Hại nhiều hơn lợi khi lúc nào cũng đeo bao tay cho trẻ sơ sinh

Nhiều bà mẹ có thói quen đeo bao tay cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên các mẹ lại không hề biết việc mang bao tay có thể gây nguy hại cho trẻ sơ sinh. Sự thật như thế nào chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!

Trẻ sơ sinh da rất mỏng, dễ bị nhiễm lạnh, bên cạnh đó móng tay của trẻ nhanh mọc nên đeo bao tay là giải pháp nhiều mẹ lựa chọn để bảo đảm sự an toàn cho bé. Nhưng xét về phương diện y học thì việc đeo bao tay thường xuyên cho trẻ sơ sinh sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

1Sợ bé lạnh nên mang bao tay

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Tề Đăng – khoa Sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ, chân tay là bộ phận ngoại vi của cơ thể, ở trẻ sơ sinh, hệ tuần hoàn chưa hoàn chỉnh, máu sẽ đến “tưới” ít hơn các cơ quan quan trọng của cơ thể như tim, não, thận… Thế nên nhiệt độ tay chân của bé sẽ thấp hơn nhiệt độ ở những cơ quan kể trên một chút. Không chỉ vậy, nhiều bé còn ra mồ hôi ở tay và chân nên sẽ làm mất nhiệt nhanh hơn, tay chân cũng từ đó càng lạnh, đây là một hiện tượng hết sức bình thường ở trẻ.

Chỉ sau vài tháng sinh ra, hệ tuần hoàn của bé sẽ hoàn thiện hơn nên việc bố mẹ đeo bao tay, vớ chân cho trẻ là hoàn toàn không cần thiết.

Theo BS. Đào Nguyễn Phương Linh, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cho biết, nhiệt độ phòng tốt nhất đối với trẻ sơ sinh đủ tháng là 28-30 độ C và non tháng là 30-32 độ C. Vậy ít khi nào chúng ta cần ủ ấm cho bé.

Tham khảo thêm: Mẹo giúp bé hết mút tay mà các mẹ nên biết sớm hơn.

Hại nhiều hơn lợi khi lúc nào cũng đeo bao tay cho trẻ sơ sinh

2Sợ bé tự làm tổn thương nên mang bao tay

Theo bác sĩ nhi khoa Natalie Epton, làm việc tại Bệnh viện Nhi quốc tế Singapore, đây là một việc làm không cần thiết. Mẹ chỉ cần chăm cắt móng tay cho bé, một cách cẩn thận và đúng cách thì sẽ giảm thiểu được tình trạng này. Bé sơ sinh phần lớn thời gian là bú và ngủ, mỗi lần thức không lâu mà lại có mẹ bên cạnh chăm sóc nên mẹ đừng lo lắng quá.

Tốt nhất là sau khi bé tắm, lúc đó móng tay còn mềm, mẹ chỉ cần dùng dụng cụ cắt móng tay chuyên dụng cho trẻ sơ sinh, cắt theo đường vòng đầu ngón tay, một tay giữ chặt thịt đầu ngón cho xa khỏi khu vực cắt móng.

Móng tay của em bé mới sinh rất mềm mại. Nếu bé có cào lên mặt thì cũng chỉ làm xước da, chứ không thể gây sẹo.

Hại nhiều hơn lợi khi lúc nào cũng đeo bao tay cho trẻ sơ sinh

3Sợ bé mút tay nên mang bao tay

Một việc làm sai lầm, không cần thiết, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Trẻ sơ sinh học và khám phá thế giới bằng đôi tay. Vào tháng đầu tiên, trẻ có xu hướng nắm chặt hai bàn tay lại nhưng đến tháng thứ 2, trẻ đã bắt đầu thả lỏng hai tay thường xuyên hơn, và đến tháng thứ 3, hai bàn tay sẽ được mở, thả lỏng hầu hết thời gian. Và đó cũng là lúc trẻ nhận ra đôi bàn tay của mình là món đồ chơi hết sức tuyệt vời. Chúng sẽ mân mê ngón tay, đưa tay lên nhìn, tự khám phá tay, hay thậm chí là cho vào miệng để mút.

Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, trẻ sơ sinh càng sớm được “giải phóng” khỏi bao tay, sẽ càng có khả năng nắm giữ, túm đồ vật xung quanh và phản xạ tay tốt hơn những bé đeo bao tay nhiều tháng. Thế nên, đeo bao tay cho con chính là cách bạn trói buộc bàn tay con, hạn chế để con khám phá, học hỏi và phát triển và thậm chí còn có thể khiến con bị hóc nếu lỡ bao tay bị tuột ra trong lúc con cho tay vào miệng.

Hại nhiều hơn lợi khi lúc nào cũng đeo bao tay cho trẻ sơ sinh

Đã xảy ra không ít trường hợp vì để bảo vệ an toàn cho bé nhiều mẹ đã đeo bao tay thường xuyên cho bé, tuy nhiên do sợi chỉ trong bao tay quấn vào tay bé mà mẹ không hề biết, để lâu đã khiến đầu ngón tay bị tụ máu, bị tím thậm chí là hoại tử, nhiễm trùng đến cả ngón tay.

Vì vậy tốt nhất mẹ chỉ nên mang bao tay, bao chân cho trẻ trong tháng đầu tiên thôi, từ tháng thứ 2 nên thả tự do cho đôi bàn tay của bé, vừa an toàn, lại giúp con khám phá. Hoặc nếu bé sinh vào mùa rét, mẹ nên đeo bao tay. Khi đeo, bố mẹ phải thường xuyên thay bao tay, vớ chân, nên dùng chất liệu cotton mềm, cắt hết tất cả chỉ thừa mặt trong bao tay.

Tham khảo thêm các sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh đang bán tại Bách hoá XANH:

Kinh nghiệm hay Bách Hóa XANH