Một số tác dụng phụ sau khi bé tiêm vắc-xin mẹ nên biết – Thảo Mộc Út Em

Út Em chào các mẹ. Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin cho trẻ nhỏ luôn là mối bận tâm của các bậc phụ huynh nhưng mức độ nguy hiểm là rất hiếm và những rủi ro từ việc tiêm vắc-xin sẽ thấp hơn nguy cơ từ bệnh mà mình cần ngăn ngừa.

Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin khác nhau sẽ không giống nhau nhưng thường là tương đối nhẹ, có thể là:

  • Cảm giác đau tạm thời
  • Đau, sưng tấy, đỏ ửng ở chỗ tiêm
  • Triệu chứng gần giống như cúm

Thông thường cứ khoảng 4 trẻ thì có 1 trẻ gặp phải tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin.

Những phản ứng phụ này chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn sau khi tiêm phòng nên có thể biến mất sau 1-2 ngày.

Nếu những triệu chứng này kéo dài, hãy nói chuyện với bác sĩ về tình trạng của bé.

Tiêm vắc xin có thể gây ra một số tác dụng phụ

A. Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin thường thấy với trẻ nhỏ

Bị đau tạm thời do sợ tiêm vắc-xin

Cảm giác sợ hãi hoặc “ám ảnh về kim tiêm” là một tác dụng phụ thường thấy khi cho trẻ tiêm vắc-xin. Khoảng 1 trong 10 trẻ không chịu tiêm chủng hoặc tiêm thuốc nào khác vì sợ đau như những mũi tiêm trước đó.

Nếu các bé cảm thấy lo lắng, sợ hãi thì các mẹ nên giữ bình tĩnh cho bé, an ủi và làm phân tâm bé.

Các mẹ có thể nói trước với bác sĩ điều này hoặc học hỏi kinh nghiệm cho trẻ nhỏ đi tiêm không sợ hãi của các mẹ khác để có cách giúp bé nhà mình tiêm dễ dàng hơn.

Đau, sưng tấy hoặc đỏ ửng ở chỗ tiêm

Nhiều bé có thể có phản ứng ngay sau khi tiêm.

Đó có thể là hiện tượng sưng tấy, đau, đỏ ửng hoặc tím ở vùng da xung quanh mũi tiêm.

Lấy một miếng vải lạnh chườm xung quanh có thể giúp loại bỏ sự khó chịu đó cho bé. Chú ý phải lấy miếng vải thật sạch, nếu không vệ sinh có thể gây nhiễm trùng cho bé.

Những triệu chứng giống như cúm

Sau khi tiêm vắc-xin, các bé có thể xuất hiện những tác dụng phụ có triệu chứng gần như cúm, ví dụ:

  • Sốt nhẹ
  • Đau bụng
  • Nôn
  • Ăn kém
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi

Vắc-xin hoạt động giống như một sự lây nhiễm nên đôi khi chúng gây ra tác dụng phụ bao gồm những triệu chứng giống như cúm.

Nhưng sự lây nhiễm này không gây bệnh mà nó có tác dụng luyện tập cho cơ thể phát triển những phản ứng đúng.

Nếu hiện tượng cúm thực sự bị nhiễm vào người đã tiêm vắc-xin, cơ thể lúc này có khả năng nhận biết được nó và chống lại để loại bỏ yếu tố gây bệnh dễ dàng hơn.

B. Một số tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin cụ thể

Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin viêm gan B

Vắc-xin viêm gan B là loại vắc- xin rất an toàn. Hầu hết các bé tiêm đều không gặp vấn đề gì với mũi tiêm này.

Vắc-xin viêm gan B chứa thành phần không lây nhiễm và có thể giúp bé không bị nhiễm viêm gan B. Một số tác dụng phụ nhẹ có khả năng gặp phải đã được phản ánh lại là:

  • Đau nhức xung quanh mũi tiêm (khoảng 1 trong 4 trẻ tiêm mắc phải)
  • Sốt nhẹ khoảng hơn 37,7ᵒC (khoảng 1 trong 15 trẻ tiêm mắc phải)

Những tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin viêm gan B nghiêm trọng rất hiếm khi xảy ra. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng được biết đến chỉ xảy ra 1 lần trong số 1,1 triệu mũi tiêm.

Mỗi loại vắc-xin cũng giống như thuốc nên có thể gây ra phản ứng nguy hiểm nhưng nguy cơ vắc-xin này gây hại là vô cùng nhỏ. Phải hơn 100 triệu người ở Mỹ đều tiêm phòng vắc-xin viêm gan B.

Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin bại liệt (OPV)

Một số bé tiêm vắc-xin bại liệt có thể bị đau ở chỗ tiêm. Ngày nay, loại vắc-xin này thường không gặp bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào và phần lớn những người tiêm nó cũng không bị tác dụng phụ nào.

Tuy nhiên, nó vẫn là một loại vắc-xin nên có khả năng gây tác dụng phụ nghiêm trọng tuy nhiên tỷ lệ xảy ra tình trạng này là vô cùng nhỏ.

Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin Quinvaxem 5 in 1

Một số trẻ vẫn có tác dụng phụ như:

  • Tác dụng phụ thường thấy nhất (tỷ lệ nhiều hơn 1:10 bé tiêm gặp phải): Đau, sưng đỏ tấy ở vết tiêm, khó chịu và quấy khóc nhiều hơn, nhợt nhạt hoặc bị sốt
  • Tác dụng phụ thông thường (tỷ lệ trong khoảng 1:100 đến 1:10): Kém ăn, tiêu chảy, nôn mửa
  • Tác dụng phụ hiếm thấy (tỷ lệ 1:10000 đến 1:1000): Co giật nhẹ, co cơ
  • Tác dụng phụ rất hiếm thấy (tỷ lệ ít hơn 1:10000): Sốt cao (hơn 40,5ᵒC), quấy khóc, khóc thét không dỗ được

Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin MMRV (phòng sởi, quai bị, rubella và thủy đậu)

Vắc-xin MMRV có khả năng gây ra những vấn đề như dị ứng nghiêm trọng. Khả năng nó gây nguy hiểm là vô cùng hiếm.

Việc tiêm vắc-xin MMRV sẽ an toàn hơn là để nhiễm các bệnh như sởi, quai bị, rubella hoặc thủy đậu. Phần lớn trẻ em tiêm vắc xin MMRV không gặp bắt kỳ vấn đề gì.

Tác dụng phụ nhẹ:

  • Sốt (tỷ lệ khoảng 1:5 bé mắc phải)
  • Phát ban nhẹ (tỷ lệ khoảng 1:20 bé mắc phải)
  • Sưng hạch ở má hoặc cổ (hiếm gặp)

Nếu có tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin này, nó thường xảy ra trong vòng 5-12 ngày sau liều đầu tiên. Sẽ ít xuất hiện hơn ở liều tiêm thứ hai.

Tác dụng phụ vừa phải:

  • Bị động kinh do sốt gây ra (khoảng 1 trong 1250 trẻ tiêm MMRV gặp phải) và thường xảy ra trong khoảng 5-12 ngày sau khi tiêm liều thứ nhất. Hiện tượng này ít xảy ra hơn khi các mũi sởi-quai bị-rubella và vắc-xin thủy đậu được tiêm tách riêng (khoảng 1:2500 trẻ tiêm cả hai vắc-xin này) và tác dụng phụ cũng hiếm gặp hơn ở mũi tiêm MMRV lần thứ 2
  • Làm lượng tiểu cầu tạm thời bị thấp, có thể gây rối loạn chảy máu (chỉ khoảng 1 trong 40000 trẻ gặp phải)

Tác dụng phụ nghiêm trọng (rất hiếm xảy ra):

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo lại sau khi theo dõi mũi tiêm MMR sởi-quai bị-rubella và có thể xảy ra sau khi tiêm MMRV:

  • Bị dị ứng nghiêm trọng (tỷ lệ gặp phải là ít hơn 4 phần triệu)
  • Động kinh kéo dài, hôn mê, giảm trí nhớ
  • Ảnh hưởng đến não bộ sau này

Bởi vì những tác dụng phụ như trên rất ít khi xảy ra nên thực chất các bác sĩ cũng chưa chắc chắn liệu nó bị gây ra do vắc-xin hay nguyên nhân khác.

Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin DTaP (DPT) phòng uốn ván, bạch hầu, ho gà

Tác dụng phụ nhẹ thường thấy

  • Sốt (tỷ lệ khoảng 1:4 trẻ gặp phải)
  • Sưng tấy hoặc đỏ ửng ở vùng mũi tiêm (tỷ lệ khoảng 1:4 trẻ gặp phải)
  • Đau nhức ở vết tiêm (tỷ lệ khoảng 1:4 trẻ gặp phải)

Những tình trạng trên xảy ra thường xuyên hơn sau liều thứ 4, thứ 5 trong một chuỗi mũi tiêm DPT hơn là những liều đầu tiên.

Đôi khi, sau liều tiêm thứ 4, thứ 5 của vắc-xin DPT, các bé có thể bị sưng cả cánh tay hoặc chân trong khoảng 1-7 ngày (tỷ lệ mắc phải có thể lên tới 1:30). Những tác dụng phụ nhẹ khác bao gồm:

  • Quấy rối nhặng xị cả lên (tỷ lệ 1:3 trẻ gặp phải)
  • Mệt mỏi hoặc chán ăn ( tỷ lệ 1:10 bé gặp phải)
  • Nôn (tỷ lệ 1:50)

Những vấn đề này thường xảy ra 1-3 ngày sau khi tiêm.

Tác dụng phụ vừa phải (không phổ biến lắm):

  • Co giật (tỷ lệ khoảng 1:14000)
  • Khóc không ngừng liên tục khoảng 3 tiếng hoặc hơn (tỷ lệ khoảng 1:1000)
  • Sốt cao từ 40,5ᵒC trở lên (tỷ lệ 1:16000)

Tác dụng phụ nghiêm trọng (rất hiếm khi xảy ra):

  • Dị ứng nghiêm trọng (tỷ lệ nhỏ hơn 1 phần triệu) và một số tác dụng phụ nguy hiểm khác sau khi tiêm DPT như
  • Co giật, hôn mê, kém nhận thức kéo dài
  • Ảnh hưởng đến não bộ sau này

Những trường hợp này rất ít khi xảy ra và khó có thể kết luận là do vắc-xin DPT gây ra. Nhưng các mẹ cần kiểm soát việc bé bị sốt, đặc biệt với những trẻ có tiền sử bị co giật hoặc bệnh khác. Điều đó cũng là cần thiết nếu thành viên khác trong gia đình đã từng bị co giật.

Các mẹ có thể giảm tình trạng sốt hoặc đau bằng cách cho trẻ uống thuốc giảm đau sau khi tiêm và trong khoảng 24 tiếng sau đó theo sự hướng dẫn cẩn thận từ bác sĩ.

Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin thương hàn

Vắc-xin thương hàn rất hiếm khi gây hại nhưng cũng có khả năng gây ra tình trạng nghiêm trọng như dị ứng. Những tác dụng phụ nguy hiểm khác do vắc-xin thương hàn cũng không mấy khi xảy ra.

Có hai loại vắc-xin thương hàn nhưng đều chỉ gây ra những tác dụng phụ nhẹ:

  • Vắc-xin thương hàn bất hoạt (dùng qua đường tiêm): Có khả năng gây sốt (tỷ lệ khoảng 1:100), đau đầu (tỷ lệ khoảng 1:30), sưng hoặc đỏ tấy ở vùng mũi tiêm (tỷ lệ khoảng 1:15)
  • Vắc-xin thương hàn sống (dùng qua đường uống): Có thể bị sốt hoặc đau đầu (tỷ lệ khoảng 1:20), rất hiếm bị đau bụng, nôn mửa hoặc phát ban

Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin phòng chống Hib

Thông thường, vắc-xin phòng chống Hib không gây nên tác dụng phụ nào nghiêm trọng, nếu có cũng chỉ rất hiếm. Phần lớn những bé tiêm vắc-xin phòng chống Hib không gặp bất cứ vấn đề nào, nếu có cũng chỉ là những tác dụng rất nhẹ:

  • Đỏ rát, hơi nóng hoặc sưng tấy ở vùng mũi tiêm
  • Sốt

Tình trạng này cũng không thường xuyên xảy ra. Trường hợp gặp phải (nếu có) sẽ thường bắt đầu sau khi tiêm và chỉ kéo dài 2-3 ngày.

Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin phòng chống Rota

Với vắc-xin Rota, rất hiếm có khả năng gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm mà thường là những tác dụng phụ rất nhẹ và nhanh biến mất.

Phần lớn những bé tiêm vắc-xin phòng virut Rota không xảy ra phản ứng phụ nào nhưng cũng có một vài trường hợp lại mẫn cảm với loại vắc-xin này.

Tác dụng phụ nhẹ thường thấy:

  • Trẻ dễ cáu kỉnh hơn
  • Tạm thời bị tiêu chảy nhẹ hoặc nôn mửa sau khi tiêm một liều của vắc-xin phòng chống Rota

Tác dụng phụ nghiêm trọng hơn

  • Bệnh lồng ruột: Khả năng xảy ra hiện tượng lồng ruột do virut Rota là rất hiếm khi xảy ra, thường trong vòng 1 tuần sau khi tiêm mũi thứ nhất hoặc thứ 2. Mỗi năm tại Mỹ, nó cũng có thể xảy ra tự nhiên ở một số trẻ mà không rõ nguyên nhân của nó. Nguy cơ do virut Rota là được bổ sung thêm khi theo dõi thấy có khoảng 1:100000 đến 1:20000 trẻ tiêm vắc-xin phòng chống Rota gặp phải. Về vấn đề này, bác sĩ sẽ cung cấp thêm thông tin cho các mẹ

Ngoài những loại vắc-xin mà Út Em kể trên, vẫn còn nhiều loại khác và có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn như vắc-xin phòng cúm, phòng viêm gan A, HPV, vàng da…

…Nhưng phần lớn chúng đều không quá nguy hiểm nên các mẹ không nên quá lo lắng khi cho con tiêm phòng vắc-xin.

Nếu có trường hợp nào bất thường hoặc không biết cách xử lý, các mẹ hãy hỏi thêm ý kiến bác sĩ nhé.

(Theo Aboutkidshealth, NHS & Vaccines – Phạm Thị Thủy dịch và tổng hợp – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)