Bí quyết làm phần thi Reading của bài thi Cambridge B1 Preliminary (PET)

Đã có một số thay đổi trong bài thi Cambridge B1 Preliminary (PET) bắt đầu từ năm 2020. Với phiên bản cập nhật này, bài viết dưới đây hướng dẫn bạn bí quyết để làm tốt bài thi Đọc – Reading.

Một số thông tin về phần thi Đọc – Reading của B1 Preliminary (PET) phiên bản 2020

Phần

Số câu hỏi

Số điểm

Loại câu hỏi

Thí sinh phải làm gì?

1

5

5

câu hỏi trắc nghiệm 3 lựa chọn

Đọc 5 biển báo, tin nhắn và các văn bản ngắn nội dung đời thực để tìm ý chính

2

5

5

nối

Nối 5 phần mô tả người với 8 văn bản ngắn về chủ đề cụ thể, thể hiện khả năng đọc hiểu chi tiết.

3

5

5

câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn

Đọc văn bản dài hơn để hiểu ý chi tiết, ý chính, suy luận, ý chung cũng như thái độ, quan điểm của tác giả.

4

5

5

điền câu còn thiếu

Đọc văn bản dài hơn, trong đó đã bị lược bỏ 5 câu. Thí sinh phải thể hiện được khả năng hiểu cách thành lập một văn bản có cấu trúc chặt chẽ như thế nào.

5

6

6

điền vào chỗ trống với 4 lựa chọn

Đọc văn bản ngắn hơn và chọn từ vựng đúng để điền vào chỗ trống.

6

6

6

điền vào chỗ trống

Đọc văn bản ngắn hơn và điền vào 6 chỗ trống, mỗi từ 1 chỗ trống. Thí sinh phải thể hiện được kiến thức về cấu trúc ngữ pháp, cụm động từ và các cụm cố định.

Tổng

32

32

Một số lưu ý chung khi làm phần thi Reading

1. Các dạng văn bản có thể được sử dụng trong phần thi Đọc, bài thi B1 Preliminary (PET) bao gồm:

  • biển báo, thông báo (Phần Reading 1)
  • thông tin trên bao bì (Phần Reading 1)
  • ghi chú, giấy nhắn, thiệp, tin nhắn điện thoại, thẻ (Phần Reading 1, 5, 6)
  • báo và tạp chí (Phần Reading 2, 3, 4)
  • bách khoa toàn thư lược giản và các sách phi hư cấu khác (Phần Reading 3, 5)
  • tờ rơi, tờ quảng cáo (Phần Reading 2, 3)
  • trang web (Phần Reading 1, 2, 3, 4, 5)

2. Thí sinh nên thực hành với nhiều dạng văn bản khác nhau, gồm loại gốc và loại đã được chỉnh sửa. Ví dụ: tin nhắn, lời nhắc trên các trang mạng xã hội, tờ rơi cung cấp thông tin, sách đọc theo trình độ đọc và các bài báo.

3. Thí sinh thực hành kỹ năng đọc lướt, đọc quét (skimming, scanning). Đối với một văn bản, luôn đọc lướt trước để hiểu ý chung.

4. Thực hành kỹ năng đọc những văn bản có từ vựng không quen; học cách bỏ qua những từ không quan trọng cho việc trả lời câu hỏi.

5. Đọc kỹ câu hỏi. Dùng bút màu đánh dấu từ khoá.

6. Tập làm phần Đọc cũng như các phần thi khác theo đúng thời gian bài thi.

7. Tập đoán nghĩa từ mới dựa vào văn cảnh. Không phải lúc nào cũng dùng từ điển.

Hướng dẫn cách làm chi tiết cho từng phần thi Reading

Phần 1

Nhiệm vụ:

Trong phần này, thí sinh có 5 văn bản ngắn. Với mỗi văn bản là 1 câu hỏi trắc nghiệm gồm 3 lựa chọn A, B, C. Thí sinh phải thể hiện được khả năng hiểu nhiều dạng văn bản khác nhau.

Cách làm:

  • Thí sinh nên đọc văn bản và xác định xem nội dung văn bản đề cập tới tình huống nào.
  • Thí sinh có thể dựa vào yếu tố hình ảnh (bố cục, vị trí… văn bản) để nhận diện ngữ cảnh.
  • Sau đó, thí sinh đọc 3 lựa chọn.
  • So sánh mỗi lựa chọn với văn bản để đọc đáp án đúng.
  • Đọc lại đáp án đã chọn lần nữa để xem ý nghĩa có khớp không.

Phần 2

Nhiệm vụ:

Thí sinh có 5 phần mô tả ngắn về người và phải nối nội dụng này với 5 trong số 8 văn bản ngắn về một chủ đề nhất định.

Phần này kiểm tra khả năng đọc hiểu chi tiết của thí sinh.

Cách làm:

  • Thí sinh nên bắt đầu bằng cách đọc 5 phần mô tả về người.
  • Tiếp đó, cần đọc kỹ cả 8 văn bản, gạc chân bất cứ phần chung nào giữa hai nội dung này.
  • So sánh phần mô tả với bất cứ đoạn văn nào có khả năng đúng.
  • Tránh sử dụng 1-2 từ giống nhau trong phần mô tả và văn bản để lựa chọn đáp án. Thay vào đó, nên tập trung vào ý nghĩa của cả văn bản.

Phần 3

Nhiệm vụ:

Trong phần này, thí sinh đọc 1 văn bản diễn tả một ý kiến hay bày tỏ thái độ. Có 5 câu hỏi trắc nghiệm với 4 lựa chọn A, B, C, D.

Thí sinh cần thể hiện được rằng, mình hiểu rõ thái độ/quan điểm của tác giả hoặc ý kiến mà tác giả trích dẫn; bên cạnh đó là ý chung và ý chi tiết của văn bản.

Cách làm:

  • Thí sinh nên bắt đầu bằng việc đọc lướt để tìm ra chủ đề, ý chính.
  • Đọc lại văn bản lần nữa, kỹ hơn, cẩn thận hơn.
  • Quan trọng là giải quyết từng câu hỏi một, so sánh mỗi lựa chọn với văn bản trước khi đưa ra đáp án.
  • Thí sinh nên kiểm tra lại đáp án mình chọn một lần nữa.
  • Câu hỏi 11, 12, 13 và 14 tuân theo trật tự thông tin trong văn bản.
  • Câu hỏi 15 tập trung vào ý chung của văn bản.

Phần 4

Nhiệm vụ:

Trong phần này, thí sinh đọc một văn bản dài gồm 5 chỗ trống được đánh số. Đây là vị trí các câu đã được lược bỏ. Sau đó, có 8 câu đánh dấu từ A đến H. Thí sinh phải tìm ra 5 câu còn thiếu trong văn bản từ 8 câu này.

Thí sinh cần thể hiện được mình có khả năng hiểu nội dung văn bản; thái độ/quan điểm trong đó cũng như bố cục, cấu trúc văn bản.

Cách làm:

  • Thí sinh nên đọc toàn bộ văn bản để hiểu được nội dung.
  • Nhìn vào mỗi chỗ trống được đánh số và chọn 1 trong số các câu A-H để điền vào.
  • Thí sinh nên kiểm tra xem đáp án mình chọn có hợp với nội dung trước và sau chỗ trống không, cả về mặt ngữ pháp lẫn mối quan hệ với nội dung văn bản.
  • Sau khi chọn 1 câu, thí sinh nên xác định xem tại sao 7 câu còn lại không phải là đáp án đúng.
  • Một khi đã hoàn tất 5 chỗ trống, thí sinh nên đọc lại văn bản lần nữa để đảm bảo nội dung chuẩn chỉnh.

Phần 5

Nhiệm vụ:

Trong phần này, thí sinh đọc một văn bản ngắn với 6 chỗ trống được đánh số.

Các chỗ trống được thiết kế chủ yếu để kiểm tra từ vựng của thí sinh, ngoài ra, còn có kiến thức về ngữ pháp.

Cách làm:

  • Trước hết, thí sinh nên đọc lướt văn bản để tìm chủ đề và ý chung.
  • Thí sinh nên đọc cả 6 câu hỏi, đọc lại cả câu có chỗ trống cần điền để chọn đáp án phù hợp.
  • Kiểm tra lại xem 3 đáp án kia tại sao không đúng.
  • Đọc lại toàn bộ văn bản lần nữa để đảm bảo nội dung có nghĩa và trôi chảy.

Phần 6

Nhiệm vụ:

Trong phần này, thí sinh đọc một văn bản ngắn với 6 chỗ trống được đánh số. Thí sinh phải tìm được từ thích hợp để điền vào chỗ trống.

Phần đọc này được thiết kế để kiểm tra kiến thức về cấu trúc ngữ pháp của thí sinh, khả năng hiểu cụm động từ và một số cụm từ cố định thông dụng.

Cách làm:

  • Trước hết, thí sinh nên đọc lướt văn bản để tìm chủ đề và ý chung.
  • Đọc kỹ mỗi chỗ trống, nghĩ xem từ nào thích hợp để điền.
  • Xem lại để chắc chắn không viết sai chính tả từ cần điền.
  • Đọc lại toàn bộ văn bản lần nữa để đảm bảo nội dung có nghĩa và trôi chảy.

ÔN B1 PET online

Xem thêm:

  • Cấu trúc và tài liệu ôn luyện bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh B1 Preliminary (PET)
  • Cấu trúc bài thi Cambridge B1 PET từ năm 2020 thay đổi như thế nào so với trước?
  • Các chứng chỉ Cambridge KET, PET, FCE, CAE (trình độ A2, B1, B1, C1) cho học sinh THCS, THPT, sinh viên
  • Tổng quan về kỳ thi English Cambridge YLE (Cambridge Starters, Movers, Flyers)
  • Cần ôn luyện kiến thức, kỹ năng gì để làm tốt các bài thi tiếng Anh Cambridge?