Phân biệt bệnh quai bị và viêm tuyến nước bọt mang tai | Vinmec

2.1. Biểu hiện của bệnh quai bị

Sau khi tiếp xúc với virus quai bị khoảng 14 – 24 ngày (giai đoạn ủ bệnh đã có thể lây lan), người bệnh có biểu hiện sốt cao từ 38 – 39 độ C, đau đầu, chán ăn, cảm giác khó nuốt, khó nói chuyện, đau nhức các khớp xương.

Vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, lan ra vùng trước tai và lan xuống dưới hàm. đẩy tai lên trên và ra ngoài, có khi sưng lan đến ngực gây phù trước xương ức.

Da ở vùng sưng có màu sắc bình thường, không bị nóng đỏ và có tính đàn hồi. Bệnh quai bị thường sưng cả 2 bên tuyến nước bọt mang tai, có khi chỉ sưng 1 bên, sưng 2 bên so với sưng 1 bên có tỷ lệ là 6/1. Tuyến mang tai trong bệnh quai bị thường sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng từ từ trong khoảng 1 tuần. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến mang tai có thể không sưng lên cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng.

Song song với các tổn thương ở tuyến nước bọt, virus quai bị còn làm tổn thương ở ngoài tuyến nước bọt gây viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm não, viêm tụy cấp, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi kẽ, viêm đa khớp hoặc biểu hiện ở các cơ quan khác như tuyến lệ, tuyến ức, tuyến giáp, tuyến vú, buồng trứng. Các tổn thương này thường có các triệu chứng không điển hình, thường diễn biến lành tính.

2.2. Bệnh quai có thể dẫn đến biến chứng gì?

  • Viêm tinh hoàn: đây là biến chứng thường gặp ở tuổi dậy thì, hiếm gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi và ở người lớn trên 40 tuổi. Viêm tinh hoàn thường xuất hiện sau khi sưng tuyến mang tai từ 1 – 2 tuần. Biểu hiện đau tinh hoàn lúc sắp sưng, sau đó tinh hoàn sưng to gấp 3 – 4 lần so với bình thường. Thường chỉ sưng 1 bên nhưng cũng có thể sưng 2 bên, khoảng 2 tuần hết sưng. Sau 2 tháng mới có thể đánh giá được tinh hoàn có bị teo hay không. Tỷ lệ teo tinh hoàn gặp phải là 30 – 40%, nếu bị teo tinh hoàn cả 2 bên thì khả năng vô sinh rất cao.
  • Viêm buồng trứng: chiếm 7% trường hợp mắc bệnh quai bị ở tuổi sau dậy thì (hiếm khi gây vô sinh). Nếu nhiễm bệnh quai bị ở phụ nữ có thai: 3 tháng đầu có khả năng gây dị dạng, sảy thai… vào 3 tháng cuối có thể gây tăng nguy cơ thai chết lưu hoặc sinh non.

2.3. Điều trị quai bị

Không có liệu pháp kháng vi-rút đặc hiệu để điều trị bệnh quai bị. Xử trí bằng cách chăm sóc hỗ trợ và có thể bao gồm sử dụng thuốc giảm đau / hạ sốt như acetaminophen. Khó chịu ở tai có thể được kiểm soát bằng cách chườm ấm hoặc chườm lạnh. Viêm tinh hoàn có thể được kiểm soát bằng các chất chống viêm không steroid, hỗ trợ điều trị viêm tinh hoàn và chườm lạnh.

Nên cách ly bệnh nhân tối thiểu 2 tuần khi mắc bệnh quai bị, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, nằm yên, hạn chế đi lại, đặc biệt là đối với các bệnh nhân là thanh niên hay bệnh đang trong thời gian sốt và sưng tuyến nước bọt (4 – 6 ngày đầu). Trường hợp bệnh nhân bị viêm tinh hoàn cần mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau. Nếu mắc quai bị ở tuổi vị thành niên cần lưu ý điều trị sớm. Không có liệu pháp kháng vi-rút cụ thể để điều trị bệnh quai bị.