Ngủ đất lợi ít, hại nhiều

Thời tiết mùa hè thường oi bức, nóng nực nên nhiều người chọn cách ngủ dưới đất cho mát thay vì ngả lưng trên giường.

Ốm vì ngủ dưới đất

Chị Nguyễn Ngọc Hải ở khu tập thể Vĩnh Hồ, Hà Nội cho biết, nhà nằm tầng 1, vốn mát mẻ, nên vào mùa hè, thay vì ngủ ở giường thì chị chọn giải pháp ngủ dưới đất. Nền nhà bằng đá hoa mới lát sáng bóng nên chị chỉ cần lấy khăn lau sạch rồi cả nhà cùng ngả lưng, mát lịm. Thậm chí ngay cả khi chồng chị làm vài chén bia hay rượu vẫn thích nằm đất cho mát. Có điều, sau khi nằm dưới đất một thời gian, khi ngủ dậy chị thường thấy mệt mỏi, đau nhức người và giấc ngủ không sâu như nằm ngủ ở trên giường.

Cẩn thận hơn, chị Nguyễn Thu Hoài (Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vì sợ nền nhà bẩn nên khi nằm dưới đất chị thường trải chiếu trúc hoặc là đệm. Tuy nhiên, dù đã trải chiếu hoặc kê đệm, chị vẫn thấy giấc ngủ không sâu, buổi đêm hay thức giấc, ngủ dậy thì thấy mệt, đầu óc lơ mơ…

Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết, đúng là vào mùa hè, nhiều người chọn giải pháp nằm dưới đất vì nghĩ đất mát, dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, việc nằm ngủ dưới đất lợi thì ít mà hại thì nhiều. Việc nằm ngủ đất đã phạm vào một trong 6 yếu tố gây bệnh do ngoại cảnh mà Đông y gọi là lục khí.

Lương y Vũ Quốc Trung giải thích lục khí gồm: Phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (độ ẩm), táo (khô), hỏa (nhiệt). Chiếu theo lục khí thì việc ngủ dưới đất phạm phải yếu tố “thấp”. Thông thường trong đất, hơi ẩm rất lớn nên người ngủ dễ bị nhiễm ẩm từ đất bốc lên khiến cơ thể nặng nề, mệt mỏi khi ngủ dậy.

Điều đáng nói, nếu ngủ dưới nền đất nhiều, hơi ẩm có điều kiện tích tụ trong cơ thể lâu có thể gây ảnh hưởng đến kinh lạc, khí huyết của con người. Kinh lạc là đường tuần hành khí huyết đi nuôi dưỡng toàn thân, duy trì mọi hoạt động sinh lý của cơ thể, chống ngoại tà và bảo vệ cơ thể. Nếu chức năng vận hành khí huyết của kinh lạc bị trở ngại, khí huyết không thông lập tức sẽ xuất hiện dấu hiệu bệnh lý, nhẹ thì có thể chỉ là mỏi mệt, đau nhức người, nhưng nặng hơn thì nằm ngủ dưới nền đất có thể dẫn đến một số bệnh như cảm, ho có đờm…

Nằm ngủ đất phạm vào một trong sáu yếu tố gây bệnh do ngoại cảnh. Nằm ngủ đất phạm vào một trong sáu yếu tố gây bệnh do ngoại cảnh.

Cần khoảng không gian trống

Vẫn theo lương y Vũ Quốc Trung, nhiều người cho rằng nằm đất ở đây không phải nằm thẳng xuống nền đất mà nằm trên nền đá hoa vì thế sẽ ngăn cản được hơi đất nên không bị ngấm. Quan điểm này là rất sai lầm bởi giữa nền đất và sàn đá hoa vẫn có sự trao đổi ẩm, dù là nằm trên nền xi măng hay nền lát đá hoa, việc nhiễm ẩm vẫn diễn ra như thường. Hơn nữa, sàn đá hoa ngấm ẩm còn tạo cảm giác mát lạnh khi nằm xuống, nhưng như vậy, người nằm có nguy cơ nhiễm cả hai yếu tố trong lục khí là “hàn” và “thấp”.

Việc trải chiếu, trải đệm cũng giúp cách ly hơi ẩm hơn so với nằm thẳng xuống nền nhà, nhưng khả năng “ngấm” hơi lạnh vẫn có. Ngoài ra, do kê thẳng xuống nền nhà nên không có sự trao đổi không khí khiến giấc ngủ không được ngon và vẫn còn cảm giác mệt mỏi, khó chịu.

Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, để đảm bảo tốt nhất cho sức khoẻ và giấc ngủ ngon thì nên ngủ trên giường. Bởi giường thường kê cao hơn so với mặt đất, khoảng không dưới gầm giường sẽ giúp tránh được hơi ẩm từ đất, đồng thời có sự trao đổi không khí giúp cho giấc ngủ ngon và sâu.

KS Nguyễn Văn Ninh, Công ty Nội thất Sơn Cường cũng đồng quan điểm khi cho rằng, giường vẫn là biện pháp tốt nhất để có được giấc ngủ ngon. Lý do là khi nằm giường luôn có một khoảng trống ở bên dưới thông thoáng. Khoảng trống này vừa tránh được hơi ẩm của đất, vừa giúp lưu thông không khí tạo ra sự trao đổi không khí, giúp cho dòng chảy năng lượng được lưu thông, từ đó đem đến giấc ngủ sâu, ngon. Tuy nhiên, khi nằm giường cần chú ý vệ sinh gầm giường thoáng sạch, tránh biến đây thành nơi để đồ tối tăm, dễ sinh nấm mốc, vi khuẩn.

Về mặt phong thủy, để đảm bảo giấc ngủ ngon nên tránh kê giường dưới cửa sổ, nhất là phần đầu giường kê sát vào cửa sổ. Vì đây là nơi có luồng khí và luồng ánh sáng mạnh nhất dễ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

KS Nguyễn Văn Ninh

Theo Kiến Thức