Cách viết nóc và câu đầu nhà – Báo Đại biểu Nhân dân

Minh họa của Thanh Huyền

Tất cả những điều đó đều liên quan tới sức khỏe người ở trong nhà nên ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, danh vọng và quan hệ gia đình. Nhiều bộ môn khoa học bí truyền ăn theo việc này. Xem hướng nhà có thầy phong thủy. Xem ngày giờ tuổi tác có thầy tử vi. Khai quang trấn trạch có thầy cúng. Ca dao tục ngữ đúc kết kinh nghiệm cũng nhiều: Lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông; Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam; Một năm làm nhà ba năm trả nợ; Nhà dột từ nóc…

Làm nhà để ở nếu nhà tốt có thể bền mấy trăm năm, mấy thế hệ nối nhau trú ngụ. Do đó lúc làm nhà mới vô cùng quan trọng với một nhà, một gia tộc. Người ta luôn cầu ước ngôi nhà không bị ma quỷ quấy ám và người ở trong nhà luôn hưởng mọi điều tốt đẹp của khí thiêng đất trời. Những điều này được thể hiện bằng văn bản viết hoặc khắc gỗ trên nóc và câu đầu. Ngôi nhà sẽ được xác định gian chính kê bàn thờ thì cây gỗ (tre) làm nóc gian này và câu đầu hai bên gian này được viết hoặc khắc chữ. Cách viết được tuân thủ nghiêm ngặt từ xưa tới nay về số chữ và nội dung. Tuy nhiên, do chữ là chữ Hán, mà chữ này bị bỏ nhiều năm, con người thì vô thần vô sư vô sách coi quy tắc viết cổ là mê tín dị đoan không theo. Hơn nữa, xu thế ngày nay nhà tầng thay thế nhà tre gỗ nên không cần viết nóc và câu đầu. Các quy tắc viết do đó ngày càng ít người biết.

Gần đây nhiều địa phương tân tạo đình, chùa, nhà thờ, đền, miếu theo dạng kiến trúc cổ nên lại cần người viết chữ nóc và câu đầu. Nhiều nhà hàng khách sạn cũng khôi phục lối nhà cổ. Thậm chí nhà tầng cũng quan tâm đến số bậc cầu thang theo quy tắc viết chữ nóc cổ. Nhưng khó thay, người am hiểu chữ Hán không nhiều, lại biết không tận ngọn nguồn nên viết chữ sai quy tắc cổ nghiêm trọng. Nhiều làng làm đình mới phải nhờ thầy cho chữ, thầy cho sai thế nào đúng bao nhiêu cũng gật phứa. Nhân đây, xin có đôi điều bàn về cách viết nóc và câu đầu nhà cho minh tường hơn.

Trước hết phải chọn điểm bắt đầu. Lối cổ viết từ trái sang phải, trên xuống dưới. Chân chữ hướng ra cửa nên từ ngoài nhìn vào phía tay phải được chọn là điểm bắt đầu viết chữ nóc, câu đầu ở bên phải là vế có âm trắc ở cuối.

Nóc viết có số chữ sao cho chữ cuối cùng đứng vào chữ sinh để cầu mong người vật của gia chủ luôn sinh sôi phồn thịnh. Chữ sinh đếm theo vòng đời tự nhiên qua bốn giai đoạn là sinh – bệnh – lão – tử rồi quay lại vòng mới bắt đầu từ chữ sinh. Như vậy số chữ có chữ cuối đứng vào chữ sinh là 5, 9, 13, 17, 21, 25… Nội dung chữ nóc thể hiện thời khắc cất nóc là tốt đẹp và được lưu truyền lâu dài cho đời sau biết và yên tâm ở. Nếu chưa yên tâm người đời sau có thể tự kiểm tra hoặc nhờ thầy tính giúp xem thời khắc cất nóc có sai phạm gì không. Xem chữ nóc biết được giờ, ngày, tháng, năm cất nóc.

Tuy nhiên, hiện nay có địa phương dựa vào câu “Gia sinh đình lão” để viết chữ nóc ở đình không phải rơi vào chữ sinh. Câu này chưa thấy các nhà từ điển thu thập và giải nghĩa. Còn cách hiểu dân gian thì không thống nhất. Có cách hiểu rằng câu này khẳng định ở gia đình (dòng họ) trọng nhau theo hàng, ở đình làng trọng nhau theo tuổi. Tục ngữ cũng có câu “Triều đình dụng tước, hương đảng dụng xỉ” (nhà nước dùng người theo tước bậc, làng xóm dùng người theo tuổi tác). Lại có câu “Sống lâu lên lão làng”. Câu đối ở đình có câu “Hương tự dĩ niên, nhi trưởng tại tiền, nhi ấu tại hậu” (Việc cúng tế ở đình lấy theo tuổi, trước là người lớn sau đến lượt trẻ con). Cách hiểu khác là nhà thì viết chữ sinh còn đình thì viết chữ lão. Đây là cách hiểu sai câu “Gia sinh đình lão”. Đình trước hết là ngôi nhà, do đó vẫn cần viết theo quy tắc chữ sinh chứ. Đình lại là ngôi nhà thờ thánh để phù trợ mọi điều tốt lành cho dân làng thì càng phải cần chữ sinh để người vật sinh sôi phồn thịnh. Ngay âm lịch có ba loại, lịch nhà Hạ lấy tháng Tí là tháng giêng, lịch nhà Thương lấy tháng Sửu là tháng giêng, lịch nhà Chu lấy tháng Dần là tháng giêng, sau đó Khổng Tử đã giải thích nên lấy tháng Dần là giêng vì tháng này rơi vào quẻ thái, âm dương cân bằng giao hòa, phù hợp việc làm ăn sinh sống của mọi người để người vật sinh sôi phồn thịnh. Lịch âm này từ đó đến nay vẫn được chọn dùng chính thức. Vậy viết chữ nóc ở đình vẫn cần đúng chữ sinh mới mong cầu được những điều tốt đẹp nhất phù hợp nguyện vọng dân làng.

Việc xác định chữ lão trong vòng đời cũng có cách hiểu sai là sinh – lão – bệnh – tử vì cho rằng con người sinh ra già đi rồi mắc bệnh mà chết. Vòng đời chia bốn giai đoạn là theo lẽ tự nhiên, già hết dương thọ thì chết chứ chờ mắc bệnh mới chết thì trẻ cũng chết. Theo dân gian, giai đoạn sinh ngắn, chừng dưới mười tuổi. Qua giai đoạn cần cha mẹ chăm sóc này gọi là “sạch sài”, đứa trẻ ít bị chết yểu, bắt đầu đi học và lao động, tương đối tự lập. Con gái sắp phát dục (Nữ thập tam, nam thập lục) có thể làm mẹ rồi. Giai đoạn bệnh từ mười đến bốn chín tuổi. Đây là thời kỳ cá nhân phải lao động, sinh đẻ, tham gia chiến tranh… độc lập hứng chịu mọi cọ xát của tự nhiên và xã hội. Giai đoạn lão từ năm mươi tuổi đến khi qua đời, dài ngắn tùy dương thọ mỗi người. Đến tuổi năm mươi được cộng đồng công nhận “lên lão”. Phong tục người Việt phải có lễ trầu cau ra đình trình làng. Do tuổi bốn chín người ta dễ gặp hạn nên có câu “Bốn chín chưa qua năm ba đã tới”. Khoa học đã giải thích về nhịp sinh học vũ trụ khiến con người ở tuổi này dễ gặp hạn.

Vòng đời có liên quan đến thuyết luân hồi, mà nguồn gốc sâu xa là quan niệm của người Ën Độ thời cổ. Người âËn Độ chia vòng đời làm bốn giai đoạn: Brahmachrya (độc thân); Grahasthya (làm chủ gia đình); Vanaprastha (hưu trí); Sanyas (lánh đời)(*). Từ giai đoạn hưu trí người ta bắt đầu nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và quan tâm đời sống tinh thần. Đến giai đoạn lánh đời thì người ta xa lánh hẳn cuộc đời trần tục, sống bằng bố thí để toàn tâm toàn ý lo cho đời sống tinh thần. Chết không được coi là một giai đoạn vòng đời. Đối chiếu với văn hóa Việt thì giai đoạn bốn (lánh đời) của người âËn đã được nhập chung với giai đoạn lão nên có giai đoạn chết mới tròn vòng đời theo lẽ tự nhiên.

Rõ ràng đã hiểu sai cách chia vòng đời thì nếu có chọn chữ lão để viết nóc thì vẫn cứ sai.

Câu đầu trước hết là câu đối nên phải tuân theo cách viết câu đối. Câu đối có các loại: đối thơ, đối song quan, đối cách cú, đối gối hạc. Do đoạn câu đầu ngắn nên xưa nay người ta chọn đối thơ. Đối thơ có loại năm chữ, loại bảy chữ. Do viết ở nhà cần chữ sinh nên người ta chỉ viết năm chữ, hội đủ cả hai yêu cầu trên. Nội dung câu đầu nêu được việc mong ước trừ ma quỷ và được hưởng mọi điều tốt đẹp của trời đất. Những câu thường được chọn là “Khương thái công tại thử/ Càn nguyên hanh lợi trinh” nghĩa là có Khương thái công ở đây/ Được hưởng mọi điều tốt đẹp của trời đất. Khương thái công là ông Lã Vọng, người có tài trừ ma quỷ giúp nhà Chu dựng nghiệp. Có Khương thái công ở đây thì không ma quỷ nào dám đến quấy ám nữa. Hoặc “Tử Vi tinh chính chiếu/ Phú quý thọ khang ninh” nghĩa là sao Tử Vi chiếu đúng vào nhà nên được hưởng những điều tốt là phú, quý, thọ, khang, ninh. Sao Tử Vi là ngôi sao mang đến điều lành, hễ chiếu vào đâu thì nơi đó có điều tốt lành tới.

Vậy mà nhiều trường hợp thầy hay chữ lỏng cho chữ câu đầu khi thì sáu chữ, khi thì tám chữ, vừa sai luật đối vừa phạm vào quy tắc chọn chữ sinh. Thậm chí cho chữ do thầy làm mới sai cả nghĩa tốt đẹp mà gia chủ cứ yên trí đã có thầy thì không bao giờ sai, phàm là thầy viết thì bao giờ cũng đúng.

________________________________

(*) Theo Namaskar! Xin chào ấn Độ, Hồ Anh Thái, nxb Văn Nghệ và Vinabook 2008.