Điều trị loạn sản cổ tử cung | Vinmec

1.1 Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (loop electrosurgical excision procedure – LEEP)

Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện là kỹ thuật loại bỏ mô cổ tử cung bất thường bằng một vòng mảnh được đốt nóng bằng điện (vòng điện này giữ vai trò như một dao mổ).

Quá trình khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện được thực hiện rất nhanh, chỉ mất vài phút, và trước khi thực hiện kỹ thuật không cần phải chuẩn bị đặc biệt gì. Bệnh nhân sẽ nằm ngửa ở tư thế giống như khi làm xét nghiệm Pap và được giảm đau. Sau khi đặt mỏ vịt, bác sĩ sử dụng máy soi cổ tử cung để nhìn rõ âm đạo, cổ tử cung nhằm dẫn đường cho vòng điện tiến vào loại bỏ mô bệnh ở cổ tử cung.

Sau khi thực hiện khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện, đa số bệnh nhân có thể quay lại các hoạt động bình thường trong vòng từ 1 đến 3 ngày, đồng thời nên tránh quan hệ tình dục, thụt rửa hoặc sử dụng tampon từ 2 tới 4 tuần.

Bệnh nhân có thể cần làm lại khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện nếu như sau lần thực hiện đầu tiên vẫn chưa loại bỏ hết phần mô bệnh (tuy nhiên khả năng xảy ra tình huống này là rất thấp).

Các tác dụng không mong muốn khi thực hiện khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện bao gồm:

  • Đau bụng.
  • Dịch tiết âm đạo tối màu trong tuần đầu sau khi thực hiện khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện.
  • Ra huyết âm đạo ít trong 1-2 tuần kể từ khi thực hiện kỹ thuật
  • Những tác dụng không mong muốn nặng hơn nhưng ít gặp: chảy máu âm đạo nặng, đau không đáp ứng với thuốc giảm đau, các dấu hiệu nhiễm trùng (đau tăng lên, sốt, ra dịch âm đạo vàng và có mùi khó chịu).

Đa số bệnh nhân không bị vấn đề dài hạn nào sau khi thực hiện khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện, nhưng vẫn có thể xảy ra một số vấn đề như đau bụng kinh nặng, sinh non, hoặc khó thụ thai (do cổ tử cung bị hẹp hoặc bị sẹo).

1.2 Phẫu thuật lạnh (cryosurgery)

Phẫu thuật lạnh, còn gọi là áp lạnh, là kĩ thuật sử dụng nguồn cực lạnh (nitrogen lỏng hoặc carbon dioxide) để đóng băng và phá hủy mô và tế bào bất thường. Nguồn cực lạnh được dẫn qua một ống kim loại. Sau khi hoàn thành quá trình đóng băng, ống kim loại được làm ấm lên và đưa ra ngoài. Khối mô bệnh bị đóng băng sẽ tan chảy và hình thành mô sẹo.

Các tác dụng không mong muốn của phương pháp phẫu thuật lạnh có thể xảy ra là:

  • Đau: Đau thường xảy ra sau khi thực hiện phẫu thuật lạnh, sẽ mất đi sau một thời gian ngắn, và thường đáp ứng với thuốc giảm đau.
  • Nhiễm khuẩn: Dù không thường xảy ra, nhưng sau khi phẫu thuật lạnh vẫn có thể xuất hiện nhiễm khuẩn, với các biểu hiện như tiết dịch bất thường có mùi khó chịu, sốt hoặc rét run,…

1.3 Phẫu thuật bằng laser

Phẫu thuật bằng laser là một phương pháp phẫu thuật sử dụng chùm ánh sáng (laser) để tạo các đường cắt không chảy máu trong mô. Chùm laser chiếu vào sẽ đốt vị trí mô bị bệnh và làm nó bốc hơi.

Các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra đối với phẫu thuật bằng laser bao gồm:

  • Đau: Sau khi thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân có thể xuất hiện đau, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và thường đáp ứng với thuốc giảm đau.
  • Chảy máu: Phẫu thuật bằng laser hiếm khi gây chảy máu sau khi thực hiện, bởi nhiệt từ chùm laser đã cầm máu các mạch máu bị tổn thương trong lúc thực hiện phẫu thuật.
  • Nhiễm khuẩn: Ít khi xảy ra, bởi ưu điểm của phẫu thuật bằng laser là nhiệt từ chùm laser trong quá trình phẫu thuật có tác dụng tiệt khuẩn tại chỗ, do đó khiến nguy cơ nhiễm khuẩn giảm thấp.