Múa dân vũ: Khi văn hoá &quotmượn&quot khiêu vũ làm lời

Khác với Flashmob dùng những loại nhạc hiện đại thời thượng, dân vũ là điệu múa được thể hiện trên nền nhạc dân gian hoặc là các điệu nhảy dân gian. Nói như vậy thôi chứ các điệu múa dân vũ thực ra lại rất đơn giản, dễ nhớ, dễ tập để bất kì ai cũng có thể nhảy theo được. Các điệu múa dân vũ thường có sự tham gia của nhiều người, mang tính cộng đồng cao. Mỗi điệu múa đều ẩn chứa một câu chuyện riêng, thể hiện đậm nét các giá trị văn hoá của cộng đồng, của dân tộc.

Để nói về dân vũ, người ta có thể chia làm 3 loại: dân vũ lễ hội, dân vũ đời sống và dân vũ sử thi. Cả 3 loại này đều có điểm chung là thông qua điệu múa, kể những câu chuyện muôn màu trong cuộc sống. Nếu như dân vũ lễ hội được dùng để thể hiện các điểm đặc trưng của mỗi lễ hội, với một số bài dân vũ đặc trưng cho loại hình này như bài “Té nước” trong lễ hội té nước ở Thái hoặc bài “Cà chua” trong lễ hội ném cà chua ở Tây Ban Nha.

Thì dân vũ đời sống là một lời kể nhẹ nhàng êm ái về cuộc sống hàng ngày, được lãng mạn hoá qua điệu nhảy nhưng vẫn giữ được những điểm đặc trưng trong đời sống của người dân. Còn loại hình thứ ba, dân vũ sử thi, lại là những điệu nhảy đầy tự hào, mang đầy dấu ấn lịch sử dân tộc như Việt Nam có bài “Uy vũ” nói về văn minh lúa nước với săn bắn hái lượm hay như Nhật Bản có bài “Soran Bushi” nói về đấu tranh với quái vật.

Có thể thấy, các điệu múa dân vũ thật muôn màu muôn vẻ, mang đậm các dấu ấn lịch sử, giá trị văn hoá và truyền thống của mỗi dân tộc với mỗi bài múa lại kể một câu chuyện riêng. Bên cạnh đó, chẳng cần sân khấu hào nhoáng, múa dân vũ có thể được biểu diễn ở bất kì đâu, có lẽ bởi vậy mà những điệu nhảy này càng có thể ảnh hưởng tới nhiều người hơn.

Với chủ đề “Bình tĩnh sống” cho mùa WeChoice năm nay, WeDo của chúng tôi mong muốn được kể cho mọi người câu chuyện về 47 thầy giáo dạy trẻ tại một vùng núi hẻo lánh, trập trùng ở Nghệ An. Từ bỏ một cuộc sống đầy vui thú nơi thành phố, các thầy giáo đã dũng cảm làm một việc mà chẳng phải ai cũng dám làm. Các thầy đã chấp nhận cuộc sống khắc khổ lên tận vùng núi hẻo lánh để mang cái chữ cho trẻ em nơi này.

Những người vốn đã quen với cuộc sống đủ đầy nơi thành thị có lẽ sẽ chẳng thể tưởng tượng về cuộc sống ở một nơi chẳng có điện, chẳng có đủ đồ ăn, cũng chẳng có những phương tiện giải trí thông thường. Thậm chí, có những ngày mưa, con đường lên núi không thể đi được bằng các phương tiện thông thường, cảnh các thầy giáo bê xe đạp vượt qua con đường đầy bùn đất chẳng hề lạ lẫm chút nào. Vậy mà chẳng một lời kêu ca, các thầy vẫn tiếp tục lựa chọn cuộc sống đầy khó khăn này.

Không sống một cuộc sống vội vã theo guồng quay xã hội, ngay giữa nơi kham khổ của núi rừng hoang vu, các thầy đã thật sự sống thật bình tĩnh giữa cuộc đời. Cứ yêu thương, cứ nhân ái và nhiệt huyết với niềm mong mỏi mang lại thật nhiều điều ý nghĩa cho cuộc đời, chỉ vậy thôi mà đã thấy cuộc sống đẹp lắm rồi.

Lấy cảm hứng từ câu chuyện của 47 thầy giáo nói trên, một điệu múa dân vũ đã hình thành với mong muốn lưu giữ, lan truyền những giá trị tinh thần tốt đẹp trong cuộc sống. Điệu múa dân vũ sẽ do chính 47 thầy giáo cùng tham gia, kể một câu chuyện đẹp về giáo dục, sự gắn bó & tình cảm của con người miền núi.

Hãy cùng đón xem điệu múa dân vũ mà WeDo mang tới lần này sẽ thế nào nhé.