Mang thai tuần 40: Ngày dự sinh đã đến

Khi mang thai tuần 40, có lẽ không gì hạnh phúc hơn vì bạn đã sắp được làm mẹ, được ngắm nhìn thiên thần yêu thương. Trong suốt tuần lễ này, thai phụ càng phải chú ý nhiều hơn về những dấu hiệu của cơ thể. Vậy thì mẹ bầu sẽ có những dấu hiệu đặc trưng gì trong tuần này? Lúc này em bé trong bụng sẽ ra sao? Mời các bạn cùng YouMed đọc qua bài viết sau đây để tìm được câu trả lời nhé!

1. Người mẹ mang thai tuần 40

Mang thai tuần 40 tương ứng với khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày trong dân gian. Hơn 9 tháng trời cưu mang nặng nề, vượt qua bao khó khăn, vất vả nhất định. Giờ đây, mẹ bầu sẽ cảm thấy lâng lâng hạnh phúc khi đứa bé sắp chào đời.

Chỉ một khoảng thời gian ngắn nữa thôi, mẹ bầu sẽ nghe được tiếng khóc vang dội và ấm áp. Đây là thời điểm chuẩn của một quá trình mang thai. Đồng thời được các bác sĩ tính ngày dự sinh dựa vào cột mốc 40 tuần. Bạn hãy chú ý đến sức khỏe của mình nhiều hơn nhé!

Mẹ bầu mang thai tuần 40
Mẹ bầu mang thai tuần 40

Bạn hãy ở nhà và sẵn sàng cho một cuộc vượt cạn, sinh em bé, mang cho đời một mầm sống mới. Bạn đừng đi đâu xa vì thời điểm này rất dễ xảy ra một đợt chuyển dạ bất ngờ. Hãy bàn với chồng hoặc người thân của bạn luôn trong tư thế sẵn sàng đưa bạn đến bệnh viện nhé!

2. Thay đổi của cơ thể khi mang thai tuần 40

Theo thống kê chung, khoảng 70% mẹ bầu sẽ hạ sinh em bé từ tuần 40 trở lại. Và chỉ 30% còn lại là tiếp tục mang thai đến tuần thứ 41. Lúc ấy, thai sẽ được gọi là thai quá ngày (vì quá ngày dự sinh).

Mẹ bầu mang thai tuần 40 sẽ cảm nhận rất dễ dàng những cơn co thắt đầu tiên của tử cung. Những cơn co thắt ấy sẽ đến nhanh và mạnh mẽ khi người mẹ thực sự vào giai đoạn chuyển dạ. Cơn co với chu kỳ kéo dài khoảng một phút hoặc có thể lâu hơn. Thai phụ sẽ cảm thấy cơn đau lan tỏa từ dạ dày, bụng dưới, lưng và vùng trên của đùi.

Khi được đưa đến khoa Sản, bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra độ giãn nở của cổ tử cung khi bạn mang thai tuần 40. Nếu cổ tử cung giãn từ 3 đến 4 cm, thai phụ sẽ được tiêm thuốc gây tê nhằm kiểm soát cơn đau. Phương pháp thường được sử dụng hiện nay là gây tê ngoài màng cứng.

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng để giảm đau
Phương pháp gây tê ngoài màng cứng để giảm đau

Có nhiều trường hợp mẹ bầu khi mang thai được 40 tuần sẽ tự động đến giai đoạn chuyển dạ. Tiếp theo, thai phụ sẽ sinh bằng đường tự nhiên mà không cần sự can thiệp phẫu thuật nào. Tuy nhiên, tùy theo mức độ khó của quá trình chuyển dạ mà bác sĩ sẽ quyết định cho thai phụ sinh thường hay sinh mổ.

3. Triệu chứng có thể xuất hiện

Cơn co Braxton Hicks

Còn được gọi là cơn gò bụng giả. Những cơn co như thế này sẽ không tăng về tần suất và mức độ. Ngoài ra, nếu thai phụ chịu đi bộ nhẹ hoặc thay đổi tư thế nằm có thể làm giảm triệu chứng này. Đây là những điều giúp phân biệt cơn co thắt Braxton Hicks với những cơn co của chuyển dạ thật sự.

Cơn co Braxton Hicks
Cơn co Braxton Hicks

Sự giảm cử động của thai nhi

Em bé vẫn đang di chuyển liên tục bên trong tử cung. Tuy nhiên, người mẹ sẽ cảm thấy những cử động ấy có phần giảm so với những tuần trước. Thông thường, bé sẽ cử động với tần suất khoảng 10 lần trong 1 giờ.

Cổ tử cung giãn rộng hơn

Cổ tử cung của thai phụ mang thai tuần 40 sẽ mở rộng ra, niêm mạc cũng dần mỏng đi. Độ giãn nở của cổ tử cung sẽ được đo bằng centimet, độ mỏng sẽ được tính theo tỷ lệ phần trăm. Cổ tử cung sẽ giãn ra tiếp tục và có thể xuất huyết. Đây là những dấu hiệu của quá trình chuyển dạ sớm và tích cực.

Tiêu chảy

Không giống như những tuần mang thai đầu tiên. Thay vì bị táo bón, thai phụ sẽ dễ bị tiêu chảy khi mang thai ở những tuần cuối cùng. Cơ chế được giải thích là do nhu động ruột tăng khi bị kích thích chèn ép. Điều đó dẫn đến triệu chứng tiêu chảy và là một dấu hiệu của chuyển dạ sắp diễn ra.

Đau vùng xương chậu

Chính vì thai nhi đã di chuyển xuống vùng xương chậu. Điều này làm cho vùng hông và bàng quang của người mẹ bị chèn ép dẫn đến triệu chứng đau. Các bác sĩ khuyến khích mẹ bầu nên mát – xa trong những tuần mang thai cuối. Mục đích là để giảm những cơn đau do thai nhi chèn ép.

Chuột rút ở chân

Nhiều giả thuyết cho rằng do đôi chân chịu quá nhiều áp lực khi mang thai. Vừa phải chịu trọng lượng của mẹ, vừa cả trọng lượng của thai. Đồng thời, với khoảng thời gian kéo dài khi mang thai dễ dẫn đến đau chân hoặc chuột rút.

Chuột rút khi mang thai
Chuột rút khi mang thai

Triệu chứng mất ngủ

Hoàn toàn dễ hiểu nguyên nhân gây mất ngủ của mẹ bầu trong những tuần cuối. Đặc biệt là khi mang thai tuần 40, khi đứa bé sắp chào đời. Những cơn co tử cung gây đau đớn. Sự nặng nề ở vùng bụng. Sự đau mỏi chân, đau vùng hông lưng,… Cùng với sự hưng phấn vì em bé sắp chào đời. Tất cả đều là những yếu tố thuận lợi gây rối loạn giấc ngủ ở người mẹ.

Khi mang thai tuần 40, người mẹ sẽ xuất hiện hai trạng thái đối lập. Đó là vừa tràn đầy năng lượng và phấn khởi. Đồng thời cũng khá mệt mỏi đến nỗi chẳng muốn làm gì. Tuy nhiên, mẹ bầu hãy yên tâm vì đó là một hiện tượng sinh lý bình thường của một người mẹ sắp hạ sinh em bé.

4. Thai nhi như thế nào khi mang thai tuần 40?

Thai nhi lúc này có kích thước tương đương một quả bí ngô. Trung bình, em bé nặng 2,8 đến 3,5 kg khi sinh ra. Có chiều dài khoảng 45 cm đến 50 cm từ đầu đến mông. Đây chỉ là một mức trung bình. Chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, bạn sẽ biết con nhỏ của bạn có cân nặng và chiều dài bao nhiêu.

Thai nhi khi người mẹ mang thai tuần 40
Thai nhi khi người mẹ mang thai tuần 40

Lúc này, siêu âm thai sẽ giúp bạn biết được chính xác bạn sắp sinh bé trai hay bé gái. Đồng thời, một số trường hợp sanh khó có thể phát hiện qua siêu âm ở thời điểm này như:

  • Nhau bám thấp, nhau tiền đạo.
  • Thai ngôi ngang, thai ngôi mông, thai to.
  • Song thai, đa thai.
  • Thiểu nước ối.
  • Dây rốn quấn cổ thai nhi.

Theo thống kê chung thì chỉ có khoảng 5% các trường hợp mang thai sẽ sinh em bé đúng theo kế hoạch dự sinh. Lúc này, em bé của bạn đã phát triển đầy đủ và hoàn thiện, sẵn sàng cất tiếng khóc chào đời. Vì vậy, nếu mang thai tuần 40 mà vẫn chưa chuyển dạ thì mẹ bầu chớ nên lo lắng nhé!

5. Lời khuyên dành cho mẹ bầu

Khi mang thai tuần 40, thời điểm sinh em bé đã cận kề. Chính vì vậy, mẹ bầu nên cẩn thận.

Vấn đề cần lưu ý

  • Xin ý kiến của bác sĩ Sản khoa về những nguyên nhân và phương pháp kích thích chuyển dạ nếu em bé không ra đời đúng hạn.
  • Tham khảo thêm những phương pháp vật lý để giảm đau đớn trong thời gian này như: châm cứu, mát – xa.
  • Thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng và thích hợp khi mang thai tuần 40 như: đi bộ, tập những bài tập thể dục nhẹ.
  • Liên hệ với bệnh viện có chuyên khoa Sản gần nhất để lên kế hoạch sinh em bé khi sắp sửa chuyển dạ.
  • Chú ý những dấu hiệu của chuyển dạ như: thành lập đầu ối, ra nhớt hồng âm đạo, cơn đau tử cung dài và dày.

Vấn đề nên hạn chế

  • Quan hệ tình dục
  • Đi du lịch xa
  • Ngâm mình nhiều giờ trong nước lạnh
  • Tự ý uống thuốc giảm đau, thuốc ngủ
  • Ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc ăn quá no

Hy vọng qua bài viết này, chị em phụ nữ sẽ hiểu rõ hơn về thời điểm mang thai tuần 40. Từ đó, các bạn sẽ có một kế hoạch sinh nở chu đáo, cẩn thận nhất có thể. Mục tiêu là vượt cạn thành công, “mẹ tròn con vuông”, hạ sinh một thiên thần khỏe mạnh nhé!

Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang

Để biết được mẹ bầu mang thai tuần 41 như thế nào, mời các bạn cùng tham khảo bài viết: Mang thai tuần 41