Tính năng mới

Tùy vào từng đối tượng giao tiếp khác nhau như ba mẹ, bạn bè, cấp trên… mà chúng ta có cách cư xử, nói chuyện riêng và đây là chuyện bình thường. Tuy nhiên, sự thay đổi cách hành xử của bệnh nhân rối loạn đa nhân cách nghiêm trọng hơn nhiều.

Bộ phim Split (2017) và Glass vừa ra mắt đầu năm 2019 đã dấy lên làn sóng tìm hiểu về bệnh rối loạn đa nhân cách. Câu chuyện về những mảnh ghép nhân cách vừa thú vị vừa ám ảnh của anh chàng Kevin, nhân vật chính trong phim đã khiến hàng triệu người xem tò mò muốn hiểu thêm về căn bệnh tâm lý bí ẩn này.

Rối loạn đa nhân cách là một bệnh tâm lý

Chứng rối loạn đa nhân cách thường được gọi là đa nhân cách (multiple personality disorder). Chứng bệnh tâm lý này còn có tên tiếng Anh là Dissociative Identity Disorder (DID) – rối loạn nhận dạng phân ly vốn là một vấn đề rất phức tạp đối với cả những chuyên gia tâm lý.

1. Rối loạn đa nhân cách là gì?

Có thể bạn đã từng có những giây phút mơ màng, không còn nhận thức được những gì đang xảy ra và cảm thấy như bản thân mình đang bị tách biệt với thế giới xung quanh khi làm việc quá căng thẳng. Rối loạn đa nhân cách cũng là một dạng tách biệt với môi trường xung quanh nhưng nghiêm trọng hơn. Đây là một quá trình tâm thần khiến bạn mất kết nối với suy nghĩ, ký ức, cảm xúc, hành động hoặc nhân cách của chính mình.

Người bệnh có thể đã gặp phải một số sang chấn trong quá khứ và phải bảo vệ bản thân bằng cách tách mình ra khỏi những trải nghiệm quá bạo lực hoặc quá đau đớn. Họ tách mình khỏi tình huống gây căng thẳng bằng cách tạo ra những nhân cách khác nhau để thay mình giải quyết những căng thẳng, đau buồn trong cuộc sống.

Các nhân cách không phải một nhân cách hoàn chỉnh mà chỉ là những mảnh tính cách rời rạc. Thường sẽ có một nhân cách chính mang tên thật của bệnh nhân. Tuy nhiên, nhân cách chính thường không biết đến sự hiện diện của các nhân cách khác mà chỉ nhận thức được sự có mặt của những nhân cách này khi được mọi người xung quanh kể lại.

Những nhân cách khác nhau có tuổi, giới tính hoặc thậm chí là chủng tộc riêng. Mỗi nhân cách có tư thế, cử chỉ và cách nói chuyện riêng biệt. Ngoài những nhân cách là người, bệnh nhân có thể có những nhân cách là động vật.

Quá trình một nhân cách chiếm quyền kiểm soát hành vi và suy nghĩ của bệnh nhân gọi là quá trình chuyển đổi. Việc chuyển đổi có thể mất vài giây, vài phút hoặc có khi đến vài ngày. Kích thích từ môi trường hoặc các sự kiện trong cuộc sống có thể là yếu tố khởi phát cho việc chuyển đổi giữa các nhân cách xảy ra.

Ban đầu, người bệnh có thể chỉ thể hiện 2 – 4 nhân cách khi được thăm khám. Tuy nhiên, sau một thời gian chữa trị, bác sĩ có thể tìm ra trung bình từ 13 – 15 nhân cách. Cũng có trường hợp người bệnh có tới hơn 100 nhân cách.

Việc xác định tính xác thực của bệnh rối loạn đa nhân cách rất khó khăn. Nhiều người cho rằng chứng rối loạn đa nhân cách chỉ do sự hoang tưởng của người bệnh. Một số chuyên gia lại cho rằng chứng này là một nhánh của bệnh rối loạn nhân cách ranh giới. Thống kê cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn đa nhân cách là từ 0,01% đến 1% dân số thế giới. Và tỷ lệ mắc bệnh ở nữ so với nam là 5/1

2. Nguyên nhân rối loạn đa nhân cách

Bệnh rối loạn đa nhân cách đặc biệt dễ phát triển trong những năm đầu đời. Trẻ bị bỏ bê hoặc lạm dụng về mặt tâm lý, tình dục hay thân thể trong giai đoạn này rất dễ bị ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách. Có đến 99% người mắc chứng rối loạn đa nhân cách từng bị lạm dụng liên tục, quá sức chịu đựng và ảnh hưởng đến tính mạng ở giai đoạn phát triển nhạy cảm (trước 9 tuổi).

Nhân vật Kevin Wendell Crumb trong phim Split cũng từng trải qua một tuổi thơ dữ dội với những tổn thương tâm lý dai dẳng đến khi trưởng thành. Anh chàng này mắc chứng rối loạn đa nhân cách và có tới 24 nhân cách vì bị mẹ của mình đánh đập, trừng phạt quá tàn nhẫn khi chỉ mới 3 tuổi.

Các nghiên cứu cho thấy trong những gia đình ba mẹ quá hung dữ hay biến động bạo lực, con cái có nguy cơ bị rối loạn đa nhân cách.

3. Phân biệt đa nhân cách và tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt và rối loạn đa nhân cách thường bị nhầm lẫn nhưng thật ra hai chứng bệnh này rất khác nhau.

  • Tâm thần phân liệt: Đây là một bệnh tâm thần nghiêm trọng. Những người bị tâm thần phân liệt không có nhiều nhân cách và có ký ức khá liền mạch về các sự kiện xảy đến với mình. Đặc trưng chủ yếu của bệnh này là nghe hoặc nhìn thấy những thứ không có thật (ảo giác) và suy nghĩ hoặc tin vào những điều không có cơ sở trong thực tế (hoang tưởng).
  • Rối loạn đa nhân cách: Đây là một rối loạn làm ảnh hưởng tới cách hành xử của người mắc bệnh. Những bệnh nhân mắc chứng này có nhiều người bệnh không thể nhớ được những hành vi hay lời nói mình đã làm khi ở một nhân cách khác, nói dễ hiểu dân gian hay gọi là “bị nhập”, người bệnh chỉ được người thân kể lại về những nhân cách đó mà không hề có chút ký ức nào về nó. Đặc trưng của rối loạn đa nhân cách là mỗi nhân cách có suy nghĩ và niềm tin hoàn toàn riêng biệt.

Cả bệnh nhân tâm thần phân liệt và rối loạn đa nhân cách đều có nguy cơ tự tử.