Đặt ống thông dạ dày có gây đau không? Cách chăm sóc tại nhà | Vinmec

Thủ thuật được thực hiện bởi điều dưỡng. Các dụng cụ cần chuẩn bị cho thủ thuật bao gồm: Ống Faucher cỡ to 14-22 (đường kính trong từ 6-10mm), hai đôi găng tay, dầu nhờn K – Y hoặc parafin, gạc vô trùng, băng dính, ống tiêm 50 ml, túi dẫn lưu ống thông dạ dày, ống nghe và bộ đo huyết áp, hộp thuốc chống sốc, …

Bệnh nhân được động viên và giải thích về thủ thuật sắp làm để người bệnh yên tâm và hợp tác. Trong trường hợp người bệnh hôn mê, phải giải thích cho người nhà.

Lưu ý: Tháo răng giả (nếu có), nếu hôn mê có nguy cơ sặc: đặt nội khí quản có bóng chèn, bơm căng bóng.

Các bước tiến hành:

Bước 1: Đặt người bệnh ở tư thế nửa nằm nửa ngồi (nếu người bệnh tỉnh táo) hoặc nằm đầu thấp, mặt nghiêng về bên trái (nếu người bệnh ở trạng thái hôn mê).

Bước 2: Đo và đánh dấu ống thông dạ dày: đo độ dài của ống thông từ cánh mũi tới dái tai cùng bên, vòng qua dái tai xuống mũi xương ức, khoảng 45- 50 cm là ngang phần đáy dạ dày hoặc từ răng cho đến rốn. Chú ý không được chạm ống thông vào người bệnh nhân.

Bước 3: Bôi trơn đầu ống thông (khoảng 5 – 7 cm, không để dầu đọng trong ống làm người bệnh sặc).

Bước 4: Cầm và đặt ống thông dạ dày. Có hai cách để đặt ống thông vào dạ dày là đặt từ miệng hoặc đặt từ mũi.

  • Đối với đặt ống thông đường miệng: Yêu cầu người bệnh há miệng hoặc dùng dụng cụ mở miệng hoặc canun Guedel (nếu người bệnh không tỉnh), luồn ống thông qua miệng. Điều dưỡng nhẹ nhàng đưa ống thông vào miệng, sát má, tránh vòm họng và lưỡi gà, động viên người bệnh nuốt mặc dầu rất khó chịu. Trong khi bệnh nhân nuốt theo nhịp, điều dưỡng từ từ đẩy ống thông cho đến khi vạch đánh dấu chạm tới cung răng thì dừng lại. Nếu người bệnh có sặc, ho dữ dội, tái mặt, tím môi thì ngừng thao tác, rút ống thông ra và đưa lại.
  • Đối với đặt ống thông dạ dày qua đường mũi: Phương pháp này được thực hiện nhiều hơn và có thể giữ ống lại nhiều ngày. Thực hiện tương tự như khi đưa ống thông qua đường miệng.

Bước 5: Kiểm tra xem ống thông đã vào đúng dạ dày chưa bằng ba cách:

  • Bơm khí khoảng 30 ml (với trẻ em thì khoảng 10 ml) và đặt ống nghe vùng thượng vị thấy tiếng sục (tiếng lọc ọc) của khí qua nước.
  • Dùng bơm tiêm hút dịch vị và thử với giấy quỳ tím. Nếu giấy quỳ tím hóa đỏ chứng tỏ ống thông dạ dày đã vào đúng vị trí.
  • Nhúng đầu ngoài của ống thông vào cốc nước sạch nếu không thấy sủi khí có nghĩa là đạt yêu cầu.

Bước 6: Cố định ống thông dạ dày bằng băng dính, lắp túi dẫn lưu vào đầu ống thông dạ dày. Tiến hành bơm rửa dạ dày, hút dịch vị, nuôi ăn,… tùy chỉ định.

Bước 7: Rút ống thông dạ dày: kẹp/bẻ gập ống thông, dùng gạc đỡ đầu sonde từ từ rút ra, cho người bệnh súc miệng, thu dọn dụng cụ.

Trong quá trình đặt ống thông dạ dày, bệnh nhân được theo dõi toàn trạng gồm mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ và theo dõi phản xạ ho sặc của bệnh nhân, tránh hít phải dịch.