Phương pháp làm bài tập bài văn biểu cảm lớp 7

Cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã đưa 4 cách lập ý kiểu văn biểu cảm, giúp học sinh có thể triển khai bài viết đa dạng, phong phú.

Cách lập ý kiểu văn biểu cảm

Theo cô giáo Thu Trang, để lập dàn ý, cách đầu tiên học sinh có thể làm là liên hệ từ hiện tại hướng đến tương lai. Ví dụ: Qua tác phẩm “Cây tre Việt Nam” của nhà văn Thép Mới đã cho thấy, từ việc khẳng định vị trí cây tre trong truyền thống văn hóa của dân tộc, nhà văn đã thể hiện sự liên hệ đến tương lai khi nói rằng: “Dù ngày mai sau thì cây tre vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng và sự tồn tại vĩnh cửu trong nền văn hóa của dân tộc”.

Cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.

Thứ hai là cách hồi tưởng về quá khứ và suy nghĩ về hiện tại. Từ hiện tại chúng ta có thể hồi tưởng về quá khứ những kỉ niệm, kí ức trong quá khứ và nhắc lại. Ví dụ: Trong tác phẩm “Tiếng gà trưa”, từ âm thanh tiếng gà trưa đã khơi gợi và thức dậy trong lòng người cháu tất cả những kí ức về người bà.

Thứ ba là cách tưởng tượng tình huống hứa hẹn, mong ước: Đưa ra giả định và thể hiện cảm xúc của chúng ta trong các tình huống ở tương lai. Ví dụ: Tưởng tượng 10 năm sẽ quay trở lại trường và cảm xúc của chúng ta lúc ấy như thế nào?

Thứ tư là cách quan sát, suy ngẫm. Đối với cảm thụ văn học nói chung và bài văn biểu cảm nói riêng thì kĩ năng quan sát và sự suy ngẫm là điều vô cùng quan trọng, từ đó có thể đem vào bài viết của mình để làm tư liệu viết bài. Ví dụ: Biểu cảm về người thân, nhưng có thể dừng lại để miêu tả về một chi tiết nào đó (đôi bàn tay, đôi mắt, dáng hình…).

Các dạng bài văn biểu cảm

Dạng thứ nhất là kiểu đề bài biểu cảm về người. Học sinh nên triển khai cách lập ý bằng cách dựa trên sự quan sát (vóc dáng, cử chỉ, lời nói) của người thân rồi sau đó hồi tưởng về quá khứ, suy nghĩ về hiện tại (kỉ niệm, cảm xúc).

Ví dụ, đề bài yêu cầu: Biểu cảm về người mẹ của mình. Các em tham khảo cách làm như sau:

Mở bài: Giới thiệu về mẹ và tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý, hi sinh suốt đời vì con.

Thân bài: Giới thiệu công việc, tuổi tác của mẹ; Dáng vóc: thanh mảnh, làn da trắng trẻo, mái tóc đen và dài, đôi mắt to trong và khuôn mặt phúc hậu; Phẩm chất của mẹ: qua các việc làm, hành động cụ thể; Một số kỉ niệm mà em nhớ mãi về mẹ: một lần em ốm được mẹ chăm sóc, một lần em mắc lỗi; Suy ngẫm về vai trò của mẹ đối với em và gia đình: Với em mẹ mãi là người vĩ đại với tình yêu thương vô bờ bến dành cho con cái, mẹ là nguồn sống là nguồn động lực giúp em học tốt nhất.

Kết bài: Bày tỏ tình cảm, sự yêu thương đối với mẹ.

Cô Nguyễn Thị Thu Trang cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất đối với bài văn biểu cảm chính là cảm xúc chân thật, khi đó bài văn mới có thể lay động lòng người.

Kiểu dạng bài thứ hai là biểu cảm về tác phẩm văn học, mức độ khó hơn so với biểu cảm về đồ vật, người… Bài văn phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học cũng có 3 phần: Mở bài (giới thiệu tác phẩm và hoàn cảnh tiếp xúc với tác phẩm), Thân bài (những cảm xúc,suy nghĩ do tác phẩm gợi lên, Kết bài (Ấn tượng chung về tác phẩm).

Ví dụ: Phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh.

Mở bài: Giới thiệu tình bà cháu trong bài thơ “Tiếng gà trưa”. Thơ ca là sự giãi bày của tâm hồn. Trong thơ ta thấy một tấm lòng yêu nước, thấy một thâm hồn yêu quê hương và cũng thấy cả những dòng bình dị về tình cảm gia đình thân thương. “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh chính là những dòng thơ bình dị ấy.

Thân bài: Cảm nghĩ về tình bà cháu trong bài thơ.

Đầu tiên phải kể đến tình bà cháu hiện lên qua dòng kí ức của người cháu, bao gồm: Dòng cảm xúc từ hiện tại của người chiến sĩ đã trôi về miền quá khứ với nỗi xúc động tràn trề. Tiếng gà trưa đã gợi lên bao kỉ niệm thơ ấu với bao nhọc nhằn gian khó được sống nơi làng xóm với bà, trong tình yêu thương và bàn tay chăm sóc của bà. Hình ảnh người bà hiện lên trong những kỉ niệm đẹp, gắn liền với đàn gà cục ta cục tác. Dù đã lớn nhưng cháu vẫn mang theo mình kỉ niệm rất đỗi giản dị mà chan chứa yêu thương này. Bà hiện lên với dáng vẻ tần tảo, vất vả, chắt chiu, dành dụm để cho cháu được cuộc sống ấm no. Những “cái quần chéo go”, những “cái áo cánh chúc bâu” chẳng phải là món quà đắt tiền, chẳng sang trọng nhưng nó lại là niềm vui lớn nhất của người cháu mỗi khi tết đến xuân về.

Tiếp theo, tác giả muốn nói đến tình cảm bà cháu gắn bó thiêng liêng: Bà đã cùng người chiến sĩ đồng hành gắn bó trên suốt chặng đường hành quân. Những ý nghĩ về bà, những kỉ niệm ấu thơ có bóng dáng người bà tảo tần, tình yêu thương của bà đã tiếp sức cho người chiến sĩ. Bà đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần cho cháu.

Cô Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý điệp từ “vì” đã làm nổi bật nguyên nhân người chiến sĩ quyết tâm lên đường hành quân. Không phải bắt nguồn từ những gì to lớn mà đó chính là vì bà, vì cháu biết những tần tảo chịu thương chịu khó của bà. Tình yêu gia đình gắn với người bà đã lớn lên thành tình yêu quê hương, nơi có tiếng “cục tác”. Từ tình yêu quê hương, mà lớn dần thành tình yêu tổ quốc, thành quyết tâm đứng lên bảo vệ những điều bình dị mà thiêng liêng ấy trong tâm tưởng người cháu.

Kết bài: Nêu cảm nhận về tình bà cháu trong bài thơ. Nhà văn I-li-a-Ê-ren-bua từng viết: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở thành lòng yêu Tổ quốc”. Quyết tâm lên đường của người cháu trong bài thơ “Tiếng gà trưa” cũng bắt nguồn từ những tình cả giản dị ấy. Ấy là tình bà cháu, bình dị nơi làng quê ngõ xóm nhưng thật thiêng liêng bởi nó làm nên tình yêu Tổ quốc.

Xem thêm phương pháp học tốt môn Ngữ văn 7 tại đây.

(Nguồn: HOCMAI)