Chuyện học tiếng Anh – Phần 1: Tôi đã học tiếng Anh như thế nào | Từ coder đến developer – Tôi đi code dạo

Thấy cũng có nhiều bạn hỏi về cách học tiếng Anh và ôn thi của mình sẵn tiện mình viết bài chia sẻ luôn. Có 2 điều mình muốn nói rõ trước khi bắt đầu bài viết:

  • Học là một quá trình lâu dài. Trừ khi bạn là siêu nhân hay thiên tài nhìn chữ là nhớ, còn lại thì học gì cũng cần thời gian để xây dựng nền móng mới giỏi dần được. Mình không phải thiên tài cũng không phải siêu nhân, do đó mình cũng phải học nhiều và học dần dần thì tiếng Anh mới khá được. Bạn nào sắp thi muốn tìm tips, cách học nhanh thì vui lòng tìm ở trang khác nha.
  • Mỗi người có một kinh nghiệm/cách học khác nhau. Có người thích học tà tà mỗi ngày nửa tiếng, có người thích cày như trâu mỗi ngày 8 tiếng. Cách mình chia sẻ là cách mình thấy phù hợp với bản thân mình, các bạn thấy phần nào hợp với chính mình thì làm theo, đừng nghe và làm theo mình hết 100%. Nếu không thấy hiệu quả thì mình cũng không chịu trách nhiệm đâu.

Series gồm 3 phần:

  • Phần 1: Tôi đã học tiếng Anh như thế nào
  • Phần 2: Tôi đã đạt TOEIC 945/990 như thế nào
  • Phần 3: Tôi đã đạt IELTS 7.5/9 như thế nào

Đấy, mình nói rõ ràng từ đầu rồi nhé, không phải như quảng cáo của mấy cái lớp tiếng Anh “Làm theo phương pháp này 100% tiếng Anh bạn sẽ tiến bộ!” hoặc “Đã có 100 người thành công nhờ phương pháp này” v…v. Cách của mình chỉ giúp mình tiến bộ và có mình thành công thôi, nếu các bạn làm theo và thành công thì nhớ PM báo mình để mình cập nhật thêm nhé. Trong bài này, mình sẽ kể một chút về quá trình học tiếng Anh của mình.

rsz_person-apple-laptop-notebook

Ngày xửa ngày xưa

Hồi lớp 10-11, tiếng Anh mình cũng chỉ thuộc hàng kha khá trong lớp chứ cũng không phải là nổi trội hay xuất sắc gì mấy. Đối với mình thời đó,tiếng Anh chỉ là môn học và là công cụ hỗ trợ… chơi game. Công bằng mà nói, games là công cụ dạy tiếng Anh rất tốt. Nếu muốn, bạn có thể bỏ ra 2-3 tiếng mỗi ngày để chơi games, vừa giải trí vừa học tiếng Anh luôn thể.

Dĩ nhiên, games ở đây không phải là DotA, LoL, CS hay mấy trò webgame nhan nhản trên mạng nhé. Thể loại game tốt nhất giúp tăng khả năng tiếng Anh là game nhập vai (JRPG của Nhật, RPG của châu Âu), bạn sẽ quen với việc đọc chữ, đọc lời thoại, xem quest để tìm cách làm. Một số game nhập vai khá hay bạn nên thử là: Series Final Fantasy 6-10, Series Tales of… Dòng Dragon Age rất hay từ gameplay cho tới nội dung nhưng tiếng Anh khá khó và nhức đầu, bạn nào muốn thử thách bản thân cũng có thể thử. Nhớ chọn những game nhiều chữ nhiều lời thoại chứ đừng chơi Diablo, Torchlight hay Dungeon Siege nhe.

Thời đó mình còn tìm đọc hướng dẫn game tiếng Anh, nguyên file text dày đặc chữ, đọc nhiều cũng quen nên về sau thấy tiếng Anh nhiều mình không sợ nữa. Ngoài ra, chơi game online phiên bản quốc tế cũng làm khả năng đọc tăng đáng kể (Đọc thôi nhé, bọn nước ngoài giao tiếp trong game toàn dùng tiếng lóng, viết tắt, sai chính tả v…v, không học được gì về giao tiếp đâu). Ngày xưa mình chưa Maple Story bản International còn dụ dỗ kết hôn (trong game) với một bé gái 14-15 tuổi gì đó bên Phần Lan cơ :v.

maplestory 2

Cuối năm cấp 3

Đến cuối năm lớp 12, do tìm một số bộ anime lên mình bị sa chân vào ma đạo, bắt đầu con đường cày cuốc anime và manga. Mình nhớ hồi đó là khoảng năm 2008-2009, trang vnsharing.net mới thành lập không lâu. Năm ngoái nó vừa sập vì nhiều lý do, tính ra mình cũng có nhiều bạn bè/kỉ niệm với nó, kể cũng buồn.

Thời đó, số lượng các nhóm sub anime/dịch truyện còn ít như lá mùa thu, không nhan nhản như bây giờ. Do đó, mình phải cắn răng mà mò mẫm đọc truyện/xem anime bằng tiếng Anh. Nghĩ lại cũng may chứ nếu hồi xưa có nhiều sub Việt như bây giờ chắc mình chả đụng tới tiếng Anh nữa. Theo kinh nghiệm của mình thì anime/manga cũng là một cách để học tiếng Anh khá tốt, vừa học vừa giải trí. Anime dễ xem hơn vì nhân vật nói từng câu, không phải nguyên 1 đống chữ như trong manga. Ngôn ngữ trong anime/manga thì đủ thể loại, ma pháp học đường chính trị đủ cả. Các bạn nhập môn có thể tìm xem một số bộ đơn giản như: Naruto, One Piece, Yotsuba, School Rumble, Aria, … (Xem anime trong sáng chứ đừng lậm mấy bộ 18+ nhé, thiện ***tai thiện ***tai).

Nếu thích đọc manga bạn cũng có thể thử đọc tiếng Anh thay vì tiếng Việt. Thay vì mỗi ngày vào blogtruyen, manga24h, bạn hãy vào mangapark, mangafox… Vốn từ tiếng Anh của bạn sẽ lên dần dần mà không cần cố công rèn luyện học hành gì đâu. Nhiều khi đọc quen thì bạn đọc manga cả tiếng đồng hồ mà không biết luôn ấy chứ. Bạn cũng có thể bỏ manga và tablet và mang theo đọc. iOS có iComic là phần mềm đọc manga khá tốt, nếu bạn dùng Android thì có thể thử Perfect Viewer, ngày xưa mình dùng cả 2 cái này.

maxresdefault

Lên đại học

Lên đại học, mình vẫn chơi game/xem anime/đọc manga như thường lệ. Do học FPT giáo trình toàn bộ bằng tiếng Anh, sách cuốn nào cuốn nấy dày cui như từ điển, mình cũng phải quen dần với việc đọc. Ở giai đoạn này, mình được giới thiệu một số sách khá hay (về lập trình và cuộc sống), nên mình bắt có thói quen đọc sách. Tuy nhiên hồi đó có khi cả tháng trời mình mới đọc xong một cuốn, không nhanh như bây giờ đâu.

Tất nhiên, nếu chưa quen, các bạn đừng nên nhảy vào đọc nguyên một cuốn sách/truyện/tiểu thuyết bằng tiếng Anh, rất dễ ngộp. Mình từng ảo tưởng sức mạnh đọc Truyện kể Genji (Tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của nhân loại) và ôm đầu máu đầu hàng sau chương một. Các bạn có thể bắt đầu bằng thể loại Light novel, tiểu thuyết nhẹ nhàng theo phong cách anime/manga của Nhật, ngôn từ đơn giản và dễ hiểu. Thể loại này rất hay, dễ ghiền, luyện tiếng Anh rất tốt, bạn nào muốn tìm hiểu thêm có thể vào đây nhe: http://hako.re/forum/16-huong-dan/4830-light-novel-101-moi-dieu-can-biet.html.

Đống sách phải đọc trong học kì này .... (Còn 2 cuốn chưa mượn được)

Một điều khá may mắn là sách technical cho dân lập trình chúng mình được viết bằng văn phong đơn giản, súc tích dễ hiểu, lại còn có nhiều code. Nếu đọc sách lập trình, bạn không cần đọc hết từng câu từng chữ mà chỉ cần nắm ý chính, hiểu code là được. Tuy nhiên, đọc ebook trên vi tính rất mỏi mắt, dễ mất tập trung, các bạn nên bỏ sách vào di động hoặc tablet để mang đi mà đọc. Đây là một số phần mềm nên dùng cho cách định dạng sách:

  • Định dạng PRC + MOBI: Kindle. Kindle có thể cài kèm từ điển, gặp từ khó bạn chỉ cần giữ tay vào chữ sẽ thấy giải nghĩa ngay, rất tiện.
  • Định dạng EPUB: Marvin
  • Định dạng PDF: GoodReader

Mình đã dùng thử các phần mềm tương tự, chỉ giới thiệu cái tốt nhất cho các bạn đấy. Nếu băn khoan không biết nên đọc sách gì, các bạn có thể xem một số bài giới thiệu trên blog của mình tại đây, đây và đây.

iPad-Kindle-Dictionary-650x487

Lời kết

Một điều mình đã từng chia sẻ nhiều lần trong các bài viết trước, đó là sự quan trọng của thói quen. Thói quen tốt sẽ giúp bạn dần dàn đạt được điều mình muốn. Với mình, đó là thói quen đọc sách, viết blog, chơi game đọc truyện. Nếu muốn tăng khả năng tiếng Anh, ngoại trừ việc học, bạn có thể tập cho mình một vài thói quen giải trí bằng tiếng Anh, vừa vui vừa bổ.

Nếu các bạn có thắc mắc là: Ơ sao toàn luyện Reading vậy, còn mấy cái như Writing hoặc Speaking thì sao???. Như đã chia sẻ, đây là cách học của mình, mình vừa học vừa chơi theo sở thích nên Reading và Listening kha khá tốt thôi. Writing và Speaking mình cũng không giỏi lắm nên không chia sẻ được gì mấy. Các bạn có thể thoải mái chia sẻ kiến thức/kinh nghiệm học tiếng Anh của mình trong phần comment nhe.

Ở phần sau, mình sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm về quá trình học ôn thi TOEIC, các bạn nhớ đón đọc nhé.

30s quảng cáo

book.jpg

Đây là một bài viết được trích dẫn từ cuốn sách “Code dạo kí sự – Lập trình viên đâu phải chỉ biết code” do mình viết. Quyển sách bao gồm những kĩ năng từ mềm đến cứng mà mỗi developer phải có, đảm bảo sẽ rất có ích cho các bạn sinh viên hoặc lập trình viên đã đi làm. Các bạn xem thông tin và đặt mua sách tại đây nhé: Sách Code Dạo Ký Sự.