề đó cho dù bạn đã học nhiều như thế nào. Với những chủ đề đó, phương pháp lặp đi lặp đi chính là cách tốt nhất để học và mở rộng vốn kiến thức của bạn.

Tuy nhiên, nó không có nghĩa bạn có thể thụ động khi học những chủ đề này. Khi bạn trở nên giỏi hơn, bạn phải nghĩ cách học sâu hơn để am hiểu nó.

10. Học đúng lúc

Học đúng lúc là tìm hiểu về những chủ đề có liên quan đến thời điểm hiện tại trong cuộc sống của bạn. Ví dụ, nếu bạn đang bắt đầu một công việc kinh doanh, bạn hãy học hàng ngàn thứ về nó trong lúc đó.

Bạn có thể lưu lại thông tin cho sau này và sắp xếp những gì bạn biết bạn sẽ cần sau này. Xây dựng một kho lưu trữ riêng sẽ giúp bạn truy cập thông tin dễ dàng hơn.

11. Học xen kẽ

Kỹ thuật học xen kẽ là học nhiều chủ đề cùng một lúc. Nó không chỉ giúp bạn có hiểu biết về nhiều chủ đề một lần, mà bạn còn sẽ liên kết được những ý tưởng khác nhau từ nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời bạn sẽ sáng tạo hơn khi não bạn quyết tâm theo con đường học tập đó.

Ví dụ, nếu bạn dành một giờ một ngày để học, bạn có thể phân chia thành 3 phiên, mỗi phiên 20 phút và học một chủ đề khác nhau trong mỗi phiên. Đây là một cách hiệu quả để giữ cho bộ não của bạn hoạt động và có một cơ chế học tập có hữu hiệu.

12. Chủ động gợi nhớ

Chủ động gợi nhớ là phương pháp giúp bạn ghi nhớ một chủ đề bằng cách chuyển thông tin từ vùng trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn. Phương pháp tốt nhất để luyện tập là phương pháp lặp lại ngắt quãng. Lặp lại ngắt quãng là thời gian và phương pháp đã được kiểm nghiệm để chuyển những suy nghĩ, bài học, bài thực hành vào tiềm thức của bạn. Ở phương pháp này, bạn dùng kiến thức đã học và để nó vào một hệ thống giúp bạn gợi nhớ lại thông tin.

Nó tốt hơn nhiều việc nhồi nhét quá mức các thông tin trong một lần và tin tưởng rằng bạn có thể nhớ mọi thứ. Bởi vì rất thường xuyên, bạn sẽ quên hầu hết những gì bạn đã học theo cách đó.

[ToMo] Học Thụ Động, Học Chủ Động và Học Thực Nghiệm (13 Phương Pháp Học Tập Thú Vị Dành Cho Bạn) - YBOX

Một trong những cách tốt nhất để luyện tập lặp lại ngắt quãng và chủ động gợi nhớ là sử dụng thẻ ghi nhớ. Câu hỏi ở một mặt và câu trả lời ở mặt còn lại của thẻ ghi nhớ. Nó sẽ để bạn nhớ lại câu trả lời và khi bạn sử dụng nó đủ lâu và đều đặn, não của bạn sẽ xem nó như thông tin quan trọng. Sau đó, nó sẽ được chuyển sang vùng trí nhớ dài hạn và bạn sẽ nhớ lại dễ dàng hơn.

Phần mềm thẻ ghi nhớ thường được sử dụng nhất là Anki. nhưng bạn có thể sử dụng những công cụ trực tuyến như Quizlet hoặc Brainscape để tự tạo thẻ ghi nhớ của mình.

13. Kiểm tra và đánh giá bản thân

Mảnh ghép cuối cùng là kiểm tra lại bản thân bạn. Nó có một giá trị đặc biệt mà bạn không thể có nhờ học tập hay luyện tập đơn thuần.

Bạn cần sự kỉ luật và lòng can đảm để thừa nhận những gì bạn không hiểu hoặc điều bạn gặp khó khăn khi thực hiện. Ngó lơ tất cả những điều đó là sai lầm tệ nhất của người học. Bởi vì bạn cần có một nền tảng vững chắc để lên trình độ nâng cao.

Nên khi bạn tự học, bạn cần có thêm một bước để đánh giá bản thân rồi bạn sẽ học tốt hơn và phát triển nhanh hơn. Bạn sẽ nhận thấy và tập trung vào điểm mạnh và điểm yếu của bạn.

Phần kết – Hãy chọn phương pháp học tập của riêng bạn

Học tập là một nghệ thuật. Bạn có thể lừa dối bản thân bằng cách dành hầu hết thời gian học thụ động. Những phương pháp học ở trên có thể giúp bạn tiến bộ hơn trong nghệ thuật học tập. Kết hợp những phương pháp đó dựa vào kỹ năng hay môn học bạn muốn tìm hiểu. Khi bạn biết nên học như thế nào, bạn sẽ học được nhiều hơn trong thời gian ít hơn. Những người am hiểu nghệ thuật học tập sẽ thành công vì nó là một trong những kĩ năng sống còn của thế kỉ 21. Câu hỏi đặt ra là- Bạn muốn tiến lên hay dừng lại? Liệu bạn sẽ là người phát triển hay thụt lùi? Bạn sẽ là người thành công hay thất bạn?

Tác giả: Prakhar Verma

Link bài gốc: Passive Learning, Active Learning, Experiential Learning (13 Methods)

Dịch giả: Phương Uyên – ToMo – Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Dịch Giả: Phương Uyên – Nguồn: ToMo – Learn Something New”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: “Theo ToMo” hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo – Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.