Bị tiêu chảy nên ăn gì cho nhanh khỏi, mau lại sức?

Bị tiêu chảy nên ăn gì và kiêng gì để hỗ trợ điều trị, giúp cơ thể chóng hồi phục là mối quan tâm của người bệnh. Hãy cùng chuyên gia Tâm Bình điểm qua một số thực phẩm được khuyên dùng và cần tránh cho người tiêu chảy ngay sau đây.

1. Nguyên tắc ăn uống cho người bị tiêu chảy

Người bị tiêu chảy phải đối mặt với tình trạng cơ thể mệt mỏi, mất nước và chất điện giải do đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau bụng, nôn. Do đó, chế độ dinh dưỡng lúc này đóng vai trò quan trọng. Nó vừa giúp người bệnh khôi phục sức khỏe vừa hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị.

Nguyên tắc khi lên thực đơn cho người bị tiêu chảy là:

– Chế biến thức ăn dưới dạng lỏng để bù nước cho người bệnh. Sau đó có thể chuyển dần sang ăn đặc

– Nâng từ từ khối lượng thức ăn nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước, chất điện giải, vitamin, năng lượng cho người bệnh

– Chia thành nhiều bữa

– Lựa chọn các loại thực phẩm giúp cầm tiêu chảy

– Kiêng thức ăn dễ gây lên men, sinh hơi, khó hấp thụ, thực phẩm cứng, khó tiêu hóa

Tiêu chảy (Ỉa chảy) là gì? Nguyên nhân – Triệu chứng – Điều trị

2. Bị tiêu chảy nên ăn gì?

Thực phẩm cho người bị tiêu chảy cần thận trọng để khôi phục hệ tiêu hóa vốn đang bị tổn thương. Xác định được người bị tiêu chảy nên ăn gì sẽ giúp xây dựng thực đơn cho người bệnh một cách khoa học.

Bị tiêu chảy nên ăn gì và kiêng gì

2.1. Người bị tiêu chảy nên ăn thực phẩm giàu tinh bột

Những thực phẩm giàu tinh bột có thể kể đến như: gạo, khoai tây… Chúng giúp giảm tình trạng tiêu chảy đồng thời phục hồi sức khỏe nhanh chóng do hàm lượng chất xơ thấp và dễ tiêu hóa. Gạo có thể được sử dụng để nấu cháo. Khoai tây có thể chế biến thành súp hoặc nấu canh.

2.2. Bổ sung sữa chua vào thực đơn

Đây là nguồn cung cấp men vi sinh tốt cho cơ thể. Một lượng lớn lợi khuẩn trong sữa chua sẽ giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể.

2.3. Chuối tốt cho người bị tiêu chảy

Với đặc tính mềm và dễ tiêu hóa, chuối có thể làm dịu bao tử, giải quyết tốt những vấn đề về đường tiêu hóa. Đặc biệt, hàm lượng lớn kali trong chuối có tác dụng cung cấp chất điện phân hiệu quả cho người bị tiêu chảy.

2.4. Bị tiêu chảy cần ăn táo

Lượng chất xơ hòa tan pectin trong táo có ích cho người bị tiêu chảy. Không những vậy, táo còn chứa hàm lượng đường tự nhiên, bổ sung năng lượng cho cơ thể. Do đó, khi bị tiêu chảy, bạn nên bổ sung táo để giảm đáng kể triệu chứng cũng như ngăn ngừa hiện tượng tiêu chảy tái phát.

2.5. Ổi – Loại quả nên ăn khi bị tiêu chảy

Lượng tanin trong ổi giúp hạn chế tình trạng đi ngoài. Bên cạnh đó, vitamin C và chất chống oxy hóa trong loại quả này còn giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

2.6. Người bị tiêu chảy nên ăn thịt gà

Theo nghiên cứu, thịt gà giàu các chất bổ dưỡng như: protein, sắt, kẽm, selen… Bổ sung thịt gà sẽ giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau những lần đi ngoài phân lỏng. Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý không nên làm món gà rán hay xào bởi việc sử dụng nhiều dầu mỡ ảnh hưởng không tốt tới hệ tiêu hóa của người bệnh.

2.7. Có thể ăn trứng

Trứng là loại thực phẩm quen thuộc, tuy nhiên nhiều người vẫn hoài nghi bị tiêu chảy có nên ăn trứng hay không. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trứng chứa nhiều chất dinh dưỡng, rất lành tính nên có thể bổ sung vào bữa ăn giúp người bệnh tiêu chảy lấy lại sức.

Trứng có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Nhưng để đảm bảo sức khỏe, người bệnh tiêu chảy nên ăn trứng luộc hoặc dùng lòng đỏ trứng để nấu cháo. Tránh các món trứng chiên, rán.

2.8. Bị tiêu chảy nên uống nước gì?

Khi bị tiêu chảy, cơ thể sẽ mất nước gây mệt mỏi, uể oải, tinh thần suy kiệt. Vì vậy, việc bổ sung nước là điều rất cần thiết. Bên cạnh nước lọc, một số loại nước khác mà người bệnh có thể dùng là:

– Nước gạo rang: Nó bổ sung nước và chất điện giải cho cơ thể. Tuy nhiên, khi uống người bệnh không nên cho quá nhiều đường hoặc muối.

– Nước ép táo, ổi: Như trên đã đề cập, hai loại quả này tốt cho người bệnh tiêu chảy. Nếu không muốn ăn theo cách thông thường, người bệnh có thể uống nước ép.

– Nước chanh: Loại nước này giúp bổ sung natri và kali cho cơ thể.

– Trà hoa cúc, trà vỏ cam: Trà hoa cúc giúp làm giảm co thắt ruột, giảm số lần đi tiêu. Trà vỏ cam hỗ trợ ức chế hại khuẩn.

– Sữa chua uống: Dạng sữa chua này rất tiện lợi, nó giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

3. Tiêu chảy nên kiêng gì?

Bên cạnh những thực phẩm có lợi, người bệnh cũng cần lưu ý tới tiêu chảy nên kiêng gì. Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm, thức uống mà người bị tiêu chảy nên tránh.

3.1. Kiêng thực phẩm nhiều dầu mỡ

Những loại thức ăn nhiều dầu mỡ sẽ làm tăng gánh nặng lên hệ tiêu hóa “yếu ớt” của người bệnh. Những món ăn được chế biến dưới dạng chiên xào, thức ăn nhanh sẽ làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy.

3.2. Không nên ăn thực phẩm tái sống

Người đang bị tiêu chảy cần “nói không” với rau sống, tiết canh, gỏi, nem chua, mắm tôm… Bởi những món ăn này sẽ khiến tiêu chảy “đeo bám dai dẳng”. Hơn nữa, chúng còn có thể đưa thêm vào cơ thể các loại sán, ký sinh trùng gây bệnh.

3.3. Người bị tiêu chảy cần kiêng thức ăn cay

Món ăn chứa gia vị cay nóng như tiêu, ướt gây kích thích niêm mạc ruột, làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh. Do đó, người bệnh nên tuyệt đối kiêng loại thức ăn này.

3.4. Tránh ăn thực phẩm chứa nhiều đường

Loại thức ăn này làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột, nó sẽ lấy nước từ tế bào vào ruột. Từ đó làm tình trạng tiêu chảy càng trở nên trầm trọng.

3.5. Loại bỏ sữa và các chế phẩm từ sữa ra khỏi thực đơn

Ngoài sữa chua thì người bị tiêu chảy không nên sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa. Nguyên nhân là do đi ngoài liên tục sẽ làm giảm lượng enzyme chuyên tiêu hóa đường lactose trong sữa, gây khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy trầm trọng hơn.

3.6. Tránh xa những loại trái cây, rau củ có thể sinh khí

Những loại rau quả dạng này bao gồm: bắp cải, súp lơ xanh, hành tây, đào, mận, hoa quả sấy khô… Chúng sẽ làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu, đầy hơi hơn.

3.7. Bị tiêu chảy kiêng uống gì?

Tuy bổ sung nước là điều cần thiết đối với người bệnh nhưng một số loại thức uống không phù hợp trong trường hợp này. Thậm chí chúng sẽ khiến cho tình trạng bệnh thêm tồi tệ.

– Rượu bia: Chứa nhiều chất độc hại đối với hệ tiêu hóa. Đây không phải là thức uống lành mạnh với người bệnh nói chung và người bị tiêu chảy nói riêng.

– Nước có ga: Làm tăng khí, dẫn tới cảm giác tức bụng, đầy hơi.

– Cà phê: Gây kích thích đường ruột, khiến người bệnh đi ngoài phân lỏng nhiều hơn.

4. Lưu ý dành cho người bệnh

– Chú ý cân bằng dinh dưỡng trong từng bữa ăn. Không nên lạm dụng bất kỳ loại thực phẩm, đồ uống nào.

– Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mua nguyên liệu tươi sống, hạn chế dùng đồ đông lạnh.

– Nếu đã áp dụng chế độ ăn uống khoa học cũng biện pháp chăm sóc tại nhà mà tình trạng tiêu chảy vẫn tiếp diễn kèm theo các biểu hiện bất thường khác hãy tới gặp bác sĩ.

Những thông tin trên đây đã giúp bạn giải đáp thắc mắc bị tiêu chảy nên ăn gì và kiêng gì. Hy vọng, chúng sẽ giúp ích cho bạn trong việc xây dựng thực đơn ăn uống, từ đó hỗ trợ điều trị tiêu chảy hiệu quả. Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào về vấn đề này, bạn có thể chat trực tiếp với bác sĩ.

XEM THÊM:

  • Trị tiêu chảy bằng hồng xiêm – Bài thuốc dân gian hiệu quả
  • Cà rốt chữa tiêu chảy như thế nào? – Tìm hiểu ngay!
  • 10 cách cầm tiêu chảy cấp tốc bạn cần “nằm lòng” để tự cứu mình