Viêm đau đại tràng nên ăn gì? | Vinmec

Thực phẩm mà người bệnh dùng có mối liên quan, tác động đến thời điểm giai đoạn bùng phát của bệnh xảy ra. Chế độ ăn sẽ khác nhau ở mỗi người vì không phải tất cả mọi người đều sẽ phản ứng giống nhau đối với một loại thực phẩm cụ thể.

Một số loại thực phẩm sau đây được bác sĩ xác định là tác nhân tiềm ẩn làm nặng hơn bệnh viêm đại tràng. Bao gồm:

  • Caffeine: Mặc dù không có nhiều dữ liệu về tác động của caffeine đối với các triệu chứng viêm đại tràng, nhưng trong một cuộc khảo sát năm 2013 với 442 người bị viêm đại tràng đã phát hiện ra rằng 22% số người mắc bệnh cho biết caffeine làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Caffeine là thành phần của cà phê, trà, soda và socola.
  • Các sản phẩm từ sữa: Mặc dù đây không phải tất cả những người bị viêm đại tràng xuất hiện triệu chứng nặng hơn khi dùng sữa, nhưng những người không dung nạp lactose nên tránh dùng sữa.
  • Rượu: có thể gây tiêu chảy ở một vài người bệnh.
  • Đồ uống có ga: Một số loại nước ngọt và bia có thể gây kích ứng đường tiêu hóa và gây đầy hơi. Nhiều đồ uống có ga cũng chứa đường, caffein hoặc chất làm ngọt nhân tạo, góp phần làm gia tăng các triệu chứng.
  • Thực phẩm giàu chất xơ: như trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, quả mọng, đậu Hà Lan và các loại đậu. Nếu tiêu thụ với số lượng lớn gây ra đau bụng, chướng khí và làm tăng số lần đi ngoài.
  • Bỏng ngô: Bệnh nhân viêm đại tràng thường khó tiêu hóa thực phẩm này, tương tự như các loại hạt và quả hạch khác.
  • Khoai tây: Có chứa glycoalkaloids, làm phá vỡ tính toàn vẹn của màng tế bào của ruột. Những chất này có trong vỏ và khoai tây chiên nhiều hơn khoai tây nướng hoặc luộc.
  • Thực phẩm có chứa lưu huỳnh hoặc sulfit: Sản sinh nhiều khí gây nên tình trạng chướng bụng. Một số loại thực phẩm này bao gồm bia, rượu, hạnh nhân, rượu táo, đậu nành, bánh mì, đậu phộng, nho khô và các loại thịt chế biến sẵn.
  • Thịt mỡ: Trong giai đoạn bùng phát, đường ruột không hấp thụ hết chất béo từ thịt, điều này làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn.
  • Các loại hạt: Chúng có thể gây đau bụng, đầy hơi và tiêu chảy. Khi người bệnh đang trong giai đoạn bùng phát, ngay cả với một lượng nhỏ cũng có thể gây ra các triệu chứng.
  • Đường fructose: Cơ thể của người bị viêm đại tràng thường không có khả năng hấp thụ tốt lượng đường fructose như bình thường, sử dụng sẽ gây ra đầy hơi và tiêu chảy. Kiểm tra thành phần của một số thực phẩm như nước trái cây, mật ong và mật đường trước khi sử dụng vì tất cả đều chứa fructose.
  • Rau củ quả chưa nấu chín: Đây là những thực phẩm thường chứa nhiều chất xơ, khó tiêu hóa trong thời gian bùng phát, gây đầy hơi, chướng bụng và đau quặn bụng. Những người bị viêm đại tràng nên ăn rau đã nấu chín sẽ tốt hơn so với ăn sống.
  • Thực phẩm cay: Đối với những người bị viêm đại tràng, thức ăn cay và nóng có thể gây khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng giai đoạn bùng phát.
  • Gluten: Đây là một thành phần của lúa mì và lúa mạch.
  • Chất nhũ hóa thực phẩm: Chúng bao gồm carboxymethylcellulose và polysorbate-80, được các nhà sản xuất thêm vào nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.