Khuê Văn Các: Đẹp, nền nã, thi vị – xứng đáng là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội – Báo Đại biểu Nhân dân

Trong quá trình chuẩn bị kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng Thủ đô Hà Nội dành cho công dân Việt Nam trong và ngoài nước. Sau 3 đợt phát động từ năm 1997 – 1999, Hội đồng nghệ thuật xét chọn mẫu biểu trưng Thủ đô Hà Nội gồm nhiều nghệ sỹ, nhà nghiên cứu lịch sử – văn hóa uy tín của Trung ương và Hà Nội đã xem xét hàng trăm tác phẩm, trước khi đi tới kiến nghị chọn mẫu thể hiện Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong vòng tròn bằng đường nét cách điệu, giản dị, khỏe là biểu trưng chính thức của Thủ đô. Là thành viên của Hội đồng nghệ thuật khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long – Hà Nội, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, nguyên Giám đốc Sở VH – TT Hà Nội Nguyễn Viết Chức cho biết: “Khi chọn mẫu này, Hội đồng nghệ thuật đã xét đến cả các yếu tố như Khuê Văn Các là một trong những hạng mục quan trọng tạo nên quần thể di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội – trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi giáo dục, vinh danh tinh thần hiếu học, trọng hiền tài của nhiều thế hệ người Việt Nam, được đông đảo người dân trong nước cũng như quốc tế biết đến. Công trình ấy vừa có giá trị văn hóa vật thể, vừa mang giá trị phi vật thể sâu sắc. Khuê Văn Các chỉ có riêng ở Hà Nội, mang dấu ấn văn hóa Hà Nội rõ nét, xứng đáng là biểu tượng của Thủ đô”.

Được xây dựng dưới triều Nguyễn (1805), Gác Khuê Văn xưa kia là nơi dùng để họp bình những bài văn hay của các sĩ tử đã thi trúng khoa thi hội. Khuê Văn Các không chỉ nói đến sự trong sáng của nhà Nho hay tượng trưng cho sao Khuê – sao chủ văn học, mà còn mang ý nghĩa phát sinh, phát triển của vũ trụ, sự tạo lập thế giới nhân sinh. Theo họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Hội đồng nghệ thuật cuộc thi chọn mẫu biểu trưng Hà Nội: biểu trưng của Hà Nội, ngoài tính điển hình, khái quát thì còn mang giá trị nghệ thuật, giá trị biểu tượng, nếu so sánh với các di tích khác thì rõ ràng Khuê Văn Các hợp lý hơn cả. Tờ trình về việc công nhận biểu trưng chính thức của Thủ đô Hà Nội gửi HĐND thành phố nêu rõ: mẫu biểu trưng đã nêu được truyền thống văn hóa dân tộc qua hình tượng Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám – trung tâm văn hóa, nơi đào tạo nhân tài của đất nước ta trong lịch sử. Thể hiện hình tượng ngôi sao khuê là thể hiện sự vươn tới văn hóa, vươn tới tri thức loài người. Mẫu biểu trưng thể hiện Khuê Văn Các với phong cách nghệ thuật hiện đại, chắc chắn, vững vàng; hình tròn bao quanh và hình vuông ở giữa thể hiện truyền thuyết dân gian Việt Nam “trời tròn, đất vuông”. Hình tròn bên ngoài còn thể hiện ý thức bảo tồn di sản và truyền thống văn hóa của Hà Nội và của dân tộc. Hình vuông ở chân đế thể hiện cánh cửa đến với tri thức, đến với tương lai đang rộng mở… Có thể nói, mẫu biểu trưng đã cơ bản thể hiện được tính chất và đặc điểm của Thành phố Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến, kết hợp hài hòa tính thẩm mỹ, bản sắc dân tộc và tính hiện đại, trang trọng.

Nguồn: thanglonghanoi.gov.vn

Cuối năm 1999, sau khi được HĐND TP Hà Nội ra Nghị quyết về việc công nhận biểu trưng của Thủ đô Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Ban Tư tưởng – Văn hóa T.Ư (nay là Ban Tuyên giáo T.Ư) và Bộ VH – TT (nay là Bộ VH, TT và DL) về việc công bố và đưa vào sử dụng biểu trưng nói trên. Kể từ khi được công nhận, biểu trưng Thủ đô Hà Nội đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trong công tác tổ chức các lễ hội kỷ niệm, trong hoạt động của các cơ quan Hà Nội, ban hành văn bản, công bố sản phẩm… Đặc biệt là từ sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, biểu trưng Khuê Văn Các đã thực sự trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Khuê Văn Các đẹp, nền nã và thi vị xứng đáng là biểu tượng đẹp nhất của Hà Nội – Thủ đô Nước CHXHCN Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Khuê Văn Các là sự nhắc lại chân lý “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”

Khuê Văn Các đáp ứng được các tiêu chí của một biểu tượng ở nhiều mặt. “Khuê” tức là sao Khuê – ngôi sao sáng, nên Khuê Văn Các là biểu hiện đỉnh cao của trí tuệ, là sự khái quát, sự nhắc lại một chân lý “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” đã khắc trên văn bia tại Văn Miếu. Hơn thế, Khuê Văn Các có 2 tầng, 8 mái, nóc ở trên là 9. Theo kinh dịch, những con số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) là dương, thể hiện sự sinh sôi nảy nở, phát triển. Cạnh Khuê Văn Các là giếng Thiên Quang hình vuông, tượng tưng cho mặt đất, các cửa sổ hình tròn của gác Khuê Văn tượng trưng cho bầu trời, có ý nói đây là nơi tập trung mọi tinh hoa của đất trời… Bởi thế, Khuê Văn Các là biểu tượng cho mong ước phát sinh, phát triển của con người, vừa phù hợp với tư duy, ước vọng của người xưa, vừa đáp ứng được mong muốn phát triển của thời nay.

Với những tầng ý nghĩa như vậy, tôi cho rằng Hà Nội chọn Khuê Văn Các làm biểu trưng là có ngụ ý lấy trí tuệ làm con đường đi tới tương lai, nói cách khác là Hà Nội hướng tới tương lai, xây dựng tương lai dựa trên nền tảng trí tuệ. Do đó, việc chọn Khuê Văn Các làm biểu tượng của Hà Nội sẽ đáp ứng được các yêu cầu của quá khứ, hiện tại, tương lai.

Giám đốc Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội Đặng Kim Ngọc: Gác Khuê Văn là biểu trưng cho trí tuệ, giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long – Hà Nội

Khuê Văn Các biểu trưng cho giáo dục, trí tuệ, giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long – Hà Nội, đi vào tâm thức của người Hà Nội nhiều thế hệ, xứng đáng trở thành biểu tượng của Hà Nội. Về mặt kiến trúc, Khuê Văn Các tuy không hoành tráng nhưng lại hài hòa với quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, phù hợp với quan niệm về cái đẹp của người Việt, đó là cái đẹp cân đối, hài hòa.

Biểu trưng của Hà Nội là hình ảnh Khuê Văn Các trong vòng tròn cách điệu đã được sử dụng hơn 10 năm nay, được nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng khi thiết kế logo, được người dân đón nhận, nên theo tôi không cần và không nên thay đổi. Việc quan trọng cần làm là tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Khuê Văn Các với ý nghĩa biểu tượng của Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.