Phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Phố Minh Khai dài 3.712m, rộng 7-8m.

Phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Phố Minh Khai nguyên là một đoạn của tòa thành đất vòng ngoài bao quanh kinh thành Thăng Long xưa. Tại đây có ngôi chùa Hưng Ký làm xong vào năm 1933 là một kiến trúc Phật giáo tiêu biểu ở giai đoạn chót trước Cách mạng tháng Tám, đáng chú ý nhất là các họa tiết và các câu đối toàn bằng sứ tráng men ngũ sắc.

Phố này, thời Pháp thuộc, phần phía tây gọi là Hưng Ký (lấy tên nhà tư sản Hưng Ký có một dãy nhà cho thuê ở đó), phần phía đông là phố Mai Động (lấy tên làng sở tại). Trong đợt đổi tên phố tháng 6/1964, ta đã hợp hai phố lại và đặt tên như hiện nay.

Nay thuộc các phường Vĩnh Tuy, Thanh Lương, Minh Khai, Trương Định, quận Hai Bà Trưng.

Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941), lúc nhỏ tên là Vịnh, sinh tại thành phố Vinh. Ông cụ thân sinh vốn quê ở thôn Quan Nhân (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân – Hà Nội). Nhưng vào Vinh làm công chức và lập gia đình luôn tại thành phố này.

Bà là một học sinh xuất sắc của trường nữ học Vinh. Năm 1927, tham gia Tân Việt cách mạng đảng. Năm 1930 gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương phụ trách tuyên truyền huấn luyện ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy. Mùa hè năm 1930, được cử sang Hương Cảng (Trung Quốc) công tác tại Văn phòng chi nhánh Đông phương bộ của Quốc tế cộng sản. Nhưng vào mùa hè năm sau (1931) bị mật thám Anh bắt trao cho chính quyền Quốc dân đảng tỉnh Quảng Đông. Bị giam cầm trên 3 năm, mãi đến 1934, do Hội Cứu tế đỏ can thiệp, bà mới được trả tự do. Cuối năm 1934, được Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước cử vào đại biểu Đảng đi dự Đại hội lần thứ bảy của Quốc tế cộng sản họp ở Matxcơva. Đoàn gồm 3 người: Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nọn và Nguyễn Thị Minh Khai.

Trong những ngày còn ở Thượng Hải, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã kết hôn. Sau đó từ Thượng Hải, đoàn đáp tàu thủy sang Vla-đi-vô-xtốc rồi về Matxcơva. Tháng 7/1935, đại hội khai mạc, Minh Khai, với bí danh là Phan Lan, đã đọc tham luận “Vai trò phụ nữ Đông Dương tham gia đấu tranh cách mạng”. Sau đại hội, bà vào học trường Đại học phương Đông. Tháng 3/1936, bà về nước, tham gia Xứ ủy Nam Kỳ và phụ trách Bí thư thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, cùng các đồng chí lãnh đạo cao trào cách mạng 1936-1939. Bà đã có những đóng góp lớn trong việc lãnh đạo phong trào công nhân, phụ nữ và đấu tranh chống tư tưởng tả khuynh. Ít lâu sau, Lê Hồng Phong cũng về nước. Cho tới mùa hè 1938 Lê Hồng Phong bị mật thám bắt, và ngày 30/7/1940 thì đến lượt Nguyễn Thị Minh Khai sa vào tay giặc. Sau gần một năm giam cầm tra tấn mà không moi được bí mật nào, kẻ thù đã đem bà ra xử bắn tại Hóc Môn vào ngày 28/8/1941, khi đó bà mới qua tuổi ba mươi.