Nghe tim khi khám tim: Những điều cần biết | Vinmec

Dựa vào các biểu hiện khi nghe tim, bác sĩ có thể chẩn đoán được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Cụ thể:

3.1 Nhịp tim

Nhịp tim ở người trưởng thành bình thường là 60 – 80 lần/phút. Thông thường, nhịp tim rất đều do hệ thống thần kinh tự động chi phối. Khi hệ thống này bị tổn thương, nhịp tim sẽ nhanh, chậm hoặc loạn nhịp.

Khi nghe tim ở một số bệnh nhân, có trường hợp nghe thấy tiếng thứ nhất và tiếng thứ hai có 2 tiếng chồng lên nhau – thấy tim đập theo nhip 3 tiếng hoặc 4 tiếng.

  • Tiếng thứ hai phân đôi sinh lý: Nghe rõ ở khoảng liên sườn 2 hoặc 3 bên trái vào cuối thì thở vào, không nghe thấy thường xuyên
  • Tiếng thứ nhất phân đôi: Gồm 2 tiếng sát nhau, nghe rõ ở vùng mỏm tim hoặc phía trong đường giữa xương đòn lên sườn 5 bên trái. Thường nghe được khi người bệnh đứng. Tiếng thứ nhất phân đôi sinh ra do các van nhĩ thất đóng không đều, gặp ở người khỏe mạnh, tim hay kích động hoặc người mắc các bệnh ảnh hưởng tới cơ tim;
  • Tiếng clắc mở van 2 lá: Là tiếng thêm vào tiếng thứ hai, nghe giống tiếng clắc, âm sắc khô, nghe rõ ở khoảng liên sườn 4, 5 trái ở vùng trong mỏm tim và đôi khi nghe được ở đáy tim. Tiếng này có giá trị trong chẩn đoán bệnh hẹp van 2 lá, phát sinh do van 2 lá xơ cứng, các lá van khi mở ra tách khỏi nhau tạo thành tiếng clắc
  • Tiếng ngựa phi: Nhịp 3 tiếng này do một tiếng nhỏ thêm vào ở thời kỳ tâm trương. Tiếng ngựa phi sinh ra trong trường hợp suy tâm thất, nghe rõ ở vùng trong mỏm tim hoặc mỏm tim khi người bệnh nằm nghiêng bên trái. Tiếng ngựa phi phải do tâm thất phải bị suy (nghe rõ cạnh mỏm ức), tiếng ngựa phi trái do tâm thất trái bị suy (nghe rõ ở mỏm tim). Tiếng ngựa phi thường kèm theo nhịp tim nhanh. Tiếng ngựa phi là dấu hiệu của suy tâm thất, tiên lượng xấu, đặc biệt là với suy tâm thất trái. Một số bệnh dẫn tới suy tâm thất trái gồm: tăng huyết áp, hở lỗ động mạch chủ, hẹp lỗ động mạch chủ, thấp tim, viêm thận cấp và mãn tính, viêm và phồng động mạch chủ do giang mai.

3.2 Tiếng tim

Tiếng tim thứ nhất tạo ra do đóng các van 2 lá, 3 lá trong thì tâm thu. Tiếng tim thứ hai tạo ra do đóng các van động mạch chủ, động mạch phổi. Tiếng tim thứ nhất nghe trầm dài, tiếng tim thứ hai nghe thanh và gọn hơn. Tiếng thứ nhất nghe rõ ở mỏm tim, tiếng thứ hai nghe rõ hơn ở đáy tim. Ở một số trẻ em và thanh niên, đôi khi nghe được tiếng thứ ba sau tiếng thứ hai. Tiếng thứ ba là tiếng tim sinh lý do máu dồn mạnh từ nhĩ xuống thất ở thời kỳ đầu tâm trương. Có tiếng tim thứ tư nhưng khá hiếm gặp. Tiếng tim thứ tư còn gọi là tiếng tâm nhĩ, có thể ghi được trên tâm thanh đồ.