Hình xăm bị ngứa: Vạch mặt 7 nguyên nhân phổ biến: Những điều cần biết Hello Bacsi

Trường hợp nhận thấy cơn ngứa vẫn dai dẳng hoặc xuất hiện các triệu chứng khác ở vị trí hình xăm (cả mới lẫn cũ), bạn cần hiểu lý do để kịp thời khám và chữa trị. Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn tham khảo 7 nguyên nhân phổ biến khiến vị trí da có hình xăm bị ngứa.

Da bị ngứa sau khi xăm có bình thường không?

Thực tế thì hiện tượng này là hoàn toàn bình thường sau khi xăm, nếu cảm giác ngứa chỉ ở mức độ nhẹ. Việc xăm hình tác động trực tiếp lên da, phá vỡ cấu trúc vùng da được xăm. Cơ thể xem đây là một loại vết thương tương tự như vết cắt hoặc vết xước nên sẽ tiến hành quá trình tự chữa lành vùng da này. Trong thời gian đó, cảm giác ngứa sẽ thường xuyên xuất hiện.

Người xăm hình cần để ý đến hình xăm mới và chăm sóc hình xăm đúng cách trong vài tuần đầu. Việc này giúp đảm bảo cơ chế “lành da” diễn ra bình thường. Nếu có triệu chứng khác xuất hiện hoặc nếu cảm giác ngứa trở nên tồi tệ hơn, bạn cần cẩn thận. Đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe khác.

7 nguyên nhân phổ biến khiến hình xăm bị ngứa

1. Quá trình làm lành da bình thường

Sau khi xăm, da sẽ bắt đầu hình thành vảy và da non. Quá trình này có thể gây ngứa, thậm chí gây kích ứng. Bạn cần hạn chế cào, gãi lên da để tránh gây ra kích thích hay tệ hơn là nhiễm trùng. Khi gãi, da sẽ dễ để lại sẹo và làm biến dạng hình xăm. Chắc hẳn bạn sẽ không muốn tự tay làm hỏng một tác phẩm mà mình đã bỏ khá nhiều tiền để sở hữu.

Sau khi xăm, bạn thường nhận được một loại thuốc mỡ để bôi lên vùng da vừa bị tác động. Các thợ xăm cũng sẽ khuyên bạn không nên tiếp xúc trực tiếp vùng da này với nước. Cơn ngứa sẽ giảm dần trong vòng 1-2 tuần.

Nếu tình trạng ngứa kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn, bạn có thể cân nhắc đến các yếu tố dưới đây.

2. Nhiễm trùng

Khi xăm hình, kim xăm trực tiếp đâm thủng da. Bạn cần đảm bảo thợ xăm sử dụng các dụng cụ vô trùng, kim xăm một lần hoặc được tiệt trùng đúng cách trước khi xăm cho bạn. Bằng cách đó, bạn có thể ngăn chặn vi trùng xâm nhập vào cơ thể.

Ngoài ra, việc sử dụng các dụng cụ hoặc mực không vô trùng có thể đưa vi khuẩn hoặc các sinh vật khác vào cơ thể. Thợ xăm cũng không nên pha trộn các thành phần không vô trùng vào mực, chẳng hạn như nước máy. Tất cả những hành động này đều có thể gây nhiễm trùng. Hãy tìm hiểu quá trình khử trùng của các thợ xăm trước khi bạn quyết định xăm mình. Nếu thấy không đảm bảo vệ sinh, đừng tiếp tục thực hiện. Bạn sẽ không biết chiếc kim nhỏ từ máy xăm có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm những căn bệnh hiểm nghèo đến mức nào.