Vì sao trẻ hay bị đầy bụng, khó tiêu, biếng ăn? | Vinmec

Đầu tiên, bạn cần nắm được các biểu hiện thường thấy khi trẻ đầy hơi chướng bụng. Thông thường, khi bị đầy bụng, khó tiêu, trẻ có thể có một hoặc một số các triệu chứng sau đây:

  • Sau khi ăn từ 1 -2 giờ, bụng của trẻ vẫn căng tròn, đầy hơi. Khi bạn vỗ nhẹ vào bụng của trẻ sẽ thấy phát ra âm thanh như tiếng trống.
  • Trẻ có thể bị đau bụng râm ran.
  • Đột nhiên trẻ quấy khóc, khó chịu, bứt rứt, bỏ ăn hoặc chán ăn so với bình thường.
  • Trẻ có biểu hiện buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Trẻ bị xì hơi nhiều lần, đại tiện phân lỏng hoặc sền sệt, có khi bị táo bón.
  • Trẻ có thể khó ngủ về đêm, có khi quấy khóc do đau bụng ấm ách.

Khi trẻ có dấu hiệu bất thường ở đường tiêu hóa, bạn thường sẽ bối rối mà quên mất việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh cho trẻ là gì. Bởi chỉ khi biết nguyên nhân, bạn mới có thể tìm giải pháp để điều trị việc em bé bị đầy bụng khó tiêu nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Một số nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ hay bị đầy bụng khó tiêu đó là:

  • Chế độ ăn của mẹ: Trong những tháng đầu đời, nguồn dinh dưỡng chính của trẻ là sữa và phần lớn là sữa mẹ. Do vậy, nếu trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ mà có dấu hiệu chướng bụng khó tiêu, bà mẹ nên nghĩ ngay đến nguyên nhân đầu tiên là chế độ ăn của mẹ. Có thể mẹ đã ăn phải đồ ăn không đảm bảo, thực phẩm chưa chín, nguội lạnh hoặc đồ ăn có tính hàn cao.
  • Thay đổi chế độ ăn đột ngột: Trong những năm đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn khá nhạy cảm nên việc bạn thay đổi chế độ ăn cho trẻ đột ngột có thể khiến cơ thể trẻ không thích nghi kịp. Tình trạng này thường gặp ở những giai đoạn chuyển đổi giữa các loại thức ăn.
  • Do trẻ không dung nạp đường lactose: Tình trạng này xảy ra khi cơ thể trẻ không tiết hoặc tiết không đủ lượng men lactase để tiêu hóa các loại thực phẩm có chứa lactose như sữa. Khi đường lactose không được chuyển hóa, nó sẽ bị vi khuẩn lên men tạo ra khí, gây nên hiện tượng trẻ đầy bụng biếng ăn.
  • Trẻ dị ứng với protein sữa: Khi trẻ bị dị ứng với một hoặc một số loại protein có trong trong sữa, ngoài biểu hiện đầy bụng, khó tiêu, trẻ có thể bị nôn trớ, khó thở, tiêu chảy.
  • Do trẻ dùng kháng sinh hoặc thuốc khác: Các loại thuốc kháng sinh khi vào đường tiêu hóa sẽ tiêu diệt cả vi khuẩn gây bệnh và lợi khuẩn, do đó làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột. Điều này sẽ gây ra những trục trặc đường tiêu hóa cho trẻ dẫn đến tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu.
  • Trẻ bị rối loạn tiêu hóa (trào ngược dạ dày, táo bón, tiêu chảy): Khi trẻ bị trào ngược dạ dày, thức ăn, dịch vị bị đẩy ngược từ dưới dạ dày lên thực quản. Khi đó, trẻ dễ bị nôn ói, ợ hơi, chướng bụng. Còn khi phân bị ứ lại ở đại tràng do táo bón sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn yếm khí lên men tạo khí, gây ra tình trạng trẻ đầy hơi chướng bụng. Còn khi trẻ bị tiêu chảy, trẻ sẽ bị mất điện giải gây nên chướng bụng.