Trật khớp cổ tay: Triệu chứng, cách sơ cứu và điều trị • Hello Bacsi

Khi có dấu hiệu của trật khớp cổ tay, gây đau, tụ máu, sưng phù và ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày, người bị chấn thương nên được sơ cứu bằng 4 bước (R-I-C-E) sau đây:

  • Bước 1: REST – Nghỉ ngơi. Hạn chế vận động cổ tay để giảm đau, có thể dùng gậy hay nẹp và băng gạc để cố định vết thương. Nếu gặp khó khăn khi vận động, nên để vùng tổn thương được nghỉ ngơi hoàn toàn bằng cách nẹp dài cố định qua hai khớp. Bạn không nên cố gắng chỉnh để tay trở về vị trí ban đầu sẽ khiến tổn thương nghiêm trọng hơn.
  • Bước 2: ICE – Chườm đá để giảm đau, sưng phù. Trong 24 giờ đầu, nên chườm đá khoảng 3 lần, mỗi lần từ 20 đến 30 phút. Không được chườm nóng hay xoa dầu trong 24 giờ đầu vì có thể làm sưng, bầm tím nhiều hơn. Nên bọc đá trong khăn để tránh bỏng lạnh vùng tổn thương.
  • Bước 3: COMPRESSED – Băng ép. Dùng băng thun quấn nhẹ nhàng và đều tay để cổ tay giảm bớt sưng phù. Không nên băng quá chặt tay sẽ cản trở máu lưu thông xuống bàn tay. Bạn cần chú ý kiểm tra các đầu ngón tay xem có tím hoặc tê bì không, nếu có thì nới lỏng băng thun.
  • Bước 4: ELEVATED – Kê cổ tay lên cao hơn tim để giảm phù.

Nếu trật khớp gây đau đớn dữ dội hãy đến ngay bệnh viện để kiểm tra và điều trị nhé!

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Chẩn đoán trật khớp cổ tay bằng cách nào?

Tại bệnh viện hoặc phòng khám, bác sĩ sẽ kiểm tra vết thương và chỉ định chụp X – quang cổ tay nhằm chẩn đoán. Hiếm khi, chụp cộng hưởng từ cũng được sử dụng để đánh giá mức độ tổn thương của các mô mềm xung quanh khớp cổ tay bị trật.

Trật khớp cổ tay được chữa trị ra sao?

chữa trật khớp cổ tay

Tùy vào mức độ chấn thương, vị trí và tình trạng hiện tại của khớp mà bác sĩ có thể sẽ:

  • Nắn chỉnh khớp cổ tay (thường ưu tiên nắn kín, không cần rạch da để bộc lộ các khớp cổ tay) giúp điều chỉnh lại phần đầu xương lệch ra khỏi ổ khớp, trả chúng về cấu trúc sinh lý. Đối với các trường hợp nặng hơn, cần phải phẫu thuật để sắp xếp lại xương hoặc sửa chữa lại dây chằng bị rách.
  • Châm cứu và xoa bóp giúp giảm các triệu chứng sung và đau khá tốt
  • Cố định. Sau phẫu thuật hay nắn chỉnh khớp, bác sĩ có thể giúp bạn có định khớp bằng cách bó bột hay đeo nẹp để hạn chế vận động cổ tay, giúp tổn thương nhanh lành lại.
  • Sau khi tháo nẹp, bạn cần tiến hành chương trình phục hồi chức năng đặc biệt để trả lại sức mạnh lực cổ tay, khôi phục phạm vi chuyển động của khớp.

Để ngăn ngừa trật khớp cổ tay ở lần sau, bạn nên đeo dụng cụ bảo vệ cổ tay, luôn đảm bảo chơi thể thao trên bề mặt phẳng, tránh các động tác lặp đi lặp lại và sử dụng lực cổ tay quá sức, tập các bài tập tăng cường sức mạnh và độ ổn định cho cổ tay theo hướng dẫn của bác sĩ nhé!