Vùng biển quốc tế và quyền tự do trên vùng biển quốc tế – Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Nhà Xinh Plaza mời các bạn xem ngay kiến thức rất hay về Vùng biển quốc tế là gì hay nhất được tổng hợp bởi Nhà Xinh Plaza, đừng quên chia sẻ bài viết thú vị này nhé!

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, toàn bộ biển trên thế giới được chia thành hai bộ phận: thứ nhất là các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước ven biển; thứ hai là các vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế. Vùng biển quốc tế (hay còn gọi là biển cả) rất rộng, gồm toàn bộ các khu vực biển nằm ngoài lãnh hải 03 hải lý của các nước ven biển. Với sự ra đời của vùng đặc quyền kinh tế (200 hải lý) thuộc quyền chủ quyền của các nước ven biển, nên phạm vi vùng biển quốc tế được thu hẹp, là vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 còn quy định: “Biển cả” là tất cả những vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước, quần đảo của một quốc gia quần đảo. Thống nhất với quy định đó, để cụ thể hóa với nước ta, trong Luật Biển Việt Nam quy định: “vùng biển quốc tế” là tất cả các vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các quốc gia khác, nhưng không bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Như vậy, thuật ngữ “Vùng biển quốc tế” (theo Luật biển Việt Nam) hay “Biển cả” (theo Công ước quốc tế) đều được thống nhất với nhau và chỉ được áp dụng đối với cột nước bên trên đáy biển.

Vùng biển quốc tế có vai trò quan trọng đối với các hoạt động của mọi quốc gia. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho các nước, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã quy định rõ ràng, cụ thể về chế độ pháp lý cho vùng biển này. Theo đó, các quốc gia, dù có biển hay không có biển, đều được phép sử dụng vùng biển quốc tế theo quy định (hay còn gọi là tự do biển cả). Quyền tự do đó được quy định tại Điều 87 của Công ước, bao gồm: tự do hàng hải; tự do hàng không; tự do đặt các dây cáp hoặc ống dẫn ngầm, với điều kiện tuân thủ các quy định của Công ước về thềm lục địa; tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác, được pháp luật quốc tế cho phép, với điều kiện tuân thủ các quy định của Công ước về thềm lục địa; tự do đánh bắt hải sản, với điều kiện tuân thủ các quy định của Công ước về bảo tồn và quản lý tài nguyên, sinh vật của biển cả; tự do nghiên cứu khoa học, với điều kiện tuân thủ các quy định của Công ước về thềm lục địa, nghiên cứu khoa học biển và chế độ các đảo. Như vậy, khi thực hiện quyền tự do này, các nước đều phải tôn trọng lợi ích của nước khác, cũng như phải tuân thủ quy định về các quyền được thừa nhận liên quan đến hoạt động trong vùng biển quốc tế của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, như: bảo vệ môi trường biển, bảo tồn tài nguyên sinh vật biển, an toàn hàng hải, hợp tác trấn áp cướp biển, v.v. Công ước cũng quy định: vùng biển quốc tế được sử dụng vì mục đích hòa bình và không nước nào được phép đòi một khu vực nào đó của vùng biển quốc tế thuộc chủ quyền của mình.

Việc phát huy, duy trì về quyền tự do trên vùng biển quốc tế là nhu cầu tất yếu của các nước có biển cũng như không có biển để phục vụ quá trình phát triển đất nước, đó là quyền lợi thực thụ. Tuy nhiên, để quyền tự do đó được bảo đảm một cách công bằng, mỗi nước cần chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tiến tới một thế giới ổn định, hòa bình và ngày càng phát triển.

Nguyễn Văn Sử thực hiện