Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai cuộc hội ngộ với anh, chị ruột

Hồ Thị Quỳnh Trang

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Chủ tịch Hồ Chí Minh có hai anh, chị ruột. Người chị cả của Người là cô Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1884 tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình nho học, nguồn gốc nông dân, cô sớm được tiếp cận truyền thống tốt đẹp của gia đình. Tuy không được đi học ở trường lớp nhưng cô tự học nên có nhiều hiểu biết về Hán học, Y học nên cô còn có biệt hiệu là Bạch Liên, Nhân dân yêu mến gọi cô là Bạch Liên nữ sĩ. Năm 1895, mẹ đưa hai em vào Huế, cô ở lại nhà giúp bà ngoại những việc sinh hoạt hàng ngày. Năm 1901, mẹ qua đời ở Huế, cô Thanh thay mẹ chăm sóc các em. Sau khi ông Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng, cô theo cha về làng Sen sinh sống và tự quản gia đình. Năm 1906, ông Sắc mang hai em trai vào Huế để nhậm chức Thừa biện bộ Lễ, cô Thanh ở lại Kim Liên tham gia phong trào yêu nước. Là một phụ nữ có nhan sắc, tài hoa nên lúc này cô có nhiều người dạm hỏi nhưng cô đã khéo léo từ chối tất cả để dành thời gian hoạt động yêu nước. Năm 1905, Phan Bội Châu khởi xướng phong trào Đông Du, cô Thanh ở Kim Liên tích cực tham gia phong trào của Đội Quyên, Đội Phấn. Năm 1910, trong một chuyến đi liên lạc với nghĩa quân, cô bị giặc Pháp bắt giam, bị đánh đập dã man song không có tang chứng chúng phải thả cô ra. Toà Khâm sứ Trung kỳ đã lập hồ sơ ký hiệu A11667 để theo dõi cô. Ra tù, cô mở quán cơm ở Vinh để làm địa điểm liên lạc bí mật và lấy vũ khí của lính khố xanh tiếp tế cho nghĩa quân. Ngày 5/2/1918, cô tổ chức lấy trộm súng bị lộ, bọn mật thám khám xét được dưới hầm bí mật ở quán cơm của cô 3 quy lát súng. Ngày 19/2/1918 Khâm sứ Trung kỳ ký lệnh bắt giam cô và mở toà xét xử, cô phải chịu án đánh 100 roi và tù khổ sai 9 năm đày đi 3000 dặm. Ngày 02/12/1918 chúng đày cô đi giam ở nhà lao Quảng Ngãi. Tại đây, bằng trí thông minh và tài năng, cô đã xoay chuyển được tình thế sau khi chữa khỏi ca bệnh khó cho vợ án sát Quảng Ngãi là Phạm Bá Phổ. Viên quan này đã đưa cô về nhà làm hành dịch, dạy con cái học hành và cô đã cảm hoá được con trai Phạm Bá Phổ là Phạm Bá Nguyên, sau này trở thành một đảng viên ưu tú đầu tiên ở chi bộ Đảng của Huế.

Năm 1922, Phạm Bá Phổ được triều đình thăng chức làm Tham trị Bộ Hình nên y chuyển ra Huế. Cô Thanh được đưa đi theo và bị an trí ở Huế. Cô lấy nghề bốc thuốc Nam để giúp đỡ bà con. Có nhiều vị tai to mặt lớn trong triều đình bày tỏ lòng yêu mến, muốn dạm hỏi nhưng cô nhất quyết từ chối. Được sự lên tiếng, giúp đỡ của nhiều bậc sĩ phu, cô Thanh được tòa công sứ Pháp cho về thăm quê và cô đã nhân dịp này đưa hài cốt bà Hoàng Thị Loan từ núi Ngự Bình về quê mai táng trong vườn nhà. Tháng 3/1924 cô gửi thư cho em trai là Nguyễn Ái Quốc nhưng bị mật thám Trung kỳ giữ lại. Tháng 01/1926 cô gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Trung kỳ đòi ân xá cho vua Thành Thái và Duy Tân đang bị giam giữ. Khi Phan Bội Châu bị đưa về giam ở Bến Ngự, thỉnh thoảng cô đến để động viên cụ giữ vững ý chí cách mạng, cảnh giác với kẻ thù. Cô xót xa ứng khẩu hai câu thơ tặng cụ Phan: Tây Phong nhất dạ linh nhân lão; Điêu tận châu nhan, bạch tận đầu (ý là: ngọn gió tây thổi một đêm làm người ta già đi, tàn cả dung nhan, bạc cả đầu). Cũng năm 1926, cô Thanh cùng em là cậu Nguyễn Sinh Khiêm lên hoạt động ở vùng Sơn Quả, Cổ Bi. Cuối năm 1929, nghe tin ông Nguyễn Sinh Sắc qua đời ở Cao Lãnh, Đồng Tháp, cô vào đây để cảm ơn bà con đã lo toan chu tất cho cha mình, sau đó cô trở về Kim Liên báo tin cho bà con hai họ biết việc tang. Tháng 9/1930, khi phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh bị đàn áp, cô đã dũng cảm đứng ra thuyết phục, ngăn Phạm Bá Phổ không thực hiện việc đốt phá làng Sen. Sau năm 1930, cô Thanh chuyển về Nam Dương. Năm 1937-1938, cô chuyển về Phú Lễ sinh sống bằng nghề bốc thuốc chữa bệnh và dạy chữ Hán. Ngày 18/9/1940 cô rời Huế về sống với dì là Hoàng Thị An tại làng Nguyệt Quả, Nam Đàn. Sau đó Thực dân Pháp đưa cô lên thị trấn Sa Nam giao cho Tri huyện Đinh Nho Bằng quản lý. Tại đây cô ở trong một túp lều tranh gần chợ làm nghề bắt mạch, bốc thuốc, chữa bệnh cho dân.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 cô Thanh chuyển về Kim Liên sinh sống. Năm 1946, biết tin Chủ tịch Hồ Chí Minh là em trai mình, ngày 27/10/1946, cô ra Hà Nội thăm em. Ông Hồ Quang Chính, người chứng kiến cuộc gặp gỡ cảm động ấy, sau này là tác giả cuốn hồi ký “Bác Hồ gặp chị và người anh ruột” đã thuật lại như sau: Vào lúc 11h30′ hôm ấy, vừa nhìn thấy Bác, bà Thanh vừa gọi, vừa chạy lại ôm lấy Bác: “Cậu, cậu, cậu khỏe không?” và Bác khóc, nước mắt Bác thấm vào cánh tay áo của bà, mắt Bác chớp chớp, Bác lấy khăn lau mắt mình và nói: “Chị khỏe không? Em biết chị chờ lâu, nhưng vì em đang bận tiếp các đồng chí Nam Bộ ra, chưa thể dứt việc được”. Sau phút giây cảm động ấy, Bác và bà Thanh đi lại phía bàn. Bác kéo ghế mời bà Thanh ngồi, bà Thanh hỏi Bác: “Cậu đi lâu thế có nhớ quê hương không? Còn nhớ chị ngồi ru võng cho cậu ngủ, chị hát ru bài non nước không? Thuở đó, gia đình ta khá vất vả”. Nói đến đây, bà lại khóc khiến nét mặt Bác bùi ngùi cảm động. Bác lấy khăn chấm chấm đôi mắt mình, vừa hút thuốc, vừa nhìn ra cửa sổ, Bác nói: “Chị ơi, quê hương nghĩa nặng ơn sâu, mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình, những chiến sỹ cách mạng chân chính đều là những người con chí hiếu. Chị ơi, ở nước ngoài, có đôi khi đêm khuya thanh vắng, bỗng chốc nghe một lời ru con của người mình, thì lòng dạ mình lại càng thêm nhớ đất nước, quê hương, bà con”. Sau đó, Bác hỏi đến quê hương làng Kim Liên, làng Hoàng Trù (quê nội và quê ngoại Bác), ông nội của anh Nguyễn Sinh Thọ (cháu gọi Bác Hồ bằng ông) và một số cụ ở quê nhà. Bà Thanh và anh Thọ lần lượt trả lời. Sau khi Bác nói chuyện với bà Thanh, anh Thọ, Bác quay sang để tay lên vai tôi và hỏi: “Thế còn cháu quê ở làng nào?”. Tôi trả lời: “Thưa ông, cháu quê ở làng Thọ Toán cuối huyện Nam Đàn”. Nói đến đây, tôi sợ Bác không biết làng tôi, tôi thưa tiếp: “Thưa ông, làng cháu ở gần làng Phổ Đông, Phổ Tứ, làng Nam Kim, gần sông Lam, gần cầu sắt Yên Xuân”. Bác nói: “Ờ, ờ, ông nhớ rồi, vùng đó có bãi giữa khá to của sông Lam, có lần ông đã đi đò dọc qua đó để đưa thư cho các cụ hoạt động chống đế quốc Pháp”. Rồi Bác hỏi cha mẹ tôi, hỏi tôi gặp và quen bác Hồ Tùng Mậu từ bao giờ? Tôi lần lượt trả lời Bác Hồ. Bác nói: “Tuy xa quê lâu, nhưng ông vẫn nhớ hàng dâm bụt, dãy chè xanh, đến tương, món cá khô, đến hát dặm Nghệ – Tĩnh”. Bác hỏi chúng tôi có hay đi hát phường vải không? Và Bác mỉm cười. Bà Thanh sực nhớ và nói: “Chị biếu cậu một chai tương Nam Đàn và hai con gà”. Vừa nói, bà vừa chỉ vào góc tường chỗ để chai tương và hai con gà. Bác vui vẻ đáp: “Cảm ơn chị và hai cháu, tương thì để thỉnh thoảng mời cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng) cùng ăn cho vui, gà để nuôi cho nó đẻ trứng”. Bà Thanh thân mật hỏi Bác: Khi nào cậu về thăm quê được? Bác nhìn ra ngoài cửa sổ, một lát sau, Bác trả lời: “Em cũng muốn về thăm quê, nhưng chắc chắn còn lâu, vì việc nước còn nặng nề lắm”. Hai chị em đôi mắt ngấn lệ. Người mời bà Thanh và cùng hai cháu đi cùng ăn cơm chiều với Người, có cụ Huỳnh cùng dự.

Sau đó xe của văn phòng đưa cô Thanh về nghỉ tại nhà người quen trong phố cổ Hà Nội. Sau lần đó, cô Thanh trở về sống ở quê hương. Do tuổi già, sức yếu và bệnh nặng, bông sen trắng ngát hương của làng Kim Liên đã qua đời vào tháng 3/1954.

Cô Nguyễn Thị Thanh – nữ sĩ Bạch Liên là một tấm gương trong sáng về lòng yêu nước, thương dân, thông minh, hiếu đễ, chí công vô tư. Cả cuộc đời xuân sắc của cô đã hiến dâng cho sự nghiệp chống Pháp cứu nước, giải phóng dân tộc. Cô xứng đáng là người chị cả đáng kính của Bác Hồ.

Người anh trai của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cậu Nguyễn Sinh Khiêm sinh năm Mậu Tý 1888, tại làng Hoàng Trù, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Cậu còn có tên là Tất Đạt, là một người có tư chất thông minh, hiểu biết về chữ Hán, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Năm 1895, cậu được cha mẹ đưa vào Huế với em trai, tức Nguyễn Sinh Cung. Năm 1900 cậu được cha đưa đi Thanh Hoá giúp cha việc vặt trong kỳ thi hương Canh Tý, sau đó về ở với bà ngoại và chị gái. Năm 1901 theo cha về ở Kim Liên. Năm 1903 theo cha đi Võ Liệt, Thanh Chương và các địa phương khác để học tập và tiếp xúc với nhà nho yêu nước. Tháng 5/1906 cậu được cha đưa vào Huế lần thứ hai cùng em trai và học ở trường tiểu học Pháp Việt Đông Ba, sau chuyển sang Quốc học Huế. Khi ông Sắc vào Bình Định, cậu trở về Làng Sen sinh sống với chị gái và tham gia phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, cậu mở lớp dạy chữ Quốc ngữ. Sau đó được Đội Quyên, Đội Phấn khuyến khích cậu mở lớp dạy võ. Năm 1910, cậu đi Vinh làm biên tập chuyên đề cho Công sứ Ô-giê về ca dao, tục ngữ, văn hoá dân gian Việt Nam. Khi sưu tầm, cậu chỉ lấy những câu nói ý nghĩa tiến bộ của nhân dân, còn những câu nịnh nọt quan lại, thực dân cậu đều bỏ. Tên công sứ trách mắng và giơ chân đá, cậu dùng võ hất hắn ngã bổ chửng rồi bỏ về Kim Liên, không làm việc nữa. Năm 1912, khi Toàn quyền Đông Dương An-be-xa-rô đi công cán qua Vinh, cậu thay mặt nhân dân làng Sen gửi một bản điều trần đòi tự do, dân chủ, giảm sưu thuế. Năm 1913, cậu được nhân dân bầu làm hương hào phụ trách công tác hương bản song vẫn tham gia hoạt động yêu nước trong phong trào Đội Quyên, Đội Phấn. Cậu tìm cách giảm sưu thuế, lấy 36 mẫu ruộng công đem chia cho dân làng, lập ra hương ước cải cách việc cúng tế, đình đám và vận động nhân dân bỏ đốt vàng, mã để đỡ tốn phí. Biết cậu có nhiều hoạt động yêu nước, đầu năm 1914, thực dân Pháp và triều đình mời cậu đến Vinh hăm dọa rồi dụ dỗ đưa cậu một số tiền lớn để chỉ điểm nghĩa quân và hứa nếu bắt được chỉ huy nghĩa quân sẽ thưởng nhiều hơn. Cậu vui vẻ nhận tiền và… đưa cho nghĩa quân sử dụng. Chuyện bị lộ, ngày 01/4/1914 cậu bị bắt giam ở Vinh, ngày 25/9/1914, chính quyền mở phiên toà xét xử cậu 3 năm khổ sai. Do có hành động vượt ngục ngày 06/01/1915 cậu bị xét xử lại và tăng lên 9 năm tù khổ sai. Ngày 31/7/1915 cậu bị đày đi đắp đường ở Ba Ngòi, Nha Trang. Sau 5 năm lao động cực nhọc ngày 17/3/1920, thực dân Pháp chuyển cậu về giam lỏng ở Huế. Cậu về Trạch Phổ làm nghề bốc thuốc chữa bệnh và mở lớp dạy chữ Hán cho con em trong vùng. Cậu cũng đến gặp ông Huỳnh Thúc Kháng lúc đó mới từ Côn Đảo về. Ông Huỳnh đã cho cậu mượn bộ sách Đông y thần dược để hành nghề thuốc. Năm 1922 cậu gặp cô Thanh từ Quảng Ngãi ra Huế, hai chị em hoạt động trong nhóm trí thức tiến bộ Huế. Năm 1926, cậu sống ở vùng Sơn Quả, Cổ Bi. Năm 1929, cậu chuyển về sống ở Phú Lễ, có nhiều hoạt động yêu nước, hay bênh vực người nghèo khổ, khinh bỉ quan lại. Cậu tổ chức diễn tuồng “Trưng Nữ Vương” để khích lệ khí thế quật khởi của nhân dân, mở lớp dạy võ để tìm người hiền tài, yêu nước, hội họp bí mật để tìm đường lối… tất cả những việc làm đó đã đẩy cậu vào tù lần nữa. Tại phiên tòa ngày 20/8/1940, cậu bị kết án 2 tháng tù nhưng thực tế bị giam đến ngày 16/8/1941. Vừa thoát tù ngục cậu lại giao du nhiều nơi như lên Nguyệt Bổn, Thanh Chương thăm nơi trường cũ, sang Đức Thọ, Vạn Phần, Hữu Luật kết bạn tâm giao. Tháng 8-1945, hòa với không khí Tổng khởi nghĩa toàn quốc, cậu Khiêm đội mũ calô, tay cầm giáo dài tham gia trong đoàn biểu tình từ làng Sen lên huyện cướp chính quyền.

Vốn là người am hiểu địa lý, khi thấy mộ mẹ vẫn còn để vườn nhà, cậu đã đi khắp Nam Đàn tìm phong cảnh đẹp, cuối cùng cậu đã chọn một địa điểm thuộc núi Động Tranh, dãy Đại Huệ để cát táng cho người mẹ kính yêu của mình. Ngày 03/11/1946, cậu ra Hà Nội thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nguyễn Sinh Cung thuở trước. 40 năm xa cách, bùi ngùi thương cảm khi hai anh em ở hai phương trời xa đều vì một mục đích lớn, giây phút gặp gỡ thật xúc động. Theo lời kể của ông Hồ Quang Chính thì: Hôm ấy cũng vào khoảng 11h30′, cánh cửa phòng làm việc của Bác từ từ mở. Bác Hồ vẫn đôi mắt sáng ngời và hiền từ, vẫn trong bộ kaki vàng, bạc màu, đi thẳng về phía ông cháu tôi. Cũng như khi bà Thanh gặp Bác, ông cả Khiêm chạy lại ôm chầm lấy Bác Hồ: “Chú, chú Cung (tên Bác Hồ hồi nhỏ), chú có khỏe không? Anh em mình xa nhau lâu quá!”. Chòm râu Bác Hồ rung rung chạm vào má bác Khiêm, nét mặt Bác Hồ cảm động nhưng vui tươi, Bác nói: “Anh mới ra, anh khỏe không? Quý hóa quá, chị Thanh về trong quê có khỏe không anh? Hôm chị ra đây, có hai cháu này cùng đến với em, nhưng em bận quá, không tiếp được nhiều. Em có mời chị và hai cháu ở chơi đến chiều, nhưng chị về”. Ông cả Khiêm trả lời: “Chị Thanh về có nói chuyện lại, bảo chú gầy lắm, công việc bận suốt ngày, bà con ai cũng đến hỏi thăm và lấy làm sung sướng”. Bác Hồ mời ông cả Khiêm ngồi và chỉ ghế cho phép chúng tôi ngồi. Bác Hồ cười vui vẻ làm cho không khí trong phòng vui và đầm ấm thân mật thêm. Bác Hồ rút thuốc lá mời ông cả Khiêm hút, nhưng ông huơ tay không nhận: “Tôi hút thuốc lá Cẩm Lệ quen rồi, thuốc đó nhẹ để chú dùng”. Bác Hồ cười và đọc một câu thơ:

“Chốc đà mấy chục năm trời

Còn non, còn nước, còn người hôm nay”

Nghe vậy, ông cả Khiêm đang cuốn thuốc

lá Cẩm Lệ cũng đọc luôn:

“Thỏa lòng mong ước bấy lâu

Nước non rợp bóng cờ bay đón Người”.

Đọc xong hai câu thơ, ông Khiêm nói: “Hôm nay, ông cháu đến thăm chú. Tôi mang biếu chú ít cam Xã Đoài”. Bác Hồ cảm động, chớp chớp mắt, yên lặng và hỏi ông cả Khiêm về tình hình Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, huyện Nam Đàn, về các hoạt động của chính quyền, đoàn thể địa phương, của một số người thân và bạn bè thời niên thiếu của Bác. Ông cả Khiêm trả lời: “Chú đi lâu mà chú tài nhớ thế?”. Bác Hồ lại hỏi ông cả Khiêm: “Anh còn nhớ chuyện “Khơm công” không?”. Bác Hồ lại nói luôn: “Chẳng những mình “Khơm công”, mà hàng chục triệu đồng bào thời đó cũng “Khơm công” (Khơm công nói lái lại là không cơm, ý nói thời niên thiếu của Bác và gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc túng thiếu). Ông cả Khiêm hỏi Bác: “Chú có định khi nào về thăm quê”. Bác Hồ thong thả trả lời: “Về đến đây cũng là về đến nhà rồi, tình hình và công việc thế này chưa cho phép em nghĩ tới, chắc việc đó còn lâu”. Người mời ông Khiêm ở lại ăn cơm trưa với Người và cụ Huỳnh. Sau cuộc gặp gỡ với Bác Hồ, ông cả Khiêm chia tay em vui vẻ trở lại sống tại làng Kim Liên trong tình yêu thương của nhân dân, được chính quyền địa phương chăm sóc chu đáo.

Sau một cơn đau nặng ngày 15/10/1950 (tức ngày 23 tháng 8 năm Canh Dần) ông Nguyễn Sinh Khiêm từ trần tại Kim Liên, hưởng thọ 62 tuổi, trong sự tiếc thương của nhân dân các làng xã, của bà con hai họ và người chị thân yêu. Lòng Bác Hồ quặn đau khi biết tin anh cả qua đời, nhưng vì việc nước gánh trên vai nên Người gạt lệ, gửi bức điện số 1229 cho Uỷ ban hành chính Liên khu 4 nhờ chuyển về làng Kim Liên để đưa tiễn anh cả: “Được tin anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu, vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hi sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.

Ông Nguyễn Sinh Khiêm, anh trai Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thông minh, có cuộc sống giản dị phóng khoáng, giàu lòng thương yêu người nghèo khổ. Ngay từ tuổi thành niên cậu đã được cha giáo dưỡng tư tưởng lớn, có lòng yêu nước thiết tha, khi bị tù ngục, gặp cảnh hiểm nguy, cậu đều vượt qua, quên việc cá nhân để lo việc nước, xứng đáng cho con cháu noi theo.