Cỏ mần trầu: Công dụng, cách dùng, lưu ý khi sử dụng

Cỏ mần trầu là một loại cây rất quen thuộc đối với chúng ta nhưng ít ai biết rằng nó có những công dụng rất tốt đối với sức khoẻ, cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu về công dụng, cách dùng, lưu ý khi sử dụng cỏ mần trầu thông qua bài viết này nhé!

Cỏ mần trầu rất phổ biến ở khắp mọi miền nước ta và có nhiều tên gọi khác nhau như: vườn trầu, màn trầu, thanh tâm thảo, cỏ bắc,…

1 Cỏ mần trầu là gì?

Cỏ mần trầu là một loại cây thảo nhỏ, mọc thành cụm, có nhiều tên gọi khác như vườn trầu, màn trầu,..

Cỏ mần trầu có tên khoa học là Eleusine indica (L) Gaertn, thuộc họ Lúa (Poaceae).

Cỏ mần trầu là loại cây thảo nhỏ, mọc thành cụm sum suê. Thân cây phân nhánh, mọc bò dài sau đứng thẳng, cao 30 – 50cm. Lá mần trầu mọc so le, có hình dải nhọn, xếp thành 2 dãy cách nhau, bẹ lá mỏng có lông, phiến lá nhẵn, mềm. Cỏ mần trầu có cụm hoa mọc trên 1 cán ở ngọn thân gồm 5 – 7 bông, xếp tỏa tròn như những cái chong chóng, lá nhỏ dài. Cỏ mần trầu được dùng làm rau thuốc dạng tươi và khô, bộ phận dùng là toàn cây.

Ở nước ta, mần trầu mọc rất phổ biến, thường mọc thành đám trong các bãi đất, ở vùng đồng bằng, trung du cho đến vùng núi cao. Cây mần trầu con mọc từ hạt, xuất hiện vào cuối mùa xuân. Sau khi ra hoa quả, cây bị tàn lụi ngay trong mùa hè. Ở những vùng núi cao có điều kiện mưa ẩm khác nhau, có thể thấy cây mần trầu mọc từ hạt gần như quanh năm.

Theo Đông y, mần trầu vị ngọt hơi đắng, tính bình, có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt giải độc, mát gan, lợi tiểu, làm ra mồ hôi.

Mần trầu là cây thuốc dân gian chữa tăng huyết áp, lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, tiểu tiện vàng và ít, phụ nữ có thai có hỏa nhiệt gây táo bón, buồn phiền, động thai, nhức đầu nôn mửa và tức ngực. Ngoài ra, còn trị mụn nhọt và các chứng nhiệt độc, trẻ em tưa lưỡi.

2 Công dụng của cỏ mần trầu

Giúp hạ huyết áp

Chiết xuất etanolic và chloroform từ cỏ mần trầu có đặc tính chống tăng huyết áp

Chiết xuất etanolic và chloroform từ cỏ mần trầu có đặc tính chống tăng huyết áp đã được chứng minh qua nghiên cứu về hoạt động chống tăng huyết áp của cỏ mần trầu. Các kết quả cho thấy rằng chiết xuất etanolic có tác dụng chống tăng huyết áp đáng kể hơn chiết xuất methanolic. [1]

Tác dụng kháng khuẩn

Cỏ mần trầu có tác dụng kháng Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Salmonella choleraesuis

Mần trầu có tác dụng kháng khuẩn mức độ từ thấp tới vừa đối với các loại vi khuẩn sau đây: Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Salmonella choleraesuis nhờ tác dụng của methanolic và chloroform chiết xuất từ cỏ mần trầu được chứng minh ở nghiên cứu các đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hoá, gây độc tế bào của cỏ mần trầu. [2]

Tác dụng hỗ trợ bảo vệ chức năng thận

Dịch chiết xuất của cỏ mần trầu có tác dụng giúp hỗ trợ bảo vệ chức năng thận

Trong một nghiên cứu về tác dụng của chiết xuất cỏ mần trầu thực hiện trên chuột được tiêm L – NAME, nhóm được điều trị bằng dịch chiết cỏ mần trầu (200mg/kg) đạt hiệu quả tương đương trong việc kiểm soát các chỉ số Creatinine, Urea, ion Na+ và K+ so với nhóm điều trị bằng Losartan (12.5mg/kg). Kết quả này cho thấy tác dụng cao của dịch chiết mần trầu trong việc bảo vệ chức năng thận.[3]

Tác dụng hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu, bảo vệ gan

Cỏ mần trầu giúp giảm cholesterol toàn phần, LDL và tăng HDL

Các nghiên cứu thực hiện trên nhóm chuột được gây béo phì, nhóm điều trị với cao chiết cây mần trầu với dung môi Hexan có tác dụng làm giảm cholesterol toàn phần, LDL và tăng HDL so với nhóm đối chứng. Cũng trong nghiên cứu này thấy các chỉ số AST, ALT (chỉ số men gan) cũng được cải thiện. [4] [5]

Tác dụng chống viêm, hạ sốt

Chiết xuất từ cỏ mần trầu có tác dụng hạ sốt chống viêm hiệu quả